Na Uy

Hiểm họa dưới biển sâu

Hiểm họa dưới biển sâu

630 cư dân đảo Fedje ở Na Uy ngày 12-1 tuần hành phản đối việc Chính phủ Oslo đang tính “chôn” chiếc tàu ngầm U-864 của hải quân Đức bị hải quân Hoàng gia Anh bắn chìm ở Bắc Băng dương cách đây 62 năm. Các cư dân lo ngại nguy cơ thủy ngân trong chiếc tàu ngầm bị rò rỉ sẽ làm ô nhiễm nguồn nước biển. Như vậy 62 năm từng là nỗi đe dọa của quân Đồng minh, U-864 vẫn tiếp tục đe dọa vùng biển Na Uy.

Xây mồ cho tàu ngầm

Hiểm họa dưới biển sâu ảnh 1
Chiếc tàu ngầm Venturer trở thành bảo tàng nổi của hải quân Na Uy

Hướng giải quyết của chính phủ là đổ 300 tấn cát phủ dày 12m lên xác tàu, rồi “xây kim tĩnh” dày nửa mét bằng gạch, đá và xi-măng  thật kín cho chiếc tàu ngầm để nó không rò rỉ thủy ngân ra ngoài. Sau 3 năm nghiên cứu tốn 40 triệu kroner (tiền Na Uy, tương đương 6,5 triệu USD), Văn phòng duyên hải Na Uy đề xuất hướng này với lý do phương pháp này đã được thử nghiệm 30 lần trên toàn thế giới và tỏ ra hiệu quả, không gây nguy hiểm bằng việc trục vớt xác tàu lên.

630 cư dân ở hòn đảo Fedje (gần Bergen là thành phố lớn thứ nhì Na Uy) vẫn muốn chính phủ trục vớt rồi đem xác chiếc tàu ngầm đi nơi khác. Họ nói việc để mặc chiếc tàu dưới đáy biển có nghĩa là mối đe dọa tiếp tục hiện diện ở cảng biển này suốt nhiều thế hệ. Tổ chức bảo vệ môi trường Bellona (Na Uy) cũng đòi “di dời” xác tàu, nhưng việc trục vớt xác tàu nặng 2.150 tấn không bảo đảm an toàn. Và rất có thể những quả thủy lôi trên boong tàu nổ tung ngay trong lúc trục vớt, chưa nói đến nguy cơ rò rỉ thủy ngân ngay trong quá trình này.

Biện pháp sử dụng những tàu ngầm mi-ni điều khiển từ xa để thu hồi thủy ngân cũng nguy hiểm do có nguy cơ chính chúng làm tràn thủy ngân, vốn gây nguy hiểm cho động vật biển. Nếu cá nuốt phải lượng thủy ngân ấy và truyền qua cơ thể người, có thể dẫn đến kết quả phũ phàng, thậm chí một lượng nhỏ cũng gây hại cho hệ thần kinh và gây ra các biến chứng tim mạch và thận.

Bom độc bí mật

Người Na Uy từng không hề biết đến “Bí mật bom độc của Hitler” như tờ báo Dagbladet ở Oslo viết về U-864, cho đến khi hải quân Hoàng gia Na Uy phát hiện xác chiếc tàu ở độ sâu 150 m ngoài khơi đảo Fedje hồi tháng 3-2003. Số bình thép đựng thủy ngân trong xác tàu bắt đầu gỉ sét, và  bắt đầu gây rò rỉ. Hải quân chỉ vào cuộc điều tra sau khi một nhà sử học nghiệp dư là kỹ sư hàng hải Đức Wolfgang Lauenstein phát hiện chi tiết về số “hàng hóa” trên chiếc U-864.

U-864 do thuyền trưởng Ralf-Reimar Wolfram chỉ huy từng là nỗi đe dọa của hải quân Đồng minh trong Thế chiến 2, và trong cuộc xuất hành cuối cùng, nó được giao nhiệm vụ bí mật có mật danh “Caesar” chở thủy ngân qua Nhật để sản xuất vũ khí cùng động cơ cho những chiếc chiến đấu cơ Messerschmitt của không quân Đức.

Hải quân Anh phát hiện U-864 đang bỏ neo ngoài khơi Bergen khi trên đường từ Kiel (Đức) qua Nhật. Chiếc tàu ngầm Anh Venturer của thuyền trưởng James S. Launders lần theo tiếng ồn của động cơ U-864 rồi sau nhiều giờ chơi trò “mèo vờn chuột”, Lauders ra lệnh bắn 4 quả thủy lôi trong 17 giây. 3 quả bắn hụt nhưng quả thứ tư trúng U-864, xé vỏ tàu ra làm đôi và làm cột nước bắn thẳng lên cao 60 m. Đó là ngày 9-2-1945, ở vị trí cách đảo Fedje 2km.

U-864 bị bắn chìm, trở thành cỗ quan tài sắt của 73 thủy thủ và số bình thép đựng thủy ngân khiến người Na Uy 62 năm sau vẫn phải lo sốt vó. Trong khi đó, chiếc Venturer được tặng cho Na Uy khi Thế chiến 2 kết thúc, đặt tên lại là KNM Utstein và nay là một bảo tàng nổi đặt bên ngoài khuôn viên Bảo tàng hải quân Hoàng gia Na Uy ở Horten .

Anh Thao (tổng hợp) 

Tin cùng chuyên mục