Hiện thực hóa chương trình hợp lòng dân

Với hơn 7,2 triệu người cư trú, sinh sống và làm việc, trong đó có vài triệu cán bộ công chức, TPHCM có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội - một loại hình nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hay của các tổ chức phi lợi nhuận được xây dựng để bán hoặc cho thuê với giá rẻ cho một số đối tượng ưu tiên (như công chức nhà nước chưa có nhà ở, người có thu nhập thấp…).

Theo ước tính hiện nay TPHCM cần khoảng vài chục ngàn căn hộ loại này. Đã có rất nhiều dự án xây dựng nhà ở xã hội được chính quyền TP thông qua và các sở ban ngành cùng các doanh nghiệp triển khai. Song đến nay chương trình nhà ở xã hội của TPHCM đang chựng lại do gặp vô vàn khó khăn. Hàng chục dự án đã được khởi động, nhưng mới chỉ có vài dự án hoàn thành đưa vào sử dụng thời gian tới. Còn lại rất nhiều dự án dù đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, song vì nhiều lý do, vẫn chưa thực hiện hoặc làm dang dở và chưa biết bao giờ xong.

Ở phạm vi toàn quốc và đặc biệt là các TP đông dân cư, nhà ở xã hội là một chương trình lớn, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, là điểm tựa cho hàng triệu cán bộ công nhân viên và người nghèo có thể ổn định nơi ăn chốn ở để tập trung trí tuệ và sức lực lao động và học tập. Trước yêu cầu cấp bách về nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2127/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó giai đoạn 2011 - 2015 triển khai các chương trình nhà ở xã hội và hỗ trợ các hộ nghèo khu vực nông thôn; phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị (chủ yếu là nhà căn hộ chung cư)…

Chủ trương đã có với mục tiêu rất cụ thể. Vấn đề là TPHCM cần có giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả chương trình này. Trước hết, phải dành một quỹ đất đủ lớn để có thể xây dựng hàng chục ngàn căn hộ cho chương trình nhà ở xã hội. Trong tình hình cụ thể của TPHCM, quỹ đất này chủ yếu được quy hoạch ở những khu vực ngoại thành, ven đô. Tuy nhiên, để tiết kiệm diện tích ở một đô thị mà “tấc đất tấc vàng”, các dự án nhà ở xã hội được phê duyệt chủ yếu là xây dựng các chung cư nhiều tầng. Trong đó tích hợp cả các công trình công cộng (trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu văn hóa thể thao…), đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt xã hội đa dạng, phong phú của cộng đồng dân cư.

Vấn đề nan giải nhất hiện nay là việc huy động vốn thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, việc xã hội hóa các nguồn vốn cho chương trình này là lối thoát hoàn toàn khả thi. Phương thức này có thể thực hiện một cách linh hoạt: huy động vốn nhàn rỗi trong dân; động viên đầu tư vào chương trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; đổi đất lấy công trình nhà ở xã hội… Một vấn đề rất đáng được nghiên cứu trước khi quyết định đầu tư và phê duyệt dự án nhà ở xã hội là quy mô của căn hộ.

Trước đây, các chủ đầu tư thường chạy đua theo căn hộ diện tích lớn với nhiều phòng đầy đủ tiện nghi. Sau nhiều năm, các chủ đầu tư đã rút kinh nghiệm và chuyển hướng sang xây dựng các căn hộ nhỏ và vừa, phù hợp với nhu cầu của đông đảo cán bộ, công nhân viên chức và những gia đình nghèo. Vì đối tượng của nhà ở xã hội chủ yếu là những người nghèo nên giá các căn hộ cũng phải làm sao cho vừa khả năng thanh toán của họ. Để giảm giá thành cho nhà ở xã hội, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước: cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp, giảm một số nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư, giảm tối đa chi phí chuyển quyền sử dụng đất…

Nhà ở xã hội là một chương trình lớn có rất nhiều ý nghĩa, vì vậy rất cần sự chung tay của cộng đồng, từ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền TP và chính sách nhà nước. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, góp phần giảm bớt khó khăn về nhà ở cho cán bộ công nhân viên và người nghèo. 

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục