Nguy cơ thiếu I-ốt trở lại

Hiểm họa cho sự phát triển trí tuệ giống nòi

Hiểm họa cho sự phát triển trí tuệ giống nòi

Theo cuộc điều tra cấp quốc gia đầu tiên về tình hình thiếu I-ốt do Bệnh viện Nội tiết thực hiện năm 1993, 94% dân số VN nằm trong vùng thiếu I-ốt; mức I-ốt niệu trung vị là 32mcg/L; tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi là 22,4%.

Từ Quyết định 481/TTg (năm 1994) của Thủ tướng Chính phủ nhằm vận động toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt để phòng chống rối loạn thiếu I-ốt (CRLTI), năm 1995, dự án phòng chống bướu cổ (PCBC) được triển khai trên toàn quốc với nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo cán bộ; tuyên truyền, vận động toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt.

10 năm nỗ lực thanh toán  rối loạn thiếu I-ốt

Hiểm họa cho sự phát triển trí tuệ giống nòi ảnh 1
Các bà mẹ rất cần được bổ sung I-ốt trong thai kỳ.

Trong giai đoạn 1994-2000, ngân sách hoạt động được cấp tập trung cho dự án trên khoảng 50-80 tỷ đồng/năm. Chủ yếu cho trợ giá, trợ cước về muối I-ốt (chiếm 85%). Còn lại là cho hoạt động chuyên môn.

Từ 23 cơ sở SX muối I-ốt trước đó, năm 2000, cả nước có 70 xí nghiệp SX muối, bột canh I-ốt. Công tác giám sát quá trình SX được thực hiện thường quy, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu về số lượng và chất lượng I-ốt cho toàn dân.

So giữa hai thời điểm năm 1996 và năm 2000, độ phủ muối I-ốt tăng từ 56% lên 77,6%; tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi giảm từ 22,4% xuống còn 10,1%. Nhờ nhiều biện pháp tuyên truyền, trên 90% người dân đã hiểu được một phần tác hại của việc thiếu I-ốt.

Đến giai đoạn 2001-2005, cơ chế quản lý dự án thay đổi, việc quản lý muối I-ốt trợ giá được chuyển sang Ủy ban Dân tộc miền núi. Bộ Y tế chỉ quản lý phần ngân sách hoạt động chuyên môn với kinh phí khoảng 10-15 tỷ đồng. Do kinh phí giảm nhiều nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, đến năm 2005, cả nước có 78 cơ sở SX muối và bột canh I-ốt. Tỷ lệ phủ muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt 93,2%; mức I-ốt niệu trung vị là12,2µg/dL (đủ I-ốt); tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi giảm còn 3,6%. Về cơ bản, đến năm 2005, dự án PCBC đã hoàn thành mục tiêu thanh toán CRLTI.

2 năm “ngó lơ”, có nguy cơ quay lại... điểm xuất phát!

Điều đáng lo ngại là chỉ sau 2 năm kết thúc dự án mục tiêu quốc gia PCBC, tình hình thiếu hụt I-ốt đang có nguy cơ quay trở lại, đặc biệt là tại khu vực phía Nam. So giữa hai thời điểm 2005 và 2007, tỷ lệ phủ muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh giảm từ 91,6% xuống còn 88,6%, giảm mạnh nhất là ở khu vực miền Đông và Tây Nam bộ.

Mức I-ốt niệu trung vị giảm từ 123 mcg/L xuống còn 114 mcg/L. Một khảo sát khác về tình hình thu nhận I-ốt ở phụ nữ mang thai tại Đồng Tháp năm 2007 cho thấy, mức I-ốt niệu trung vị ở đối tượng này chỉ đạt 52mcg/L. Tỷ lệ hiểu biết đầy đủ của của người dân chỉ chiếm không quá 40%.

Dù năm 2005 ta đã tuyên bố với quốc tế là VN đã cơ bản thanh toán được các rối loạn thiếu I-ốt, nhưng nay nguy cơ thiếu I-ốt trở lại đã lộ diện, là hiểm họa về sự phát triển trí tuệ của giống nòi. Đâu là nguyên nhân của sự thụt lùi này?

Từ năm 2006, nhà nước chủ trương chuyển hoạt động của dự án quốc gia thành hoạt động thường quy của ngành y tế và kinh phí bị cắt giảm. (Năm 2006, kinh phí trung ương chỉ có 6,4 tỷ đồng; năm 2007 là 6 tỷ đồng). Ngoài ra, từ năm 2006, theo tinh thần Nghị định 163/2005 của Chính phủ, kinh phí chi cho hoạt động PCBC do UBND các tỉnh, TP trực tiếp quản lý và phân bổ cho hoạt động tại địa phương.

Điều đáng nói là nhiều lãnh đạo tỉnh và ngành y tế địa phương cho rằng dự án đã đạt mục tiêu thì không cần quan tâm nữa. Điều này dẫn đến thực trạng: năm 2006 chỉ có 23 tỉnh được cấp kinh phí từ ngân sách địa phương - nhưng rất ít (Thái Bình: 10 triệu đồng; Lào Cai: 20 triệu đồng; Hải Phòng: 15 triệu đồng). Có 11 tỉnh lập kế hoạch nhưng địa phương không bố trí được kinh phí hoạt động (Bình Định, Đắc Nông, Điện Biên...). 17 tỉnh khác không có báo cáo…

Trước thực trạng thật sự đáng lo ngại này, đã có nhiều ý kiến cho rằng: Nhà nước, Bộ Y tế cần duy trì, củng cố các hoạt động thường quy của dự án ít nhất đến khi có 90% đối tượng khảo sát hiểu được lợi ích của muối I-ốt và tự nguyện sử dụng.

Về lâu dài, Bộ Y tế cần có biện pháp yêu cầu các địa phương thành lập hệ thống Trung tâm nội tiết tuyến tỉnh để đảm bảo sự chỉ đạo và hoạt động đồng bộ trong công tác phòng chống bướu cổ, đái tháo đường và các bệnh lý nội tiết tại địa phương. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần có thái độ quan tâm đúng mức, cung cấp kinh phí, duy trì đội ngũ cán bộ, đảm bảo cho hoạt động cơ bản của dự án tại địa phương vận hành tốt và có hiệu quả… 

I-ốt là một vi chất cần thiết cho nhu cầu sống hàng ngày của con người nên cần được bổ sung liên tục và suốt đời.

 Theo Tổ chức Y tế thế giới, thiếu I-ốt - dù nhẹ - cũng làm trẻ giảm 13,5 điểm IQ, trẻ bị chậm phát triển trí tuệ, giảm khả năng học tập. Thiếu I-ốt còn có thể gây ra thiểu năng tuyến giáp (triệu chứng lâm sàng đặc hiệu gồm: phù niêm, giọng khàn, kém hoạt động, ngủ nhiều, da tóc khô, lưỡi dày, táo bón, lùn...), nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn. Thai phụ thiếu I-ốt dễ bị sẩy thai, thai lưu, bé sinh ra kém phát triển trí tuệ, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Người lớn thiếu I-ốt sẽ bị bướu cổ, tinh thần giảm sút, kém hoạt động, làm giảm tư duy sáng tạo và năng suất lao động thấp. 

TRẦM GIAO

Tin cùng chuyên mục