Năm 2012 là Năm hữu nghị Việt - Lào. Mối quan hệ của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào với Việt Nam là mối quan hệ đặc biệt khắng khít và gắn bó lâu đời. Doanh nhân Việt Nam là những người cảm nhận được sự ấm áp từ tình người, tình đất ấy rõ nét nhất khi đến đầu tư kinh doanh tại Lào. Họ như đang làm ăn trên chính quê hương mình. Tình cảm ấy đã giúp những vùng đất cằn cỗi, khô hạn quanh năm dọc theo sườn Tây của dãy núi Trường Sơn nở hoa, kết trái.
Chuyện của đất
Gối “lưng” với tỉnh Kon Tum (Việt Nam) là tỉnh Attapeu (Lào), một trong những tỉnh nghèo nhất nước Lào, bởi thổ nhưỡng xấu, địa thế cheo leo, nằm áp theo sườn Tây dãy Trường Sơn. Thổ nhưỡng xấu và thời tiết khắc nghiệt khiến cuộc sống người dân nơi đây rất khó khăn, cũng vì thế không ít doanh nghiệp đến tìm hiểu môi trường đầu tư đã “một đi không trở lại”. Nhưng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lại bắt đầu ăn nên làm ra từ nơi khó khăn nhất ấy từ năm 2007.
Phó Thủ tướng Thường trực nước CHDCND Lào Somsavat Lengsavad bắt đầu bài nói chuyện trước đông đảo doanh nghiệp Việt Nam tại một hội nghị do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì ở Attapeu: “Ai làm ăn mà không xem trọng lợi nhuận, nhưng HAGL cũng xem trọng tình hữu nghị giữa hai nước và hiệu quả về mặt dân sinh trong các dự án kinh tế của mình trên đất Lào. Đặc biệt tại Attapeu, một trong những tỉnh nghèo nhất nước Lào, đây là cách trả nghĩa cho những hy sinh của người dân Lào dọc theo biên giới Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh”. Thật ra, để có được những lời khen ấy, hàng chục ngàn cán bộ, công nhân Việt Nam và Lào đã vất vả khôn cùng để biến “sỏi đá cũng thành cơm”.
| |
Lý do khiến nhiều nhà đầu tư phải đầu hàng, bỏ cuộc vì dưới bề dày chỉ 6 tấc đất là tầng đá ong dày 20cm, vì khí hậu nơi này quá khắc nghiệt. Mặt đất lúc nào cũng bị nung nóng bởi tầng đá ong và nắng gió hanh hao đến hốc người, héo lá, tàn hoa. Ngày đến nhận đất đầu tư, ông Phan Thanh Thủ, Giám đốc Công ty Hoàng Anh - Attapeu (viết tắt HA-ATP) đã đi loanh quanh những khoảnh rừng khộp khô khốc suy nghĩ “Làm sao để biến rừng khô khốc thành rừng cao su xanh lá?”. Ròng rã mấy tháng trời mày mò tìm hiểu, ông Thủ mới biết, rễ cái của cây cao su khi cho mủ phải dài 1,2m, trong khi tầng đất thịt ở Attapeu chỉ dày 0,6m, làm sao cây phát triển được. “Vậy thì ta khoan hố xuyên qua tầng đá ong, rễ dài mấy mét mà không được”, ông Thủ nghĩ là làm. Nhưng bao nhiêu mũi khoan dùng chạm vỉa đá ong đều gãy vì đá quá dày và rắn. Cả tuần lễ, nhóm kỹ sư cơ khí “chỉ mơ về những mũi khoan”. Và khi mũi khoan đầu tiên phá vỡ một khoảng đá ong thì họ cùng ngã bật ra đất… vui mừng vì phát hiện phía dưới tầng đá ong là đất thịt, dày “vô biên” và còn rất tươi mới.
Chuyện về hoa đất
Theo lẽ thường, cây cao su trồng 5 - 7 năm mới bắt đầu cho mủ lứa đầu tiên. “Nhưng cây cao su của chúng tôi trồng ở Attapeu bắt đầu cho mủ mùa đầu là những cây có 4 năm tuổi”, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL, nói thế. Một số người có vẻ rành về cây cao su đã cười nghi ngại. Bởi ai cũng thấy rõ sự khắc nghiệt vì nắng và gió Lào đến người còn muốn héo nữa là cây. Thế nhưng, đến nay đã có gần 3.000ha trong số hơn 25.000ha cao su của HAGL ở Attapeu bắt đầu cho mủ lứa đầu tiên.
Ông Nguyễn Văn Thành, công nhân cạo mủ bậc 6, đang theo dõi các công nhân trẻ cạo mủ ở Nông trường 2. “Chúng tôi làm ở nhiều công ty khác, nay về đầu quân cho HA-ATP vì chế độ chính sách dành cho công nhân tốt hơn và cũng là để thỏa sự tò mò về tin đồn cây cao su mới 4 năm tuổi đã cho mủ. Gần 20 năm làm công nhân, lần đầu tôi thấy cây cao su 4 tuổi mà thân to, lá xanh mướt quanh năm lại có thể cho mủ được đấy. Bây giờ thì tin rồi”, ông Thành cười hể hả.
Sau những năm tháng dài bón mồ hôi cho cây vẫn chỉ thấy đất và lá, những công nhân Việt - Lào ở Công ty HA-ATP đã rất hạnh phúc khi thấy giữa màu xanh biếc của lá và màu đỏ thẫm của đất là màu trắng như sữa của mủ cao su. Nghe nói, trước khi chúng tôi đến đã có một số chuyên gia của các nhà máy chế tạo vỏ xe hơi danh tiếng như Bridgestone, Dunlop, Michelin đã đến đây “xem mủ”. Cũng nghe nói, có vài doanh nghiệp xuất khẩu cao su đến đây tìm hiểu. Nhưng có điều này là không nghe nói mà đang diễn ra tại đây, đó là một nhà máy chế biến mủ cao su theo tiêu chuẩn kỹ thuật châu Âu đang được xây dựng hối hả bên cạnh những nông trường của Attapeu này để chuẩn bị cho “mùa ăn mủ” năm sau.
Chuyện ngày mới
Anh Xeng Alun ở huyện Saysetha, công nhân cao su, đang dự liên hoan nhân lễ hội Bun Sangahua của Lào, chỉ về phía dãy nhà 2 tầng sơn trắng, tôn đỏ ở bìa đường đất đỏ nói: “Nhà mình được công ty cấp đấy”. Anh chị Khăm Saleng cùng các bạn người Lào vừa uống bia vừa kể tôi nghe chuyện ngày xưa: “Khi giao đất nhà mình cho ông Đức, mọi người cũng không vui ngay đâu”. Vận dụng trí phán đoán lắm tôi mới hiểu, đại khái chuyện thế này: Khi nghe tỉnh thông tin sẽ “quy hoạch đất” để làm dự án trồng cao su, một số bà con ở huyện Saysetha không chịu: “Cao su gì, không biết. Dân mình làm nông thôi, trồng cây cao su thì dân được hưởng lợi gì đâu mà đưa đất chứ?”. Vận động, giải thích mãi, bà con mới hiểu và đồng ý giao đất vào khu dân cư mới.
“Cái khó ban đầu này “dạy” cho lãnh đạo HAGL hiểu - lợi ích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đến từ nước ngoài, phải đi sau lợi ích của dân tại chỗ mới phát triển bền vững được”, ông Đoàn Nguyên Đức nói. “1.200 căn nhà được tặng không cho bà con và 5.000 người dân ở trong vùng quy hoạch được đào tạo tay nghề và sẽ được nhận vào làm công nhân của các nông trường, đó là lời hứa danh dự của doanh nghiệp Việt Nam đấy”, ông Thủ thông báo công khai trong các cuộc họp dân. Đất, thế là thỏa thuận xong. Đến nay, đã có hơn 5.000 người (khoảng 1.500 hộ người Lào) ở các tỉnh Attapeu, Sekong và Champasak có việc làm ổn định trong 7 nông trường cao su của HA-ATP. 5 năm trước, khi chúng tôi đến công tác ở đây tìm một tiệm ăn cũng khó, 19 giờ tất cả mọi nhà đóng cửa tắt đèn. Bây giờ, 21 giờ, nhạc vẫn xập xình từ những quán cà phê, những cửa hàng bán điện thoại di động ở trung tâm huyện. Đời sống nhân dân ở nhiều huyện như Phouvông, Saysetha, Sanamsai và các tỉnh lân cận như Champasak, Sekong đang có nhiều thay đổi khi những căn nhà của các công nhân có xe máy, có truyền hình. Khi chúng tôi đang mua ít quà của Lào về nhà, hai chiếc xe tải, bảng số 81B chở đầy quần áo, mì gói, bột nêm, tân dược và đồ gia dụng bằng nhựa bắt đầu xuống hàng. Hàng Việt Nam đang ngày càng chiếm thế “thượng phong” ở các gian hàng, nơi mà trước đây là của hàng Trung Quốc. Quên đường về lại khách sạn, tôi nhớ một đồng nghiệp dặn “Nếu hỏi đường người Lào không biết tiếng Việt, chỉ cần nói HAGL là người ta sẽ chỉ”. Và quả là như vậy.
Có lẽ, không cần nói gì hơn, với những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi này đã khẳng định tình cảm giữa nhân dân hai nước Việt - Lào mãi mãi khắng khít và tốt đẹp, không chỉ là khẩu hiệu.
| |
PHẠM THỤC