- 4 lĩnh vực mũi nhọn để phát triển bền vững
Quá trình xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước tại Việt Nam vẫn trong giai đoạn triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm và chờ kết luận cuối cùng của Bộ Chính trị. Tuy nhiên những gì mà chúng tôi ghi nhận được từ Tập đoàn Dầu khí đã thực sự mang lại niềm vui lớn và thành công của Tập đoàn Dầu khí (PVN) giống như một luồng sinh khí, một hình mẫu để các doanh nghiệp nhà nước tự tin, phấn đấu vươn lên…
Giai đoạn 2006 - 2010: Thành công rực rỡ, phát triển vượt bậc
Thực tế cho thấy, PVN ra đời là kết quả của quá trình chuyển đổi, sắp xếp, nâng cấp các tổng công ty, công ty thành viên, doanh nghiệp nhà nước có vốn, quy mô vừa và nhỏ, trong đó có nhiều công ty có công nghệ lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả để thu hút vốn xã hội, tăng quy mô. Trong quá trình chuyển đổi mô hình từ tổng công ty nhà nước sang mô hình tập đoàn kinh tế và tái cấu trúc mô hình Công ty mẹ – công ty con, PVN đã quyết liệt đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp. Theo đó, giai đoạn 2006 - 2010, đánh dấu bước phát triển vượt bậc và rực rỡ nhất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam qua các thời kỳ phát triển đến nay.
Ở giai đoạn này, tập đoàn đã đạt được nhiều kết quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 171,6% kế hoạch; đạt mốc khai thác 300 triệu tấn dầu quy đổi vào ngày 2-9-2009 và khai thác tấn dầu thô thứ 250 triệu vào ngày 12-10-2009; tốc độ tăng doanh thu đạt 28%/năm, chiếm trung bình 18-20% GDP cả nước, tăng 3,1 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005; nộp ngân sách Nhà nước tăng 15,5%/năm, chiếm trung bình 25-30%/năm tổng thu ngân sách nhà nước, tăng 2,4 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005; kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 5%/năm, chiếm trung bình 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 96% so với thực hiện năm năm 2001-2005 (giá dầu trung bình thực hiện cả giai đoạn 2006-2010 là 78USD/thùng). Qua đó, tập đoàn đã chuyển đổi thành công từ mô hình Tổng công ty sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế, cơ bản hình thành được ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm thăm dò khai thác - khí - điện - chế biến - và dịch vụ dầu khí cùng với việc đưa các nhà máy nhiệt điện khí, và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào vận hành.
Trong giai đoạn này, tập đoàn đã đưa năm nhóm sản phẩm mới vào phục vụ nền kinh tế quốc dân, góp phần tăng GDP của đất nước là: sản phẩm điện, sản phẩm xăng dầu, sản phẩm CNG, sản phẩm năng lượng sạch và sản phẩm nhiên liệu sinh học. Tập đoàn hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 49 dự án. Trong đó, có ba dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Nhà máy Điện Cà Mau 1, 2 và đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau; Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1 và 46 dự án trọng điểm khác của Tập đoàn; khởi công và thực hiện đầu tư xây dựng 27 dự án trọng điểm khác. Kết quả của việc triển khai các dự án đầu tư của tập đoàn trong giai đoạn 2006-2010 đã góp phần nâng cao vị thế và vai trò của tập đoàn ở trong nước và ở nước ngoài, đã nâng cao uy tín, thương hiệu của Petrovietnam.
Bài học lớn: nhận thức đúng, quyết tâm cao
Đồng chí Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cho rằng: “Trong quá trình phát triển, PVN đã coi việc thay đổi doanh nghiệp mang tính chất sống còn là xu hướng khách quan, tất yếu của thời đại. Việc thay đổi và cải tiến doanh nghiệp là một quá trình lâu dài, liên tục, ứng với các thời kỳ phát triển kinh tế và chủ trương của Đảng và Nhà nước. Có như vậy PVN mới xứng đáng là một tập đoàn kinh tế mũi nhọn, đầu tàu trong nền kinh tế nước nhà”. Trong quá trình đổi mới hoạt động, PVN đã rút ra bài học lớn đó là nhận thức của người lãnh đạo và của toàn thể cán bộ công nhân viên đối với công tác này là quan trọng nhất. Nếu nhận thức không đúng, không đầy đủ sẽ không có sự quyết tâm đồng thuận chính trị cao trong thực hiện và như vậy sẽ không thể tiến hành thành công được.
Thực tế cho thấy, trong 5 năm qua, phương thức tổ chức quản lý của PVN đã được thay đổi căn bản, quan hệ quản lý giữa công ty mẹ và công ty con được chuyển từ liên kết theo kiểu hành chính sang liên kết bằng cơ chế đầu tư tài chính, xóa bỏ các mệnh lệnh hành chính phi kinh tế, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng trước pháp luật giữa các chủ thể kinh tế, giải phóng sức sản xuất, cởi trói cho doanh nghiệp tự chủ kinh doanh tìm kiếm cơ hội và tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm quyền chi phối của công ty mẹ theo tỷ lệ nắm giữ vốn, bổ nhiệm nhân sự chủ chốt. Tập đoàn cũng đã thực hiện tốt vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, thể hiện trong việc tiên phong và triển khai thực hiện hiệu quả các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí, thực hiện các dự án trọng điểm ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, tích cực mở rộng hợp tác đầu tư với các địa phương và các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và các vùng, miền trên cả nước…
Tiêu biểu như Cụm Công nghiệp Khí điện đạm Cà Mau, Cụm công nghiệp Lọc hóa dầu Dung Quất, tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ để đối phó với những biến động phức tạp của nền kinh tế đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế đất nước bị lạm phát, giảm phát từ năm 2007 đến nay. Tích cực chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia thông qua việc hợp tác hiệu quả với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khác trong việc triển khai thực hiện mọi mặt hoạt động của Tập đoàn.
Có thể nói, thành công của công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp của PVN trong thời gian qua một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn đã thật sự đóng vai trò quan trọng là một trong những trụ cột của nền kinh tế quốc dân, công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, an sinh xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển. Quy mô được nâng lên rõ rệt, sức cạnh tranh được cải thiện, hoạt động ra nước ngoài mở rộng, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đầu tư chiều sâu, áp dụng nhiều công nghệ mới. Công ty mẹ PVN từng bước phát huy vai trò là đầu tàu định hướng, mở đường, hỗ trợ, giám sát các công ty con hoạt động hiệu quả hơn và là trung tâm kết nối, mở rộng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí theo chiến lược chung. Thương hiệu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang dần được khẳng định vị trí số 1 ở trong nước và khu vực.
Tiếp tục tăng tốc phát triển…
Tổng Giám đốc Phùng Đình Thực cho biết, trong thời gian tới, bốn lĩnh vực mũi nhọn - hoạt động cốt lõi mà PVN tập trung gồm: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở trong và ngoài nước; chế biến dầu khí - hóa dầu dầu khí (lọc hóa dầu, sản xuất phân đạm, hóa dầu, sản xuất nhiên liệu sinh học, đầu tư các nhà máy nhiệt điện khí, các dạng năng lượng sạch khác và các dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành dầu khí (khoan, hóa phẩm khoan, vận chuyển khí). Với định hướng này, PVN sẽ chỉ giữ lại một tổng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn của tập đoàn là Tổng Công ty Khoan thăm dò và Khai thác dầu khí; còn lại sẽ thoái vốn ở các mức độ khác nhau tại các tổng công ty, đơn vị còn lại.
Cũng theo Tổng Giám đốc Phùng Đình Thực, tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, trong 5 năm tới nhiệm vụ chính trị của PVN là: Xây dựng Petrovietnam thành tập đoàn kinh tế năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, tối ưu hóa việc sử dụng mọi nguồn lực sẵn có, xã hội hóa, thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là: thăm dò, khai thác, lọc hóa dầu, sản xuất điện khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí, gia tăng giá trị tài nguyên dầu khí trong nước và nước ngoài, tăng cường nguồn đầu tư khác vào các lĩnh vực không cốt lõi của tập đoàn, tạo điều kiện cho các lĩnh vực này hỗ trợ cho các lĩnh vực cốt lõi và cùng phát triển, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và đi đầu trong công tác an sinh xã hội. Xây dựng Petrovietnam là doanh nghiệp nhà nước kiểu mẫu, thật sự là trụ cột, chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 18 đến 20%/năm với cơ cấu phát triển hợp lý giữa các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí là cốt lõi. Tổng doanh thu phấn đấu đạt 3.040 nghìn tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách nhà nước 650 nghìn tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ PVN là 20% đến 25%/năm. Gia tăng trữ lượng từ 35 đến 45 triệu tấn quy dầu/năm và tổng sản lượng khai thác dầu khí phấn đấu đạt 142 triệu tấn quy dầu…
NGUYỄN THU TUYẾT