Hoạt động khai khoáng tồn tại nhiều bất cập

Hội nghị về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức trong ngày hôm nay, 2-3.

(SGGPO).- Hội nghị về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức trong ngày hôm nay, 2-3.

Phát biểu tại Hội nghị trong phiên họp sáng 2-3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu tập trung vào một số vấn đề bức xúc hiện nay trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó có trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương về quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản, hiệu quả kinh tế, việc sử dụng công nghệ và tiến hành khai thác, chế biến khoáng sản để đảm bảo phát triển bền vững…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khai thác khoáng sản luôn là vấn đề nóng tại các kỳ họp Quốc hội. Hiện nay, với việc Chính phủ đã chỉ thị tạm ngừng mọi hoạt động cấp phép khai thác mới, vấn đề càng chứng tỏ tính bức xúc của nó. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Các đại biểu tham dự Hội nghị có chung nhận định: trong những năm vừa qua, ngành khai khoáng có mức tăng trưởng cao (trung bình trên 15%/năm), tuy đã đem lại những hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể, nhưng cũng đã đặt ra nhiều vấn đề đáng quan ngại như phá vỡ sự cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. 

Đơn cử, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, sản lượng khai thác than không ngừng gia tăng, trong khi đó để sản xuất được 1 tấn than phải bóc 8 – 10m³ đất phủ và thải ra từ 1-3m³ nước thải mỏ. Xử lý lượng đất đá và nước thải khổng lồ từ hoạt động này là thách thức không nhỏ. Hay như việc khai thác cát, đặc biệt trên hệ thống sông Đồng Nai và Sài Gòn đã gây ra hiện tượng sạt lở nặng nề, làm đục nước sông, gây tiếng ồn, cản trở và làm gia tăng tai nạn giao thông thủy…

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh: “Tính tổng thể, đồng bộ và triệt để của các giải pháp bảo vệ môi trường không được coi trọng nên giám sát ở một số địa điểm nhất định thì đạt tiêu chuẩn, nhưng tổng thể lại không đảm bảo”.

Trong khi đó, PGS TS Nguyễn Cảnh Nam (Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam – Vinacomin) phản ánh, Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tháng 11-2012, có hiệu lực từ 01-7-2011, nhưng đến nay nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được ban hành.

“Những quy định về chiến lược, quy hoạch khoáng sản như trong Luật dễ dẫn đến tâm lý “tham bát bỏ mâm” trong khai thác khoáng sản. Một số văn bản dưới Luật quy định không hợp lý. Ví dụ thuế tài nguyên mà tính theo sản lượng khoáng sản khai thác được thì các doanh nghiệp sẽ dễ làm khó bỏ, dẫn đến lãng phí tài nguyên. Đặc biệt, dù Luật đã quy định phải áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô để thu hồi tối đa khoáng sản, nhưng lại không có một quy định nào đưa ra tỷ lệ tổn thất tài nguyên tối thiểu phải đạt để theo dõi, giám sát”, ông Nguyễn Cảnh Nam bình luận.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, hiện còn “cấn cá” một số điểm nên còn nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể chưa ra được. Chẳng hạn về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá khai thác khoáng sản cũng như chế tài xử phạt các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về khoáng sản…

ANH PHƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục