Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Trà Vinh do xe khách chạy quá tốc độ, lên tới 121km/giờ đã gây chấn động dư luận trong những ngày vừa qua. Mặc dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết hệ thống thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đã phát huy tác dụng trong việc kiểm soát tốc độ trên đường, thế nhưng đến thời điểm này, vấn đề chạy quá tốc độ gây tai nạn vẫn đang hết sức nhức nhối, tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã chia sẻ nhiều thông tin và tâm tư xung quanh vấn đề này với phóng viên Báo SGGP.
Ông Khuất Việt Hùng
- Phóng viên: Những con số trích xuất từ thiết bị GSHT trong vụ tai nạn ở Trà Vinh đã cho thấy một sự thật rất đáng lo ngại, cả 2 xe khách liên quan đến vụ việc đều chạy quá tốc độ hơn 50% so với quy định ở thời điểm trước khi xảy ra tai nạn. Theo ông, trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ tai nạn này ra sao?
>> Ông KHUẤT VIỆT HÙNG: Cơ quan công an sẽ điều tra và xử lý vi phạm của các cá nhân, tổ chức theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nói đến trách nhiệm của người điều hành vận tải của doanh nghiệp. Về nguyên tắc, người được phân công trực 24/24 giờ từ thiết bị GSHT của doanh nghiệp phải nắm được tốc độ phương tiện của doanh nghiệp mình nhưng thực tế ở nhiều doanh nghiệp việc theo dõi từ thiết bị GSHT mới chỉ làm chiếu lệ, chưa thật sự phát huy tác dụng ngăn chặn các hành vi vi phạm của tài xế trên đường. Bên cạnh đó, trên xe chạy quá tốc độ chắc chắn là có thông tin, có tín hiệu phát ra từ thiết bị GSHT, tài xế biết nhưng cố tình bỏ qua. Thêm nữa, công tác giám sát của Sở GTVT và Tổng cục ĐBVN còn hạn chế, mới chỉ thống kê vi phạm mà chưa có sự tác động trở lại một cách kịp thời để ngăn chặn, hạn chế vi phạm.
- Sau vụ tai nạn tại Trà Vinh, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ làm gì để ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra?
Ủy ban ATGT Quốc gia đã chỉ đạo Tổng cục ĐBVN phối hợp với Sở GTVT tỉnh Trà Vinh rà soát, kiểm tra dữ liệu từ thiết bị GSHT của tất cả các ô tô chở khách của nhà xe Kim Hoàng và nhà xe Thanh Thủy (hai nhà xe có xe gây tai nạn nghiêm trọng ở Trà Vinh-PV), phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố tăng cường sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu thiết bị GSHT để kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô…
- Nhưng rõ ràng những tính năng hiện có của hệ thống thiết bị GSHT hoặc chưa được khai thác hết, hoặc cần bổ sung để nâng cao hiệu quả, hiệu lực?
Chúng ta đã có các giải pháp nhằm khai thác triệt để những tính năng của thiết bị GSHT trong việc giám sát vi phạm của phương tiện. Những nhà xe, phương tiện vi phạm nhiều lần được phát hiện qua dữ liệu truyền về Trung tâm Quản lý dữ liệu thiết bị GSHT sẽ bị xử lý nghiêm, thu hồi phù hiệu, thậm chí tước giấy phép kinh doanh. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2015 đã có trên 700 xe bị thu hồi phù hiệu. Tuy nhiên, để ngăn chặn được tai nạn giao thông nghiêm trọng thì cần phải hoàn thiện hơn nữa cơ chế cảnh báo từ thiết bị GSHT.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết tại Trà Vinh ngày 7-5.
Theo đó, khi xe chạy quá tốc độ, tín hiệu phải gửi trực tiếp đến người điều khiển phương tiện, đồng thời gửi đến lực lượng tuần tra kiểm soát đang làm nhiệm vụ trên đường để ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, sắp tới các cơ quan chức năng sẽ tiến hành những biện pháp nhằm đảm bảo thiết bị GSHT hoạt động ổn định, chính xác, sau đó sẽ tính tới phạt nguội các trường hợp vi phạm. Để xử phạt nguội được cần có cơ sở pháp lý chặt chẽ, cần có thông tư hướng dẫn cụ thể, từ đó nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ tài xế các đơn vị kinh doanh vận tải.
- Ông đã nhiều lần bày tỏ quan điểm sử dụng rượu bia là nguyên nhân gốc của nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chạy quá tốc độ, lấn làn. Vậy Ủy ban ATGT quốc gia có kiên trì tiếp tục quan điểm đề nghị tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông hay không?
Con số thống kê từ các bệnh viện khá tin cậy đã cho thấy số vi phạm có liên quan đến rượu bia là khá lớn. Tuy nhiên, việc xử phạt những vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông hiện nay chưa tạo thông điệp đủ mạnh có tính răn đe đối với hành vi này. Chính phủ đã giao Bộ GTVT xây dựng nghị định thay thế Nghị định 171 theo hướng tăng nặng chế tài đối với một số hành vi uy hiếp trực tiếp đến ATGT, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn. Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải cố gắng sử dụng hiệu quả cao nhất về xử phạt vi phạm hành chính để tránh hình sự hóa nhưng cũng không loại trừ một số hành vi uy hiếp nghiêm trọng tới ATGT. Rất nhiều nước đã quy định hành vi này phải xử lý hình sự. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang xem xét, cân nhắc các nội dung, phải có sự đồng thuận trong xã hội, chúng ta mới đạt được mục đích cuối cùng là giảm thiểu tai nạn giao thông.
- Xin cảm ơn ông!
BÍCH QUYÊN (thực hiện)