Học Bác về tinh thần phục vụ nhân dân

“Nhìn thẳng vào sự thật” việc học Bác

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trong giai đoạn hiện nay, việc học tập tinh thần phục vụ nhân dân theo tấm gương đạo đức, phong cách Bác Hồ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp đóng vai trò quyết định trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

“Nhìn thẳng vào sự thật” việc học Bác

Tháng 7-2005, Hội nghị Trung ương 12 khóa IX đã thảo luận và quyết định triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và toàn xã hội. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã tiến hành tổ chức học tập thí điểm ở một số ban ngành, địa phương và nhận định là: “đã thu được kết quả tốt, mang lại hiệu quả thiết thực”. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7-11-2006 về “tổ chức cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuộc vận động bắt đầu được tiến hành từ ngày 3-2-2007.

Triển lãm hình ảnh và phát động Tháng đọc sách về Bác Hồ tại quận 8 (TPHCM)

Để chuẩn bị triển khai cuộc vận động, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã ban hành hướng dẫn thực hiện cho các địa phương, ban ngành và soạn thảo tài liệu lý luận. Việc chuẩn bị triển khai cuộc vận động đã được tiến hành rất bài bản, chặt chẽ ở Trung ương, nhưng thực tế việc tổ chức học tập và thực hiện lời dạy trên diện rộng lại là câu chuyện khác.

Về tổ chức học tập, hầu hết cán bộ, công nhân viên thuộc các đơn vị nhà nước đều được học tập trung - thường là do báo cáo viên của cấp trên giới thiệu nội dung theo tài liệu hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Người đứng đầu các đơn vị thường không học cùng lớp với cán bộ công nhân viên, với nhiều lý do như đã học ở lớp trước, đã có chứng chỉ trung cấp hay cao cấp chính trị, hoặc do bận công việc. Họ thường chỉ đến lớp để khai mạc và khi kết thúc lớp học mới trở lại để tổng kết và động viên. Thực tế khá phổ biến ấy cho thấy, dường như cuộc vận động chỉ chú trọng đối tượng là công chức bên dưới, còn cán bộ có chức quyền cao hơn chỉ có trách nhiệm “tổ chức và lãnh đạo học tập”. Có lẽ người ta coi việc học tập làm theo gương Bác Hồ như những “chỉ tiêu” công tác nên ai đã học rồi thì được miễn... Ngoài việc tổ chức các lớp học theo tài liệu hướng dẫn, nhiều nơi còn tổ chức các cuộc thi kể chuyện về những tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Tuy nhiên, có những cuộc thi lại quá chú trọng về hình thức nên phần “biểu diễn” kỹ năng diễn thuyết nặng hơn phần tìm hiểu ý nghĩa của câu chuyện. Ở nhiều nơi còn có quy định, trong mỗi cuộc họp chi bộ khu phố - mà thành phần hầu hết là cán bộ về hưu - phải đọc một mẩu chuyện về Bác Hồ trước khi phổ biến công việc khác.

Vậy kết quả ra sao? Đối với nông dân, Bác đã nói đó là lực lượng đông dân nhất, đã đóng góp nhiều công sức nhất cho công cuộc đấu tranh giành độc lập và là lực lượng cần được chăm lo. Nhưng trên thực tế, nông dân vẫn là “nhóm yếu thế và thiệt thòi”... Còn đội ngũ công nhân - lực lượng lao động chủ yếu đang thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, song đời sống của phần lớn đội ngũ này còn khá khó khăn, như thu nhập thấp, nhà cửa chật hẹp,...

Tuy lời dạy của bác là làm gì cũng học ở dân, hỏi dân, nhưng trên thực tế vẫn có không ít những quy định, chủ trương, chính sách không bám sát thực tế do không điều tra dư luận nên không nắm được ý nguyện và lợi ích thiết thực của nhân dân. Bác Hồ đã dạy: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” mà để phục vụ nhân dân. Còn ngoài xã hội, hiện tượng chạy chức chạy quyền đã tích tụ lại thành “một bộ phận không nhỏ” có thể “thách thức với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”...

Để lời dạy của Bác trở thành hiện thực

Những lời dạy của Bác về tinh thần phục vụ nhân dân chủ yếu phải dành cho những người có chức quyền, có trách nhiệm quản lý và điều hành những công việc liên quan gián tiếp và trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Như vậy, tất cả những giải pháp đều phải nhằm vào đối tượng là cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền, mà trong đó cần xác định trước những việc cấp bách, thiết thực, cụ thể cần làm ngay. Chẳng hạn, hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ về chăm lo cho nông dân, trước hết phải có chính sách ruộng đất công bằng. Có giải pháp mạnh và căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực thu hồi, đền bù, giải tỏa; ngăn chặn được tình trạng nông dân bị lừa khi mua phân bón, thuốc trừ sâu giả; phải lo được thị trường xuất khẩu nông sản để nông dân thoát khỏi tình trạng được mùa mất giá, thoát khỏi tình trạng vay vụ này để làm vụ sau...

Đối với những lời dạy của Bác về chăm lo đời sống cho công nhân, thiết thực nhất là tạo điều kiện nâng cao tay nghề để nâng cao thu nhập và thích ứng hội nhập, phải có quy định để giảm tăng ca, cải thiện điều kiện nhà ở, điều kiện học hành cho con cái công nhân...

Cần thay đổi bằng được cơ chế làm việc của bộ máy chính quyền các cấp. Bộ máy công quyền phải được thiết kế lại tinh gọn, chuyên nghiệp để có cơ chế giám sát tự động, hiệu quả bên cạnh xây dựng cơ chế giám sát của dân. Củng cố niềm tin trong dân bằng chính tác phong và trách nhiệm trong công việc của người cán bộ, đảng viên, của từng công chức nhà nước. Nhưng trên hết và quan trọng nhất là, để phục vụ nhân dân, cần kiên quyết chống tham nhũng. Chống tham nhũng là hành động thiết thực làm theo lời Bác Hồ về tinh thần phục vụ nhân dân.


Mời bạn đọc viết bài tham gia chuyên mục và gửi về địa chỉ: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc các email: toasoan@sggp.org.vnhhiepsggp@gmail.com. Xin trân trọng cảm ơn!


TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN
(Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM)

Tin cùng chuyên mục