Hiệu quả của đầu tư đúng

Có những cảm xúc rất đặc biệt đã đến trong thời điểm kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên giành chiến thắng trên đường đua xanh tại SEA Games 27. Cảm xúc thứ nhất đó là niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên trong lịch sử kể từ sau khi đất nước được thống nhất, bơi lội Việt Nam có HCV ở nội dung dành cho nữ. Cảm xúc thứ hai đó là… không bất ngờ, bởi việc Ánh Viên đoạt HCV hoặc thậm chí là phá kỷ lục SEA Games cũng như thắng ở nhiều cự ly khác nhau là đã được biết trước bằng các thông số trong tập luyện và thi đấu.

Nói thành tích của Ánh Viên là kỳ tích của bơi lội Việt Nam cũng đúng, bởi tầm quan trọng của chiếc HCV đầu tiên mà Ánh Viên đạt được. Phải mất đến 4 thế hệ VĐV kể từ sau ngày thống nhất đất nước, bơi lội nữ của Việt Nam mới có được chiến tích lịch sử nói trên. Đó không phải là điều dễ dàng bởi để tìm được một người có tố chất đặc biệt với sãi tay dài tới 1m90 ở tuổi 17 như Ánh Viên là vô cùng khó. Trong thể thao đỉnh cao, muốn đạt được thành tích nào đó, ngoài vấn đề tập luyện còn cần có những tố chất thể hình, thể lực bẩm sinh. Năm 15 tuổi, Ánh Viên đã vô địch quốc gia hàng chục nội dung. Năm 16 tuổi, cô đã là nhà vô địch Đông Nam Á và trẻ châu Á. Có thể nói, Ánh Viên là “báu vật” của bơi lội Việt Nam.

Nhưng đằng sau kỳ tích ấy, còn là sự hiệu quả của quá trình đầu tư nghiêm túc, xác đáng và có trọng tâm. Với 2 năm được gửi sang Mỹ để tập huấn, thành tích của Ánh Viên tiến bộ vượt bậc. Nếu tính từ sau SEA Games 26, nơi Ánh Viên đoạt 2 HCB, thì nhờ được tập luyện ở Mỹ, cô đã rút ngắn nhiều thời gian ở các cự ly sở trường và thi đấu tốt trên các cự ly khác. Cô cũng đã đoạt suất chính thức dự Olympic London 2012, lọt đến vòng đấu bán kết và được xếp thứ 26 trong số các VĐV nữ xuất sắc nhất thế giới ở cự ly 200m bướm. Để thấy rõ hiệu quả của chuyến tập huấn tại Mỹ, có thể lấy ví dụ về Hoàng Quý Phước, người còn được kỳ vọng nhiều hơn cả Ánh Viên sau khi VĐV này đoạt 2 HCV tại SEA Games 26. Sau một số bất đồng, đơn vị chủ quản của Quý Phước chuyển điểm tập huấn từ Mỹ về Trung Quốc và sau đó, kình ngư này mất suất dự Olympic London 2012 cũng như không đạt được những tiến bộ về thành tích của mình trong 2 năm qua. Dù vẫn là VĐV nam hàng đầu của bơi lội Việt Nam, nhưng nhiều khả năng, Quý Phước sẽ bị các VĐV trẻ khác bắt kịp nếu không cải thiện được thành tích.

Trong khi đó, với Nguyễn Thị Ánh Viên, kỳ tích của cô tại SEA Games 27 vẫn chưa được HLV cũng như chính VĐV này hài lòng. Theo kế hoạch huấn luyện, Ánh Viên còn phải phát triển hơn nữa, còn có thể lập thêm nhiều kỳ tích khác, bởi cô chỉ mới 17 tuổi, thể hình còn được nâng cao. Khác hẳn với cách tập luyện quen thuộc tại Việt Nam vốn chỉ hướng đến thành tích, việc huấn luyện tại nước ngoài chú trọng vào thông số kỹ thuật của VĐV. Tư duy huấn luyện ấy buộc các VĐV phải liên tục phấn đấu, rút ngắn từng giây trên bảng thành tích bằng sự chuyên nghiệp và bản lĩnh tâm lý trong thi đấu. Đây chính là nguyên nhân giúp Ánh Viên có thể rút ngắn đến gần 20 giây ở một số cự ly thi đấu kể từ sau SEA Games 26.

Kỳ tích của Ánh Viên chính là bài học về sự đầu tư cho thể thao Việt Nam, tránh bớt đi sự lãng phí trong việc đầu tư tràn lan theo kiểu cào bằng lấy thành tích vẫn quen thuộc từ bao năm qua. Có như vậy, mới có thể phát hiện được những tài năng bẩm sinh và đủ nguồn lực để tập trung phát triển các tài năng ấy.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục