(SGGPO). - Ngày 28-11, sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi, trao đổi với báo giới, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội khẳng định người dân sẽ được lợi từ bản Hiến pháp mới.
* Ông Đinh Xuân Thảo: Rõ ràng, đợt soạn thảo Hiến pháp này thì người làm Hiến pháp chính là nhân dân, nên lợi ích chính là hướng tới nhân dân. Tinh thần về vai trò làm chủ của người dân trong này thể hiện rất cụ thể. Trách nhiệm hay cam kết của nhà nước đối với người dân là anh phải thừa nhận, tôn trọng để những quyền chính đáng, cơ bản của người dân được thực hiện. Lần này, các quyền được quy định rõ là quyền lực đến đâu, quyền đó được thực hiện như thế nào. Hiến pháp mở ra vấn đề thực hiện các quyền này sẽ do luật định. Sau khi Hiến pháp được thông qua, từ 1-1-2014, Quốc hội, các cơ quan nhà nước khác phải bắt tay ngay vào cụ thể hóa các nội dung bằng các luật cụ thể để người dân có thể thực hiện được quyền Hiến pháp quy định.
Hiến pháp lần này cũng đúng như nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, vai trò, vị trí quyền lực của người dân trong chương II thể hiện, đây là chủ tâm đề cao vị trí quyền nhân dân. Qua việc xây dựng Hiến pháp lần này, mọi người dân được cầm trong tay dự thảo Hiến pháp. Hôm nay, trước khi thông qua, toàn văn Hiến pháp được đọc trước Quốc dân đồng bào. Mỗi người đã ý thức rõ ràng Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản nhất. Những quyền cơ bản của công dân được quy định cụ thể, rõ ràng, có những điều khoản được áp dụng thực tiễn. Cơ chế Hiến pháp thì vẫn sử dụng vai trò của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác cũng như toàn dân trong việc bảo vệ Hiến pháp. Nghĩa là tất cả những gì trong Hiến pháp đã quy định cần được bảo đảm thi hành, tôn trọng, không ai được vi phạm. Người nào vi phạm (tức có hành vi vi hiến thì phải xử lý). Điều quan trọng là người dân biết quyền của họ được quy định trong hiến pháp và người nào vi phạm sẽ biết ngay. Tổ chức cá nhân nào vi phạm quyền Hiến định sẽ được coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng.
* Nhưng đề xuất về cơ quan bảo Hiến sau cùng đã được bỏ ra khỏi dự thảo trình Quốc hội thông qua thì cơ chế bảo vệ Hiến pháp, xử lý hành vi vi phạm thế nào?
*Nói cho chính xác thì chúng ta chưa có cơ quan bảo hiến chuyên trách chứ việc bảo vệ Hiến pháp là trách nhiệm của tất cả các cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị, có hệ thống cơ quan tư pháp, có tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra.
*Ví dụ như quyền được bào chữa của người dân, từ trước đến nay vẫn bị xem nhẹ, vì thế mới có hiện tượng các vụ án oan sai như hiện nay dư luận đang đặt ra, đó là do không có luật sư tham gia. Nếu có cơ quan bảo Hiến thì rất thuận lợi để giám sát việc này?
*Chuyện án oan vừa qua chúng ta nói đến hiện tượng ép cung, bức cung, nhục hình… thì trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thể hiện. Ngoài ra có vai trò giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải để ra trách nhiệm của mình trong việc thực thi các quy định, các quyền hiến định của người dân như quyền bào chữa của bị can bị cáo. Việc đó rất quan trọng. Những vụ oan sai, mớm cung, bức cung thì có nguyên nhân cơ bản là quyền bào chữa chưa được bảo đảm. Cũng có ý kiến nếu có cơ quan bảo Hiến thì sẽ hiệu quả hơn. Tôi cho rằng, không có cơ quan bảo Hiến chuyên trách độc lập, nhưng sau này cũng nên có bộ phận theo dõi thực thi Hiến pháp để bảo đảm, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi Hiến.
*Ông có hoàn toàn thỏa mãn với bản Hiến pháp sửa đổi mà Quốc hội vừa thông qua?
*Với nhu cầu hiện tại cũng như mục tiêu ngay từ đầu của việc sửa đổi Hiến pháp lần này thì bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua sáng nay đã đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Hiến pháp chỉ là những quy định có tính nguyên tắc, bao phủ trên mọi lĩnh vực. Còn vấn đề đảm bảo thực thi đến đâu thì phải chờ cụ thể bằng các đạo luật, và quan trọng hơn nữa là ý thức tuân thủ, trách nhiệm thực hiện của mỗi người dân.
Tôi tâm đắc về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lần này có nhiều điểm mới mà ngày mai gặp gỡ các cơ quan quốc tế tôi sẽ phát biểu. Đó là lần đầu tiên Hiến pháp của Việt Nam đã ghi nhận, thừa nhận, tôn trọng Hiến chương của Liên Hợp quốc cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều đó thể hiện sự cam kết quốc tế. Ví dụ vấn đề tuổi thành viên, vị thành niên, lâu nay quốc tế vẫn có nhiều khuyến cáo Việt Nam là một trong những nước sớm nhất gia nhập Công ước quốc tế về quyền trẻ em nhưng thực tế tuổi trẻ em ở mốc nào, 14 tuổi, 15 tuổi hay cho đến 17 tuổi thì vẫn không thống nhất trong các luật. Lần này, hướng tới sự thống nhất, như luật Hôn nhân gia đình sửa đổi dự kiến quy định tuổi kết hôn cho cả nam và nữ đều là 18 tuổi. Đó là sự thể hiện việc ghi nhận Công ước mà Việt Nam tham gia.
*Ông đánh giá thế nào về khả năng đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước của bản Hiến pháp sửa đổi?
*Trước hết, để kinh tế xã hội phát triển thì liên quan đến yếu tố con người. Con người là trung tâm của phát triển. Thừa nhận trong Hiến pháp nhân dân là chủ thể quyền lực của nhà nước, trong đó có quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh hay quy định mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh… là tạo điều kiện để phát huy mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng đất nước…
* Xin cảm ơn ông!
Phan Thảo ghi