Họa sĩ chốn đọa đày

Hôm chủ nhật 9-6, hàng chục ngàn người dân Phnom Penh và nhiều tỉnh thành khác ở Campuchia đã xuống đường biểu tình phản đối việc ông Kem Sokha, quyền Chủ tịch một đảng đối lập, phát biểu rằng nhà tù S21 (tức Tuol Sleng) là tác phẩm dàn dựng của Việt Nam sau khi đã đánh đổ Khmer đỏ. Rõ ràng phát biểu đi ngược lại với sự thật, như chuyện ông Bou Meng dưới đây.
Họa sĩ chốn đọa đày

Hôm chủ nhật 9-6, hàng chục ngàn người dân Phnom Penh và nhiều tỉnh thành khác ở Campuchia đã xuống đường biểu tình phản đối việc ông Kem Sokha, quyền Chủ tịch một đảng đối lập, phát biểu rằng nhà tù S21 (tức Tuol Sleng) là tác phẩm dàn dựng của Việt Nam sau khi đã đánh đổ Khmer đỏ. Rõ ràng phát biểu đi ngược lại với sự thật, như chuyện ông Bou Meng dưới đây.

Đến thăm nhà tù Tuol Sleng, du khách thường thấy một ông lão đã hơn 70 tuổi, ngồi đấy hàng ngày kể cho du khách nghe về tội ác của Khmer đỏ và vẫn cố gắng đòi công lý cho những người dân vô tội đã chết trong nhà tù này. Đó là ông Bou Meng. Ông là một trong số bảy nạn nhân từng bị nhốt ở nhà tù Toul Sleng may mắn sống sót sau ngày Phnom Penh được giải phóng. Ông thoát chết nhờ vẽ chân dung Pol Pot và cai ngục.

        Vô cớ bị bắt giam

Bất cứ ai cũng phải chú ý tới khuôn mặt của ông vì nó hằn lên những nét khắc khổ của một người phải chịu quá nhiều đau thương. Ông thường đội nón trắng, ngồi dưới gốc cây sứ bên cạnh những ngôi mộ người chết được chôn trong khuôn viên nhà tù cũ, kể lại tội ác của Khmer đỏ lẫn nỗi đau dai dẳng của người dân Campuchia. Ông Huy Vannak (cũng là cựu tù còn sống sót) đã viết sách về ông: Bou Meng: A Survivor from Khmer Rouge Prison S – 21. Khách nước ngoài đến đây thường mua cuốn sách, để có thể hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra ở chốn ngục tù này.

Ông Bou Meng kể lại, năm 1977, vợ ông và ông đã vô cớ bị bắt giam và cai ngục nói với ông: “Mi là kẻ đáng khinh bỉ, không được quyền hỏi. Mi phải biết rằng Ăng Ca có nhiều mắt như mắt trái thơm vậy. Nếu mi không phạm sai lầm, Ăng Ca không bao giờ bắt mi cả”.

Họ hỏi có phải ông làm việc cho CIA hay KGB hay không. Ông trả lời: “Không biết”. Thế là họ đánh ông bằng gậy tre, tra điện cho ông bị giật và rút móng tay, móng chân của ông. Và họ cứ tra hỏi và đánh đập. Cuối cùng, chịu không nổi, ông đành phải nhận mình có làm việc cho CIA và KGB.

        May mắn sống sót

Vợ của ông bị họ giết chết tại nơi này. Tù nhân ở đây bị đối xử như súc vật: mỗi bữa chỉ được một phần ăn nhỏ nhoi tương đương ba thìa cháo; tất cả đều tắm truồng và bị hỏi cung, tra tấn hầu như hàng ngày. Ông nói rằng, ông không biết khi nào mình sẽ chết. Những đôi mắt trũng sâu, những tiếng kêu khóc, những vũng máu luôn ám ảnh ông. Nhiều khi ông phải ăn, ngủ bên cạnh một cái xác.

Có một ngày, một người lính gác 16 tuổi đem ảnh Pol Pot tới và hỏi: “Ai có thể vẽ được ảnh này?”, ông nhớ lại và kể tiếp: “Tôi đã nhận mình vẽ được”. Ông sống sót nhờ bức hình đó: cổ Pol Pot có ngấn nhưng ông vẽ thấp xuống một chút và không có ngấn. Và cũng nhờ những bức hình lính gác tù - vẽ thêm, theo yêu cầu…

Tháng 1-1979, Phnom Penh được giải phóng, Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Ông Bou Meng và 7 người khác ở Tuol Sleng được cứu sống. Từ đó, cùng một họa sĩ khác (cùng ở tù), ông đã vẽ lại những cảnh tra tấn ghê rợn trong nhà tù.

Hàng ngày, ông Bou Meng cần mẫn đến Bảo tàng Tuol Sleng kể cho du khách nước ngoài nghe chuyện ngục tù thời Khmer đỏ. Ảnh: THẢO LƯ

Hàng ngày, ông Bou Meng cần mẫn đến Bảo tàng Tuol Sleng kể cho du khách nước ngoài nghe chuyện ngục tù thời Khmer đỏ. Ảnh: THẢO LƯ

        Đòi công lý

Ông Bou Meng và nhiều người khác đã kêu gọi xét xử Khmer đỏ, đòi lại công lý cho gần 2 triệu dân Campuchia bị Khmer đỏ giết hại. Tuổi già, bệnh tật, nghèo đói đều không làm ông nản lòng. Nhưng ông không hiểu vì sao sau nhiều năm như vậy, phiên tòa xét xử các lãnh đạo Khmer đỏ cứ kéo dài mãi, thậm chí họ còn được các luật sư nổi tiếng quốc tế bào chữa miễn phí.

Pol Pot chết năm 1998 vì già yếu. Mãi đến năm 2010, đao phủ Duch - một trong 5 thủ lĩnh Khmer đỏ còn sống mới ra tòa án đặc biệt do LHQ bảo trợ. Ba cựu tù Tuol Sleng còn sống gồm có ông và ông Van Nath, Chum Mey ra tòa làm chứng.

Thế nhưng tòa chỉ tuyên án Duch 35 năm tù. Sau khi trừ đi thời gian bị giam giữ, ông ta chỉ còn ngồi tù có 19 năm. Nhiều người cho rằng mức án đó quá nhẹ. Sang năm 2011 có thêm cựu cai ngục Kaing Guek Eav bị kết án nặng hơn - chung thân. Nhưng đến năm 2013 thì phiên tòa xử Khmer đỏ bị hoãn vô thời hạn.

Hàng ngày, ông Bou Meng vẫn kể cho du khách nước ngoài nghe về chuyện ngục tù thời Khmer đỏ. Nhiều lúc không kiềm được nỗi uất ức, ông khóc và câu chuyện bị đứt quãng. Khi vắng người, ông ngồi dưới hàng cây sứ, cạnh các ngôi mộ, lắng nghe tiếng rì rào của lá cây, tiếng cười đùa trong trẻo của vài trẻ em sống cạnh nhà tù cũ nay là một bảo tàng.

Thỉnh thoảng, ông lại đi lang thang trong nhà tù cũ nhìn những bức tường vôi cũ kỹ, bị bong tróc từng mảng lớn còn trơ lại lớp xi măng; những dãy hành lang dài hun hút ốp gạch ô vuông trắng xám, nhiều chỗ bị thâm đen do vết máu đọng lại. Ông nhìn những hộp sọ không nguyên vẹn đặt trong tủ kính; những cây cuốc, xẻng, búa, kìm dùng để tra tấn. Một quá khứ bi thương và hãi hùng của người dân Campuchia. Đó là sự thật, không ai có thể chối bỏ.

NGỌC TRUNG

Tin cùng chuyên mục