Hiến mình cho “quỷ”

Thời gian qua, hàng chục phụ nữ Việt Nam, đa số ngụ tại TPHCM, nghe lời dụ dỗ ngon ngọt và sính ngoại, đã đi theo, ăn ở như vợ chồng với những người gốc Phi. Những người “vợ” này, có khi đang bụng mang dạ chửa, bị chính “chồng” huấn luyện, dẫn dụ làm người vận chuyển “cái chết trắng”, trở thành vật thế thân cho các ông trùm ma túy gốc Phi.
Hiến mình cho “quỷ”

Thời gian qua, hàng chục phụ nữ Việt Nam, đa số ngụ tại TPHCM, nghe lời dụ dỗ ngon ngọt và sính ngoại, đã đi theo, ăn ở như vợ chồng với những người gốc Phi. Những người “vợ” này, có khi đang bụng mang dạ chửa, bị chính “chồng” huấn luyện, dẫn dụ làm người vận chuyển “cái chết trắng”, trở thành vật thế thân cho các ông trùm ma túy gốc Phi.

Báo SGGP xin gửi đến bạn đọc những câu chuyện đau lòng này, làm bài học cảnh tỉnh cho những cô gái nhẹ dạ cả tin, ham mê vật chất một cách mù quáng.

Bài 1: Vào tròng

Già nhân ngãi, non vợ chồng

Nhà có 7 anh chị em nheo nhóc nên Phạm Thị Thanh Trang (SN 1978, ngụ quận Tân Phú, TPHCM), sớm nghỉ học, ở nhà “gồng thuê gánh mướn” phụ gia đình. Lớn lên, lấy chồng nhưng gia đình riêng của Trang không được hạnh phúc. Hai đứa con nối tiếp chào đời cũng không cứu vãn được hạnh phúc của gia đình bé nhỏ. Giữa lúc cô gái trẻ một nách 2 con, bơ vơ giữa TP, hoang mang và vô định về tương lai thì Ozogu John (SN 1980, người Nigeria) xuất hiện.

Sau buổi đầu tiên gặp gỡ, kết giao ở quán cà phê, Trang dọn đồ đi theo John, sống nay đây mai đó tại các nhà nghỉ, khách sạn khắp TPHCM, dù không hề biết gốc gác John ra sao. Từ đó, cuộc sống của Trang có vẻ đổi đời, thỉnh thoảng Trang sang Ấn Độ vận chuyển “hàng mẫu” là giày dép, quần áo, sổ sách về Việt Nam cho “chồng”, đút túi 500 – 1.500 USD/lượt.

Trong khi đó, tất cả thông tin về quy luật hoạt động của băng nhóm vận chuyển ma túy quốc tế từ Pakistan, Ấn Độ về Việt Nam rồi sang Trung Quốc tiêu thụ do John cầm đầu, với thủ đoạn “ém” hàng trong va li, cúc áo, đế dép, bìa cuốn sổ… đã lọt vào tầm ngắm của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47B) Bộ Công an.

Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát, đến 20 giờ 10 ngày 21-7-2009, Trang và John cùng 2 đàn em bị bắt giữ khi đang ẩn náu tại khách sạn Gia Phú (quận Bình Tân) cùng với 600g heroin bọc dưới lớp giấy than nhằm cản quang, đánh nhòe các máy soi chiếu rồi được ép, giấu trong bìa của 1 cuốn sổ và 1 đôi dép, bên trong có 4 túi heroin.

Nguyễn Thị Hải Anh bị bắt cùng tang vật.

Nguyễn Thị Hải Anh bị bắt cùng tang vật.

Mải vui thú nguyệt hoa, nhiều phụ nữ sau thời gian sinh sống với các ông trùm ma túy gốc Phi đã mang bầu, nhưng vẫn bị “chồng” sử dụng để vận chuyển heroin. Khi khám xét nơi ẩn nấp tại chung cư An Hòa 2 (quận 7), ai cũng thắt lòng khi nhìn thấy lời than vãn “Trời ơi, sao tôi khổ thế này!” của Nguyễn Thị Hải Anh (SN 1984, quê Đắc Lắc) viết trên tờ lịch treo tường trong căn phòng sinh sống như vợ chồng với Michael Ikenna Nduanya (SN 1977, quốc tịch Nigeria).

Vì bệnh tật, Hải Anh đã bỏ dở việc học, giao lưu kết bạn rồi có con với Michael. Không có công ăn việc làm ổn định và để có tiền nuôi con, Hải Anh bị “chồng” lôi kéo, tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy. Tháng 12-2009, khi Hải Anh đang mang bầu sắp sinh đứa con thứ hai với Michael, Michael cũng “không tha”. Michael phân bua rằng, đồng hương mình qua cửa khẩu hay bị làm khó dễ, muốn nhờ Hải Anh sang Campuchia lấy “hàng mẫu” – không có gì quan trọng cả, toàn là mẫu mã của ngành may mặc thời trang, rồi chuyển ra Hà Nội (để sang nước thứ 3).

Ngày 9-12-2009, Hải Anh bị bắt tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) khi đang vận chuyển “hàng mẫu” gồm túi xách, đôi dép và 2 ví da bên trong chứa gần 1kg heroin.

Vừa đấm, vừa xoa

Theo các cán bộ điều tra, đa phần phụ nữ Việt Nam tham gia vào đường dây vận chuyển heroin quốc tế, nhất là những ngày ở nước ngoài, một mình nơi đất khách quê người, không hẹn rõ ngày trở về, đều bị các đối tượng gốc Phi hãm hiếp, thậm chí hãm hiếp tập thể. Hoặc, bị chồng hờ ghi lại cảnh thân mật.

Nạn nhân ngậm đắng nuốt cay không dám nói ra, còn các ông trùm lại dùng chính chuyện này để khống chế, bó buộc các cô gái dính chặt vào đường dây tội phạm của chúng.

Không chỉ phụ nữ gãy gánh giữa đường hay quá lứa, lỡ thì mới bị “săn”, thời gian gần đây, những cô gái trẻ có trình độ cũng lần lượt trở thành “con mồi” của các ông trùm buôn bán heroin gốc Phi. Nhiều trường hợp, các ông trùm đã “mua” luôn khi chat qua internet.

Hà Thị Ngô (SN 1981), con gái út trong một gia đình dân tộc Mường ở TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), mồ côi cha từ nhỏ, được mẹ vun vén cho học đến ĐH Kiến trúc TPHCM. Qua những lần chat trên mạng, Ngô quen với một người gốc Phi, đang sống ở Việt Nam, có bí danh Kelvin. Kelvin giới thiệu là giám đốc một công ty may ở TPHCM. Thơ thẩn với mối tình “ảo”, Ngô chẳng màng đến học hành, học mãi vẫn chưa tốt nghiệp.

Sau một thời gian quen biết, tháng 2-2009, Kelvin đề nghị Ngô sang Pakistan vận chuyển hàng may làm mẫu về Việt Nam, tiền công là 400 USD/lần. Ăn chực nằm chờ ở Pakistan 24 ngày, sắp về nước thì Ngô được giao một va li 2 đáy, bên trong có chứa heroin. Nhận ra hàng cấm, Ngô kiên quyết không mang “cái chết trắng” về Việt Nam. Thấy không có “hàng”, các đối tượng gốc Phi dùng mọi thủ đoạn tra tấn tinh thần và thể xác cô.

Sau những trận đòn thừa sống thiếu chết, vẫn không khuất phục được, các đối tượng đe dọa sẽ làm hại cả gia đình cô ở Tây Nguyên.

Đúng vào lúc hoảng loạn nhất, Kelvin ra mặt với vai trò “cứu mỹ nhân”, đứng ra bảo vệ cô trước sự đe dọa của nhóm người lạ. Quá ngây thơ, Ngô không hề nghĩ rằng đám người tra tấn cô và Kelvin cùng hội cùng thuyền, hành động bảo vệ cô chẳng qua là vừa đấm vừa xoa của một kẻ gian xảo, làm hại người ta nhưng vẫn ra vẻ ân cần, an ủi.

Như xẩm vớ được gậy, Ngô cảm kích trước hành động “hào hiệp” của Kelvin, kể từ đó, Ngô ngoan ngoãn nghe theo sự chỉ bảo của Kelvin, biến mình trở thành tay sai của đường dây buôn ma túy quốc tế.

Sơ đồ điều hành của mạng lưới vận chuyển ma túy và các vật dụng như đôi dép, đồ hộp, nút áo, quần áo để giấu ma túy.

Sơ đồ điều hành của mạng lưới vận chuyển ma túy và các vật dụng như đôi dép, đồ hộp, nút áo, quần áo để giấu ma túy.

Tháng 7-2009, nghe lời Kelvin, Ngô sang Ấn Độ vận chuyển một số mẫu hàng hóa, trang sức về Việt Nam với thù lao 500 USD/lần. Trước khi về Việt Nam, Chriss – đồng bọn của Kelvin đưa cho Ngô 1 ba lô và 1 cuốn sách bên trong có giấu ma túy, nói cầm về cho Kelvin. Biết rõ nhưng Ngô vẫn chấp nhận vận chuyển số ma túy đó.

Về đến Việt Nam, Kelvin lại… nhờ Ngô cất giữ hộ chiếc ba lô và cuốn sách, bảo sẽ lấy sau. Trong khi đó, Kelvin vẫn lang thang “săn mồi” trên internet và gặp Nguyễn Thị Phước (SN 1981, quê Quảng Ngãi, làm hướng dẫn viên du lịch).

Với kịch bản cũ, giới thiệu mình là giám đốc một công ty nước ngoài và tìm cách tán tỉnh Phước. Tháng 8-2009, Kelvin ngỏ lời cầu hôn Phước và Phước đã bỏ việc ở Đà Nẵng để vào TPHCM theo Kelvin. Tại TPHCM, thay vì làm đám cưới như đã hứa hẹn, Kelvin lợi dụng chuyện tình cảm để sai khiến Phước, đề nghị Phước sang Trung Quốc lấy hàng may mặc về làm mẫu với thù lao 500 USD/lần.

Trước khi đi, Ngô đã giúp Kelvin, đưa cho Phước một đôi dép có giấu ma túy để vận chuyển sang Trung Quốc. Biết mình đang “nhúng chàm” nhưng vì tình yêu, Phước chấp nhận xỏ chân lỗ mũi. Cả Ngô lẫn Phước đều không hay biết, Kelvin đã “một tay bắt hai cá” và ai nấy đều một lòng một dạ phục tùng “ông xã tương lai” có máu Don Juan đó.

Trần Hạ Duy (SN 1989, ngụ tỉnh Lâm Đồng), vừa tốt nghiệp Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng TPHCM thì gặp ông “giám đốc” Francise (khoảng 31 tuổi, người gốc Phi) trên một chuyến xe buýt và không ngần ngại trao đổi số điện thoại. Ông giám đốc luôn tỏ ra quan tâm đến một cô gái năng động, biết tiếng Anh như Duy và nói có công việc kinh doanh muốn Duy làm cho mình. Đó là ra nước ngoài nhận hàng mẫu quần áo, giày dép và giao cho đối tác, thù lao 500 – 1.000 USD/lần.

Duy cho biết, dù đã cảnh giác nhưng vẫn nhận lời vì thấy có thu nhập cao, được đi nước ngoài, tiếp xúc và nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình. Cho đến lần thứ 4 ở Cotonou (châu Phi) vào tháng 7-2011, lúc sắp về Việt Nam, Joll – đồng bọn của Francise mang 1 chiếc va li cho Duy, chỉ có vài chiếc áo sơ mi bên trong song va li rất nặng. Lục tung thì thấy đáy va li dày lên, cứng ở phần giữa. Nghi ngờ đáy va li có cất giấu vật gì, hỏi thì Francise cho biết không có gì hết. Mang va li về Việt Nam, Francise lại nhờ Duy… giữ hộ. Sau đó, đọc báo, thấy có cách thức vận chuyển ma túy giống như mình vẫn đi, Duy ngờ ngợ và dấy lên nỗi lo sợ.

Trước lời tra vấn của Duy, Francise trâng tráo: “Nếu đúng như cô nghi va li có ma túy thì sao?”. Không để Duy suy tính đường lui, Francise liền trở mặt, lên giọng: “Cô không được bỏ việc, phải làm xong việc mới thôi”. Vỡ lẽ sự thật kinh hoàng, linh tính mách bảo Duy điều chẳng lành này có thể đang xảy ra đối với Trần Hạ Tiên - em gái mình đang ở Cotonou. Duy hỏi Francise bao giờ Tiên về Việt Nam thì Francise ỡm ờ không trả lời, với mục đích muốn dùng tính mạng Tiên để uy hiếp và điều khiển Duy đi tiếp con đường tội lỗi. Sau đó, Francise chỉ định Duy phải mang va li có “hàng” sang Campuchia. 

ĐƯỜNG LOAN


Bài 2: Vết dầu loang

Từ nạn nhân bị lôi kéo, nhiều phụ nữ Việt Nam chuyển sang dẫn dụ người khác, kể cả người thân, bạn bè vào con đường phạm pháp. Thậm chí, họ cấu kết với người gốc Phi hình thành các đường dây vận chuyển ma túy quốc tế.

Trần Hạ Duy và Trần Hạ Tiên, 2 chị em ruột bị bắt vào ngày 18-7-2011 với 4kg ma túy tổng hợp được giấu trong va li 2 đáy.

Trần Hạ Duy và Trần Hạ Tiên, 2 chị em ruột bị bắt vào ngày 18-7-2011 với 4kg ma túy tổng hợp được giấu trong va li 2 đáy.

“Hiến” cả người thân, bạn bè

Hợp tác với Francise, Trần Hạ Duy đi nước ngoài như đi chợ, rất mãn nguyện và không hề nghi ngờ điều gì. Duy khoe với em gái và bạn bè mình đang làm cho một công ty do “một ông nước ngoài” quản lý. Duy kể thường đi nước ngoài để nhận hàng mẫu, vali, áo sơ mi, áo thun rồi đem về Việt Nam. Sau đó, hàng mẫu sẽ đem qua một nước nào đó để sản xuất. Mỗi lần như vậy được trả công 1.000USD.

Thấy “làm ăn” được, Duy tiến cử luôn em gái mình là Trần Hạ Tiên (SN 1991, sinh viên Trường ĐH Dân lập Văn Lang TPHCM), trở thành người vận chuyển “hàng mẫu” cho Francise. Sau khi “lật bài” với Francise, Duy tiếp tục phải mang “hàng” sang Campuchia, cùng lúc nhận được điện thoại của đồng bọn Francise báo tin: không được liên lạc với Tiên, thấy số điện thoại lạ không được nghe, ở lại Campuchia khi nào ông ta báo mới được về Việt Nam.

Lo lắng, Duy nhắn tin cho em gái mới hay vali của Tiên cũng có gì đó bất thường. Duy biết rằng em mình cũng đã trở thành vật thế thân cho tội phạm. Không những đẩy em gái vào con đường tội lỗi, khi biết chân tướng của Francise rồi, song trót cưỡi trên lưng cọp, dưới sức ép của Francise, Duy lại tiếp tục rủ cả bạn của mình là Huỳnh Ngọc Lợi (SN 1989, ngụ TPHCM) đi lấy “hàng mẫu” về cho công ty. Chẳng nghi ngờ gì, Lợi cũng xách một vali chứa heroin từ Việt Nam sang Campuchia.

Tương tự, nhiều người vận chuyển khác cũng dẫn dụ người thân, bạn bè vào con đường phạm pháp. Nguyễn Thị Xuân Hương (SN 1955) quen với Cao Thị Mỹ Dung (SN 1961, cùng ngụ TPHCM) - người phụ nữ hai lần gãy gánh và đang cặp bồ, sinh sống như vợ chồng với Ugah Victor Uchenna (tức Frank, SN 1971, người Nigeria). Qua Frank và Dung, Hương quen biết với một người gốc Phi có bí danh là Philip. Từ đầu năm 2009, Philip đặt vấn đề thuê Hương đi Ấn Độ vận chuyển “hàng mẫu” về Việt Nam. Hương đồng ý.

Kể từ đó, Hương đã 3 lần sang Ấn Độ lấy “hàng” và 9 lần đi Trung Quốc giao “hàng”, đồng thời tuyển một số đối tượng khác có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có con gái của mình là Lê Nguyễn Xuân Nhi và con rể Lê Thanh Phương (SN 1978) giúp sức, buôn bán gần 3kg heroin. Còn Dung, giới thiệu luôn em ruột mình là Cao Hoàng Lộc và một phụ nữ tên Trương Thị Thủy vận chuyển heroin từ Việt Nam sang Trung Quốc bằng thủ đoạn cất giấu heroin trong đế giày, dép và cả hai đã bị bắt tại đây.

Như vết dầu loang, số nạn nhân là phụ nữ Việt Nam ngày càng nhiều thêm khi mỗi người vận chuyển lại giới thiệu từ 2 đến 10 phụ nữ khác vào đường dây vận chuyển ma túy. Chỉ riêng Nguyễn Ngọc Lan đã giới thiệu cho Dung khoảng 10 người để chuyển hàng qua Malaysia.

Chim sẻ thành... đại bàng

Không chỉ là nạn nhân bị lôi kéo, nhiều phụ nữ Việt Nam lại trở thành các đối tượng chủ chốt, cấu kết với người gốc Phi hình thành các đường dây vận chuyển ma túy quốc tế; số nạn nhân cũng tăng thêm như… mạng lưới bán hàng đa cấp.

Thời gian đầu, khoảng tháng 9-2008, Dung và một số phụ nữ khác như Nguyễn Thị Mai Trinh, Huỳnh Thị Mỹ Lệ, Nguyễn Thị Hạnh… đều vận chuyển ma túy cho nhóm của Nguyễn Thị H.N. (SN 1967, ngụ TPHCM) - cặp bồ với một người gốc Phi là một trong số các ông trùm ma túy ở Trung Quốc. Khi đã quen đường đi nước bước, từ cuối năm 2008, Dung cấu kết với các đối tượng Frank, John, Ta Ta Aphunwa để hình thành đường dây vận chuyển ma túy quốc tế do mình và chồng hờ Frank cầm đầu.

Trong khi đó, sau lần Trinh bị H.N. cướp hàng tại Hà Nội khi đang vận chuyển cho một người khác (thông qua H.N.) thì những người trong đường dây của H.N. bỏ sang “phò” Dung. Những người vận chuyển như Hạnh, Trinh, Hương, Lệ, Lan, Xuân, Trúc, Thu… đã đi về Ấn Độ - Việt Nam - Trung Quốc như con thoi. Có lần, Thu vận chuyển “hàng” từ Ấn Độ về đến sân bay Tân Sơn Nhất, “rất mệt và muốn ói” thì Dung an ủi: “Em cố gắng, trong túi xách có “hàng”, em mà xỉu trong đó (sân bay - PV) thì nguy lắm”. Theo thống nhất, vụ này Thu sẽ được trả 1.000 USD cho khoảng thời gian 6 - 8 ngày ở Ấn Độ.

Nhưng tại Ấn Độ, Thu “mắc cạn” tới gần 1 tháng và các đối tượng gốc Phi ở Ấn Độ hứa sẽ cho thêm 1.000 USD nữa. Nhưng về đến Việt Nam, đàn em của Dung chỉ đưa cho Thu 850 USD và bảo nếu các đối tượng ở Ấn Độ hứa cho 1.000 USD thì… sang đó mà lấy. Thông thường, tiền công vận chuyển heroin khoảng 1.000 - 1.500 USD/lần nhưng số tiền thực sự người vận chuyển nhận được chỉ từ 200 - 1.000 USD/lần, do bị các ông trùm và các tay “cò” người ăn chặn.

Riêng Hương ăn chặn tiền công môi giới khoảng 100 USD/người. Hợp tác với Cao Thị Mỹ Dung còn có Lương Thị Kim Dung (SN 1973, ngụ quận 1) - “vợ” của Chikide Ben (SN 1976, người Nigeria, cũng cầm đầu một đường dây vận chuyển ma túy khác). Trong đó, Mỹ Dung chịu trách nhiệm tuyển người vận chuyển ở Việt Nam, Kim Dung chịu trách nhiệm tổ chức vận chuyển ở Malaysia.

Còn Phan Thị Thanh Lễ (SN 1980, ngụ TPHCM) kết hôn với David Ete (SN 1978, người Nigeria) có một đứa con chung. Từ năm 2006, Ete và Lễ đã cấu kết với nhiều đối tượng mang quốc tịch Nigeria, Zimbabwe, Ghana như Egbuchuham, Kwaku, Wiri, Okafor, Chuma, Remy, Olawale… hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Pakistan, Ấn Độ, Malaysia về Việt Nam rồi sang Trung Quốc, Brazil tiêu thụ.

Để qua mặt cơ quan chức năng, Ete và Lễ đã giấu ma túy vào đế dép, bìa sách, ép vào đáy vali, ống tròn của hai đầu bức tranh, đường viền cổ, thắt lưng và gấu áo… rồi thuê người vận chuyển đi các nước. Riêng Lễ đã chuyển “hàng” 19 lần sang Trung Quốc. Tính đến ngày bị bắt, vợ chồng Lễ đã vận chuyển, mua bán trái phép hơn 11,3kg heroin.

Đường Loan


Bài 3: Thế thân

Quy luật chung, để giữ mạng sống, các “ông trùm” gốc Phi rất hiếm khi trực tiếp mang heroin trong người hay chứa trong nhà. Thủ đoạn của chúng là dùng tiền che thân, thuê - với giá rẻ mạt - những người phụ nữ mang đi, mang về “cái chết trắng” cho chúng. Vì hoạnh tài, nhiều phụ nữ đã giúp sức đắc lực cho họ, để rồi hại mình, hại người, rơi vào tình cảnh “vào trong mắc đó, ra ngoài mắc đăng”. Và nhiều phụ nữ bị “thiêu cháy” bởi chính “đống lửa” do mình nhóm lên.

Vò võ xứ người

Đang thụ án tại trại giam phạm nhân nữ ở TP Thượng Hải (Trung Quốc) với mức án chung thân về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, Trương Ngọc Quý (SN 1982, quê Đồng Nai) mừng mừng, tủi tủi khi gặp được đoàn cán bộ Việt Nam sang công tác tại Trung Quốc. Lỡ dở một đời con gái khi chưa có chồng song có một con nhỏ, Quý gửi con cho ba má rồi vào TPHCM làm nhân viên bán cà phê trên đường Lê Hồng Phong (quận 5).

Cuối năm 2008, Quý quen với một phụ nữ tên Lệ (có qua lại với người gốc Phi), một khách hàng thường xuyên của quán. Biết gia cảnh trắc trở của Quý, thỉnh thoảng, Lệ giới thiệu khách làng chơi cho Quý; mỗi lần “đi khách”, Quý được Lệ trả 500.000 đồng. Đầu năm 2009, đột nhiên Lệ hỏi Quý có “đi khách” ở Trung Quốc không? Quý đồng ý.

Trước khi lên đường sang Trung Quốc, Quý được Lệ và Lan (bạn Lệ) đến thăm. Lan xách theo một vali nhỏ và cười giả lả với Quý: “Sang Trung Quốc kiếm tiền sao đem theo cái giỏ xấu thế?”. Sau đó, Lan tự tay mở va li, muốn cho Quý nhìn thấy bên trong trống rỗng, không có gì. Rồi Lan lấy quần áo của Quý cho vào chiếc va li đó. Lan và Lệ thì thầm nhỏ to, sau đó Lan viết một mảnh giấy đưa cho Quý, nhắc khi đến Trung Quốc nhớ đón taxi về địa điểm đó và gọi điện về cho Lệ, Lệ sẽ nói cần gặp ai. Lan còn hào phóng cho Quý vay 500USD làm chi phí đi lại.

Trước sự “quan tâm” của Lệ và Lan – hai người Quý đều không biết đầy đủ tên tuổi, nơi ăn chốn ở, nghề nghiệp của họ, Quý cảm ơn rối rít, tưởng như có quý nhân phù trợ. Chứ Quý không ngờ họ đang lợi dụng mình để vận chuyển “cái chết trắng” cho đường dây buôn bán ma túy quốc tế. Giờ đây Quý chỉ còn biết trách mình nhẹ dạ cả tin.

Ete (chồng) bị tuyên án tử hình còn Phan Thị Thanh Lễ (vợ, ngồi phía sau Ete) nhận mức án chung thân, đứa con lai của họ từ đây phải nương nhờ người thân.

Ete (chồng) bị tuyên án tử hình còn Phan Thị Thanh Lễ (vợ, ngồi phía sau Ete) nhận mức án chung thân, đứa con lai của họ từ đây phải nương nhờ người thân.

Cũng đang vò võ xứ người chịu án chung thân chưa rõ ngày hồi hương như Quý, Đặng Thị Kim Liên (SN 1968, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) nghẹn ngào: Đang thất nghiệp thì một người bạn tên Tư ở gần nhà giới thiệu làm quen với Thảo (có “chồng” người gốc Phi) để vận chuyển “hàng mẫu” là quần áo và đá quý, tiền công 500USD. Liên nhận lời mang một va li đồ mẫu sang Thượng Hải (Trung Quốc) và bị Hải quan Thượng Hải kiểm tra, bắt giữ vì bên trong va li có một gói heroin.

Còn Trần Thị Thanh Hồng, đang thụ án 15 năm tại một nhà giam ở Trung Quốc, không khỏi cắn rứt lương tâm về lần trót dại làm quen với một người gốc Phi ở Công viên 23-9 (TPHCM). Chính người này đã giao đôi dép (có chứa heroin) cho Hồng vận chuyển sang Trung Quốc. Hồng chẳng biết tên thật, nơi ở của gã gốc Phi mới quen nhưng vì 500USD, Hồng nhắm mắt đưa chân làm theo lời sai bảo và nhận hậu quả quá “đắt” như bây giờ.

Theo thống kê, trong những năm gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2009 đến nay đã có cả trăm phụ nữ Việt Nam bị các cơ quan chức năng ở Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran… bắt giữ với số lượng heroin lên đến cả trăm ký. Đa phần họ đều liên quan đến đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy quốc tế do người gốc Phi điều hành nhưng nạn nhân không hề biết mặt mũi, tên tuổi “ông trùm” ra sao. Chỉ đến khi bị bắt, họ mới vỡ lẽ mình đã bị lợi dụng để “chết thay” cho những kẻ tổ chức buôn bán “cái chết trắng”.

Hoạnh tài bất phúc

Nhận được tin cả hai đứa con gái, một vừa tốt nghiệp đại học, một đang học đại học năm 2 bị bắt với gần 8kg methamphetamine dạng tinh thể (ma túy tổng hợp), bà Mai Thị Kim Chi, mẹ của Duy và Tiên ngất xỉu. Bà Chi không ngờ cả hai vợ chồng bà lo làm lụng để cho con ăn học bằng người, giờ lại có ngày, hai chị em vì tham đồng tiền bất chính mà sa chân như thế này.

Ông Trần Văn Tường, cha của Duy và Tiên bình tĩnh hơn, tìm cách bào chữa cho các con, song những nỗ lực của vợ chồng ông cũng như mò trăng dưới nước. Đến nay, lần lượt các đường dây vận chuyển ma túy quốc tế được đưa ra xét xử. Những người phụ nữ Việt Nam đã, sẽ phải trả giá bằng chính tự do, thậm chí cả mạng sống của mình. Gia đình họ cũng tan nát theo.

Cùng vận chuyển, mua bán với số lượng 8kg heroin, cả gia đình Nguyễn Thị Xuân Hương (ngụ quận 1) có đến 3 người dính vòng lao lý, trong đó con gái Hương đã chết trong thời gian bị tạm giam. Trong khi Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (SN 1955, ngụ quận 10) đang “bóc 20 cuốn lịch” thì ở nhà, đứa con 12 tuổi và mẹ già “như chuối chín cây” chỉ còn biết nương tựa nhau sống mòn mỏi qua ngày.

Với Cao Thị Mỹ Dung (ngụ quận Bình Thạnh), việc “lên đời” khi cặp bồ với Frank chẳng thấy đâu nhưng với 16 lần xuất cảnh vận chuyển heroin, một bản án tương xứng cũng đang chờ đợi. Em trai Dung, Cao Hoàng Lộc đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc tuyên án tử hình. Bất hạnh hơn, những đứa con lai của các cặp “già nhân ngãi, non vợ chồng” như Ete - Phan Thị Thanh Lễ, Michael - Hải Anh giờ đây bơ vơ, khi cha của chúng đã bị tuyên án tử hình, còn mẹ đang thụ án chung thân.

Khi bị tước đi tự do để trả giá cho lỗi lầm của mình, những người vận chuyển heroin như Hải Anh, Thanh Lễ, Hạnh… đều sụt sùi giọt nước mắt hối hận. Song tất cả đã muộn màng. Tuy nhiên, vẫn sẽ không muộn với những ai đang có ý định “làm ăn” với những đối tác đầy nghi vấn! Và càng không muộn với các cơ quan có nhiệm vụ quản lý người nước ngoài, nhất là số người nước ngoài lưu trú bất hợp pháp, có quan hệ “già nhân ngãi, non vợ chồng” với phụ nữ Việt Nam; với cơ quan chức năng, đoàn thể có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ… để phụ nữ Việt Nam không còn là vật thế thân cho những tay tội phạm quốc tế.

"Các đối tượng gốc Phi lợi dụng cơ chế mở cửa hội nhập của Việt Nam đã nhập cảnh bằng nhiều cách khác nhau rồi tìm cách ở lại Việt Nam trái phép và hoạt động phạm tội. Trong đó, không tránh khỏi đã hình thành đường dây, tổ chức đưa người gốc Phi vào lưu trú bất hợp pháp tại Việt Nam. Các đối tượng muốn biến Việt Nam thành một điểm trung chuyển ma túy từ Trung Đông, Ấn Độ qua Việt Nam rồi vào Trung Quốc. Cảnh sát Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với cảnh sát các nước để triệt phá các băng nhóm tội phạm nhằm bắt giữ những đối tượng cầm đầu cũng như phong tỏa nguồn tài chính mà các tổ chức tội phạm đang nắm giữ"

Đại tá Lê Thanh Liêm, Phó Cục trưởng C47B Bộ Công an


ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục