Hỗ trợ phát triển các huyện nghèo - Nhân rộng mô hình “đỡ đầu”

Hỗ trợ phát triển các huyện nghèo - Nhân rộng mô hình “đỡ đầu”

Sau hơn 3 năm triển khai Đề án 30a của Chính phủ về hỗ trợ 62 huyện nghèo, giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững, tiến độ thực hiện vẫn còn khá chậm do nhiều doanh nghiệp “đỡ đầu” đang gặp khó khăn. Về vấn đề này, phóng viên Báo SGGP vừa có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Trọng Đàm (ảnh).

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm

- PV: Thứ trưởng đánh giá thế nào về hiệu quả “đỡ đầu” các huyện nghèo của các tập đoàn, tổng công ty lớn?

Thứ trưởng NGUYỄN TRỌNG ĐÀM: Sau 3 năm, hiệu quả của Đề án 30a đã giúp giảm được 15% hộ nghèo. Song đổi thay rõ nét nhất là về diện mạo cơ sở hạ tầng và sản xuất của bà con. Tính đến nay, các doanh nghiệp nhận “đỡ đầu” đã làm được khoảng 2.000 công trình lớn nhỏ cho các huyện nghèo nằm trong đề án, gồm đường giao thông, cầu dân sinh, hệ thống lưới điện, trạm y tế xã, trường học, trường nội trú…

- Những công trình điển hình nào mang lại lợi ích thiết thực cho người dân ở huyện nghèo?

Tất cả các công trình được đầu tư đều bắt nguồn từ nhu cầu của người dân và phù hợp đặc thù của mỗi địa phương, nên đã phát huy được hiệu quả. Chẳng hạn như những trường học phổ thông, trường dạy nghề hoặc trường bán trú được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu được học hành của con em các huyện nghèo. Thậm chí, chỉ cần những cây cầu dân sinh cũng đã giúp học sinh đến trường, người dân đi làm thuận lợi hơn, không còn cảnh phải ngồi đò qua sông và rõ ràng đã cải thiện điều kiện sống của bà con ở các huyện nghèo.

- Tuy nhiên tiến độ triển khai còn gặp nhiều khó khăn…

Khó khăn hiện nay là tiến độ và nguồn lực chưa đáp ứng đúng như chúng ta đề ra. Theo đề án, để hỗ trợ cho 62 huyện nghèo, bình quân mỗi năm, mỗi huyện cần đầu tư khoảng 300 - 350 tỷ đồng. Nhưng hiện nay tổng nguồn lực để đầu tư cho mỗi huyện nghèo, bao gồm từ Đề án 30a và cả các chương trình mục tiêu khác, thậm chí từ huy động trái phiếu, tín phiếu Chính phủ, bình quân cũng chỉ được khoảng 250 tỷ đồng. Nếu có đủ nguồn lực, chúng ta mới thực hiện nhanh và hiệu quả hơn.

Trong 3 năm, theo cam kết thì vốn đầu tư của Nhà nước cho Đề án 30a trên 8.000 tỷ đồng và vốn của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp 2.200 tỷ đồng. Đến thời điểm này, đã đầu tư được 60% so với cam kết. Việc hỗ trợ, nhận “đỡ đầu” cho các huyện nghèo vẫn còn chậm là do trong 2 năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên chưa thực hiện được đúng cam kết về việc giải ngân vốn đỡ đầu cho các huyện nghèo.

Vì vậy, sắp tới khi sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 30a, Bộ LĐTB-XH sẽ đề nghị điều chỉnh, sắp xếp lại việc hỗ trợ theo hướng các doanh nghiệp có khả năng sẽ tiếp sức cho các doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Với vai trò là thường trực, Bộ LĐTB-XH cũng sẽ chủ động làm việc và vận động các doanh nghiệp nhận hỗ trợ thêm cho các huyện nghèo. Chẳng hạn, các doanh nghiệp hiện nay đã nhận đỡ đầu 2 - 3 huyện và đã hoàn thành thì có thể tiếp tục nhận đỡ đầu thêm cho 1 - 2 huyện khác, nhằm đảm bảo cho tất cả 62 huyện nghèo đều được hỗ trợ.

- Hiện nay, những tập đoàn, doanh nghiệp nào có khả năng hỗ trợ thêm cho các huyện nghèo, thưa ông?

Những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam… thời gian qua đã làm khá tốt hoạt động đỡ đầu cho các huyện nghèo. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc để xem họ có thể “cáng đáng” thêm cho các huyện nghèo khác được không. Như vừa rồi, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ban đầu chỉ cam kết nhận hỗ trợ cho 4 huyện nghèo, sau khi hoàn thành lại tình nguyện nhận hỗ trợ thêm cho các huyện khác. Hoặc Ngân hàng Công thương Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngoài 2 huyện được đảm nhận theo sự phân công, còn tình nguyện hỗ trợ thêm hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc (Hà Giang) với số tiền 72 tỷ đồng.

Những đơn vị hiện nay đang gặp khó khăn là Tổng Công ty Chè Việt Nam, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Vinashin... sẽ được giãn bớt việc hỗ trợ huyện nghèo do tình thế bắt buộc.

Theo báo cáo của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, sau 3 năm, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nhận đỡ đầu cho 2 huyện Trạm Tấu và Mù Căng Chải (Yên Bái) nhưng hiện mới hỗ trợ được 2,1 tỷ đồng để giúp người dân cải thiện 834 căn nhà ở. Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao hỗ trợ 3 huyện: Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên (Lai Châu) với số tiền cam kết đầu tư lên tới 285 tỷ đồng nhưng hiện mới hỗ trợ được 19 tỷ đồng. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho tới nay cũng mới hỗ trợ xây 1 căn nhà ở tại huyện Quế Phong (Nghệ An). Tổng Công ty Lương thực miền Nam mới hỗ trợ 7,6 tỷ đồng cho hai trường học tại huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) trong tổng số tiền cam kết hỗ trợ 39,7 tỷ đồng.

Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục