Hoài nghi giá trị của sách?

Từ xưa có câu “kỹ như làm sách” cho thấy làm sách là một công việc vô cùng nghiêm cẩn, bởi sách là kho tri thức để lưu lại cho muôn đời, một chút sai sót, dù nhỏ đến đâu cũng là một sự xấu hổ cho ê-kíp thực hiện. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta có thể nói “ẩu như làm sách” mà chẳng sợ làm mất lòng ai, bởi những sai phạm mà các nhà xuất bản (NXB) trên toàn quốc gây ra qua các xuất bản phẩm của mình nhiều đến nỗi ngồi thống kê không biết bao giờ mới xuể. Có thể nói chưa bao giờ xuất bản rơi vào tình trạng thê thảm đến như vậy.

Không giống như nhiều ngành nghề khác, hoạt động xuất bản được coi là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến một mà nhiều người đọc, thậm chí nhiều thế hệ, và nền văn hóa của một quốc gia. Một cuốn sách nhiều lỗi, nội dung lệch lạc, không được kiểm soát về mặt nội dung, hình thức khi đưa ra thị trường với hàng ngàn, thậm chí hàng vạn bản sẽ có tác động không nhỏ tới cả một cộng đồng người đọc.

Vì thế nhà văn Nguyễn Quang Thân rất có lý khi cho rằng: Sai lầm của một cuốn sách được thể hiện nhiều mặt. Nội dung sai là cái sai lớn nhất. Chính tả sai cũng thuộc về nội dung, có thể làm thay đổi tiếng nước nhà theo chiều hướng xấu. Và cuối cùng là hình thức trình bày (ảnh minh họa, họa tiết trang trí...). Sai mặt nào cũng là cái sai chết người!

Như cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của Vũ Chất. Cuốn sách “có nhiều chỗ giải thích sai nghĩa, sai bản chất từ ngữ”. Vậy mà cũng bán ra, cũng dám cho trẻ con dùng, tức là chẳng khác nào bôi mực bẩn lên tờ giấy trắng suốt đời khó gột rửa. Cuốn sách gây chấn động dư luận và bị thu hồi là chính xác. Hay như cuốn “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc”, ngoài nhiều nội dung sai, sót còn đưa cả hình minh họa rẻ tiền của games, của sách kiếm hiệp ra bôi bác nhân vật lịch sử.

Vấn đề những sai sót trong xuất bản hiện nay đã lên tới mức báo động như vậy cho thấy một bộ phận lớn những người làm ở lĩnh vực này vừa thiếu tâm và thiếu tài. Bởi những sai sót mà bị phát hiện đều không có gì là cao siêu, khó hiểu cả, một người có trình độ nhận thức bình thường cũng thấy, vậy mà một cuốn sách qua hàng bao nhiêu khâu biên tập, sửa lỗi bản in, duyệt, hậu kiểm nhưng lỗi sai to đùng vẫn vượt thoát để ung dung tiến ra thị trường, cho thấy những người ở vị trí “gác cửa” đã quá yếu chuyên môn và thiếu trách nhiệm. Hậu quả có từ việc để lọt lưới ấn phẩm kém chất lượng không hề nhỏ, vấn đề là công tác quản lý chưa cho thấy giải pháp khả thi, phù hợp với diễn biến thực tế.

Liên kết xuất bản là một chủ trương lớn nhằm tăng cường nguồn lực cho hoạt động xuất bản, làm tăng lượng xuất bản phẩm chất lượng, nhưng chủ trương đúng đó chưa đem lại hiệu quả cần thiết, chủ yếu do sự hạn chế về năng lực của nhiều NXB và giải pháp quản lý kém. Một số đơn vị xuất bản coi việc “bán” giấy phép xuất bản như “nguồn sống”, “bán” rồi thả cho phía tư nhân muốn làm gì thì làm mà không hề thực hiện một cách có trách nhiệm vai trò kiểm soát nội dung. Sự thiếu trách nhiệm từ phía NXB tất yếu dẫn đến hệ quả xấu khi có quá nhiều xuất bản phẩm chất lượng kém, nhiều “sạn” được đưa ra thị trường.

Ấy nhưng cứ mỗi khi có sai phạm xảy ra, ngay lập tức các NXB đổ ngay cho đơn vị liên kết, cứ như thể mình hoàn toàn đứng ngoài cuộc, không có trách nhiệm gì với ấn phẩm, còn các đơn vị liên kết thì trình độ của các biên tập viên đạt đến chuẩn nào đến nay vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

Trong điều 20 của Luật Xuất bản mới 2012 cũng quy định rất cụ thể về việc “Cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập”, với hình thức xử phạt bị thu hồi lại thẻ biên tập viên có các trường hợp sau: “Biên tập viên có xuất bản phẩm do mình biên tập bị cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy”; “Biên tập viên trong 1 năm có hai xuất bản phẩm hoặc trong 2 năm liên tục có xuất bản phẩm do mình biên tập sai phạm về nội dung mà bị buộc phải sửa chữa mới được phát hành”. Điều đó cho thấy luật đã quy định rất chặt chẽ quyền hạn và trách nhiệm của biên tập viên các nhà xuất bản, tuy nhiên, những quy định này mới chỉ nằm trên giấy, hiện nay việc cấp thẻ cho biên tập viên vẫn chưa được tiến hành.

Hàng loạt cuốn sách bị ngưng phát hành hoặc thu hồi nhưng không vì thế mà biến mất trên thị trường, cũng giống như một bát nước đã hắt đi có ai hứng lại được đâu và cứ mỗi cuốn sách ẩu được đưa ra thị trường lại giống như một vết loang về văn hóa, nhận thức. Đã đến lúc ngành xuất bản cần phải xốc lại hoạt động của chính mình bởi cách làm ẩu tả này là việc tự triệt đi con đường sống của chính họ. Giới xuất bản sẽ làm gì để tồn tại khi họ bắt đầu khiến cho người đọc hoài nghi giá trị của sách?

MAI AN

Tin cùng chuyên mục