Thống kê mới đây của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an), tính đến tháng 11-2014, số vụ cháy nổ so với cùng kỳ giảm khoảng 8,2%, thiệt hại về tài sản giảm 44,54%, cả nước đã xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy, làm trên 220 người thương vong và gây thiệt hại về tài sản khoảng 1.000 tỷ đồng.
Và cho tới thời điểm này là những ngày cuối cùng của năm 2014, dù chưa có thống kê cụ thể và đầy đủ toàn bộ số vụ cháy nhưng không quá khó để nhìn nhận và đánh giá rằng, năm nay là năm khủng khiếp của các vụ cháy nhà dân với thiệt hại rất nặng nề về người, thậm chí có những vụ chỉ là cháy nhỏ nhưng thiệt hại về người lại rất lớn.
Người dân TPHCM khó có thể quên được vụ cháy xảy ra tại cửa hàng kinh doanh hóa chất làm tóc ở số nhà 416 đường Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5) vào rạng sáng 16-9 làm 7 người chết. Còn người dân Hà Nội lại bàng hoàng trước vụ cháy quán karaoke Nhật Thực (ở 43 Giảng Võ, quận Đống Đa) chiều 3-5 làm 5 người chết. Nỗi đau do “bà hỏa” gây ra chưa dừng lại ở đó, ngược lên khu vực biên giới phía Bắc là vụ hỏa hoạn tại quán karaoke Nonstop (ở khối 9, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) vào chiều 6-11 làm 4 người tử vong. Trước đó là vụ ngạt khí do sử dụng máy nổ tại quán karaoke Queen Club (ở huyện Hải Hà, Quảng Ninh) làm 10 người còn rất trẻ tử vong. và rạng sáng ngày 29-12, cả cộng đồng xã hội lại bàng hoàng, xót xa khi một vụ cháy thảm khốc xảy ra thiêu rụi căn nhà 2 tầng tại Hải Phòng và tất cả 6 con người của 3 thế hệ sống trong căn nhà này đều thiệt mạng vì ngạt khói độc từ vụ cháy mà không thể nào thoát ra ngoài.
Không chỉ có các vụ cháy nhà dân nghiêm trọng làm nhiều người thiệt mạng mà trong năm 2014 cũng được đánh dấu là năm của những vụ cháy lớn xảy ra tại một số nhà máy, khu công nghiệp gây thiệt hại rất nặng nề về tài sản lên tới hàng ngàn tỷ đồng, như vụ cháy tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội vào tối 18-10 đã thiêu rụi một khu kho và nhà xưởng rộng hơn 10.000m2. Tiếp đó là vụ cháy tại Khu công nghiệp An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) vào chiều tối 14-11. Còn trong tháng cuối cùng của năm là liên tiếp các vụ cháy chợ ở Hà Nội.
Các vụ cháy nổ nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua đã làm nhiều người chết, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, tiền bạc, đặc biệt khiến người dân cảm thấy bất an và lo lắng. Thực tế rất đáng lo ngại này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về công tác an toàn phòng chống cháy nổ. Điều đáng nói là cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được “phương thuốc” đặc trị để kiềm chế cháy nổ, trong khi chính đối tượng chịu thiệt hại do cháy nổ là người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất lại không mấy quan tâm đến công tác phòng chống cháy nổ. Vì thế dù có nhiều nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ nhưng nguyên nhân chính vẫn là sự chủ quan, bất cẩn và coi thường các biện pháp phòng ngừa cháy nổ của con người.
Dân gian có câu “Thủy - hỏa - đạo tặc” là 3 nguy cơ lớn đe dọa đời sống con người. Trong đó, “bà hỏa” được xếp thứ hai đã đủ để chứng minh sức hủy diệt rất lớn, thậm chí khủng khiếp hơn cả bom đạn chiến tranh. Hiện nay đã vào những ngày cuối cùng của năm 2014 và thời điểm từ nay tới Tết Nguyên đán 2015 được coi là cao điểm của mùa cháy nổ. Bởi thời tiết vào mùa hanh khô, cũng là dịp các cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu để phục vụ Tết Nguyên đán nên rất dễ xảy ra cháy nếu bất cẩn. Ngoài ra, việc sử dụng lửa, điện, gas, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phục vụ sinh hoạt trong dịp này tại các gia đình cũng tăng cao so với thời gian trước... Đây chính là những yếu tố tiềm ẩn làm cháy nổ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Tránh được cháy nổ hay không là do ý thức của mỗi người trong cuộc sống. Để chủ động phòng ngừa cháy nổ, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh và bản thân mỗi người dân phải nâng cao hơn nữa ý thức và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về phòng cháy chữa cháy. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, nước chữa cháy để dập tắt kịp thời khi có cháy xảy ra, xây dựng phương án thoát nạn phù hợp với điều kiện thực tế. An toàn cho tính mạng và tài sản của người dân cũng như sự ổn định, yên bình của đời sống xã hội là vấn đề luôn phải được quan tâm hàng đầu. Vì thế cũng đòi hỏi cảnh sát phòng cháy chữa cháy, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa cháy nổ. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm các đơn vị, cơ sở và cá nhân vi phạm quy định về an toàn cháy nổ.
MINH KHANG