Đầu tháng 3-2016, nông dân ở ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 500.000ha lúa đông - xuân, chiếm gần 1/3 diện tích sản xuất. Giá lúa ở mức cao ổn định từ 4.800 - 5.500 đồng/kg (tùy loại). Trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng, tác động nặng đến sản xuất, câu chuyện có mua tạm trữ lúa gạo trong vụ đông - xuân hay không cũng trở nên “lu mờ”!
Thực tế trong vài năm qua, có lúc Chính phủ triển khai giải pháp tình thế mua lúa, gạo tạm trữ ngay sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, từ trước và sau Tết Nguyên đán năm nay, giá lúa ở ĐBSCL ổn định ở mức chấp nhận được. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến hết tháng 2-2016, đã xuất khẩu hơn 300.000 tấn gạo. Dự báo xuất khẩu gạo đầu năm 2016, sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với đầu năm 2015. Lượng gạo tồn kho năm 2015 không nhiều, chỉ khoảng 300.000 tấn (thấp hơn 400.000 tấn so với cùng kỳ). Hợp đồng thương mại và tập trung năm 2015 chuyển qua khoảng hơn 1,3 triệu tấn và nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn đến sớm. Chính vì vậy, một số ý kiến cho rằng vụ đông xuân 2015-2016, không cần triển khai mua tạm trữ lúa, gạo.
Dự báo, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa đầu năm nay sẽ khá tốt do một số nước như Philippines, Indonesia, Malaysia sẽ nhanh chóng ký hợp đồng nhập khẩu gạo, nhằm ổn định nguồn lương thực trong nước trước tác động hạn hán do El Nino gây ra. Việc triển khai mua tạm trữ lúa, gạo lâu nay gây ra nhiều tranh cãi.
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách này chủ yếu giúp doanh nghiệp hưởng lợi, còn nông dân thì chẳng được gì. Trên thực tế, không có chính sách mua tạm trữ, doanh nghiệp vẫn triển khai mua lúa hàng hóa để xuất khẩu. Bà con nông dân nghi ngại các doanh nghiệp “diễn trò” để tận dụng miếng bánh từ hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, hoặc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ thu mua lúa, gạo không đúng mục đích, vì có trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia thu mua lúa.
Trong vài năm gần đây, lực lượng thương lái thu mua lúa hàng hóa ở ĐBSCL hoạt động khá nhộn nhịp và liên tục nên giá lúa không rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh. Việc thu mua lúa hàng hóa sôi động là từ nhu cầu của doanh nghiệp cần hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Số lượng xuất khẩu gạo từ nhiều đường sang thị trường Trung Quốc trong những năm qua gia tăng rất nhanh. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong đó, một số doanh nghiệp Việt Nam thiếu bản lĩnh đã để doanh nghiệp Trung Quốc đến tận kho chọt vào gạo để kiểm tra chất lượng. Trong khi đó, gạo Việt khi xuất khẩu sang Trung Quốc thường không có thương hiệu, là thiệt thòi, có phần trách nhiệm của VFA khi chưa nắm được “cán” để điều phối các hoạt động xuất khẩu bài bản hơn.
Theo Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo thì việc mua tạm trữ lúa, gạo không thực hiện thường xuyên và chỉ là giải pháp can thiệp vào thị trường khi giá lúa hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá định hướng, thông qua đó để ngăn chặn sự suy giảm và duy trì ổn định giá lúa, gạo trên thị trường, góp phần gián tiếp hỗ trợ người trồng lúa.
Thời điểm mua tạm trữ chỉ phụ thuộc vào thị trường (khi giá lúa gạo thấp hơn giá định hướng) và do Thủ tướng Chính phủ quyết định căn cứ theo tình hình thực tế, việc điều hành cũng phải linh hoạt để bảo đảm đạt được mục tiêu khi tạm trữ. Thực tế các đợt tạm trữ vừa qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giá lúa, gạo trên thị trường đều tăng lên so với trước thời điểm mua tạm trữ, qua đó đã nâng cao lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, thay vì hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ, Chính phủ nên hỗ trợ cho nông dân thông qua các giải pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản xuất lúa. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, giá thành sản xuất lúa gạo cao, đặc biệt lượng hạt giống gieo sạ còn quá cao. Một số địa phương sử dụng đến hơn 200kg hạt lúa giống/ha. Nếu đến năm 2020, ĐBSCL giảm lượng giống lúa gieo sạ còn 80kg/ha, tiết kiệm khoảng 300.000 tấn hạt giống lúa mỗi năm, tương đương với 4.500 tỷ đồng. Đây là một yếu tố quan trọng để giảm chi phí đầu vào của sản xuất lúa gạo, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để giảm chi phí đầu vào của sản xuất chung, tăng hiệu quả sản xuất và lợi nhuận cho người trồng lúa.
CAO PHONG