* Ủng hộ thành lập Tòa án Hiến pháp độc lập
(SGGPO).- Ngày 7-12, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết việc thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Đồng chí Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phát biểu nhấn mạnh, Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ.
“Đất nước ta đã trải qua hơn 60 năm lịch sử lập hiến với 8 lần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã cho thấy, hoạt động lập hiến không chỉ dừng lại ở thẩm quyền hiến định của Quốc hội mà đã trở thành sự kiện trọng đại mang tính lịch sử của đất nước, một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng của toàn dân. Mỗi sự thay đổi của Hiến pháp đều mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu sự chuyển mình của cả một dân tộc để bước sang một giai đoạn phát triển mới ở một tầm cao mới”, ông Vũ Trọng Kim phát biểu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc xây dựng và thi hành Hiến pháp năm 1992 cùng với những kiến nghị sửa đổi bổ sung. Đặc biệt, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị; vấn đề giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam nhằm phát huy ngày càng nhiều hơn quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân và làm rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và MTTQ Việt Nam để tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung.
Các đại biểu cũng kiến nghị Hiến pháp mới sửa đổi lần này cần chú trọng thực hiện dân chủ thông qua MTTQ Việt Nam vừa là dân chủ trực tiếp, vừa là dân chủ gián tiếp, là hình thức hết sức quan trọng để đảm bảo quyền dân chủ của người dân, thể chế hóa điều 9 của Hiến pháp…
Cùng ngày, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Sửa đổi Hiến pháp theo yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Hội thảo tập trung vào 3 chủ đề chính: Hiến pháp và vấn đề tổ chức quyền lực; Hiến pháp và vấn đề quyền con người, quyền công dân; vai trò lãnh đạo của Đảng và cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Các nhà khoa học đã phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xác định đúng những vấn đề cấp thiết nhất trong việc hoàn thiện Hiến pháp Việt Nam; đưa ra những đề xuất nhằm phát huy tính hiệu quả của hệ thống chính trị, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong nhà nước pháp quyền. Nhiều chế định cụ thể đã được đề xuất nhằm sửa đổi một số vấn đề về quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền tự do kinh doanh cùng các quy định khác về quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp hiện hành.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng và cơ chế bảo vệ Hiến pháp, các ý kiến đều khẳng định: quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là một đảm bảo cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Liên quan đến cơ chế bảo vệ Hiến pháp, mô hình thành lập Tòa án Hiến pháp độc lập được nhiều nhà khoa học ủng hộ trên cơ sở cho rằng văn hóa chính trị truyền thống của Việt Nam không những không cản trợ việc thiết lập một tòa án Hiến pháp mà còn có những tiền đề cần thiết hỗ trợ cho việc hình thành một cơ quan như vậy.
L.Nguyên - A.Thư