Thật ra, đây là câu hỏi không mới. Mỗi lần thất bại với một HLV nước ngoài nào đó, nó lại được đặt ra. Nhưng hơn lúc nào hết, bây giờ, câu hỏi ấy thật sự trở thành một đòi hỏi thực tế đối với những người đang điều hành bóng đá nước nhà, bắt nguồn từ sự chia tay với bóng đá Việt Nam của HLV Calisto. Chúng ta đã không thể giữ được một HLV nước ngoài am hiểu bóng đá Việt Nam đến từng chi tiết và lại sống nhiều năm ở Việt Nam như ông Calisto. Hơn nữa, bây giờ tiếp tục dùng một HLV ngoại liệu có đạt thành tích cao hơn chức vô địch AFF Cup mà ông Calisto đã đem lại? Nếu không vượt qua được cái ngưỡng mà ông thầy người Bồ đã tạo ra, là ngoại hay nội có khác gì nhau?
Thế thì tại sao không dùng HLV nội và xây dựng một bản sắc mới cho đội tuyển Việt Nam. Điều này sẽ là cuộc cách mạng về nhân sự lớn nhất mà VFF cần làm chứ không phải cải tổ lại lực lượng rồi giao cho một chuyên gia nước ngoài với những tư duy khó mà tương đồng với bóng đá Việt.
Đã đến lúc dùng HLV nội? Để trả lời câu hỏi này, nhất thiết phải trả lời một câu hỏi khác, mang tính tiền đề: Tại sao bấy lâu nay HLV nội không được tin dùng và tại sao những nhà cầm binh nổi tiếng (vốn không hề ít ỏi) của Việt Nam lại không xung phong nhận trách nhiệm ấy? Xin trả lời, vấn đề muôn thuở về dụng nhân tài vẫn là: Cơ chế.
Người giỏi cần một môi trường tốt để thi thố tài năng. Để một HLV nội vượt qua được những áp lực mang tính lịch sử (từ năm 1995 đến nay, bóng đá Việt Nam chỉ toàn dùng HLV ngoại), cũng như những rào cản về mặt dư luận (vốn dễ nghiêng theo cái có sẵn, quen dùng) lại cần phải có sự ủng hộ mang tính thực chất. Thay vì yêu cầu họ phải có thành tích ngay lập tức khi chỉ trả mức lương bằng phân nửa chuyên gia nước ngoài, hãy cho họ thêm thời gian. Thay vì đối xử theo kiểu “người trong nhà”, hãy cho họ được quyền quyết định lớn hơn. Hãy trả lương họ thật xứng đáng và yêu cầu ở họ một lộ trình dài hơi hơn.
Bóng đá Việt Nam không thiếu những HLV giỏi, trẻ và dũng cảm. Chúng ta cũng không thiếu những chuyên gia bóng đá có tầm nhìn lớn và cá tính mạnh. Vấn đề là phải tập hợp họ lại, chọn ra người có khát vọng và hỗ trợ họ bằng một hội đồng các chuyên gia hàng đầu. Tại sao doanh nhân Đỗ Quang Hiển dám đặt niềm tin và có thành công cùng 2 HLV trẻ Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức mà VFF lại không thể? Tại sao ông Mai Đức Chung có thể làm nên lịch sử khi đưa Bình Dương vào bán kết AFC Cup mà lại không đủ năng lực để dẫn dắt đội tuyển quốc gia? Không thể phủ nhận, các chuyên gia như Alfred Riedl hay Calisto đã xây dựng cho bóng đá Việt Nam nhiều thế hệ cầu thủ với những chiến tích nổi bật trên đấu trường quốc tế nhờ tư duy mạnh mẽ của người phương Tây. Nhưng nói cho cùng, họ không thể hiểu hết bóng đá Việt Nam như chính các HLV nội của chúng ta.
Không dễ để vượt qua những áp lực sau một thời gian quá dài chịu ảnh hưởng tư duy và đạt thành công cùng các HLV ngoại. Nhưng như đã nói, ngay cả một HLV tài ba nhất thế giới cũng bắt buộc phải hiểu, thích ứng với trình độ của bóng đá Việt Nam. Những yếu tố cốt lõi đó, chắc chắn một HLV nội đã có sẵn trong người. Vấn đề là VFF có dũng cảm làm cuộc “cách mạng”, giao nhà cầm binh trong nước đối đầu với thách thức ấy để mang lại thành tích thể thao đỉnh cao quốc gia.
V.TÂM
| |
| |