Học viết theo phong cách Bác Hồ

Cứ mỗi lần kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), tất cả những người làm báo, những người đọc báo quan tâm đến báo chí Việt Nam đều nhớ đến một con người, một cái tên - vĩ đại mà thân quen - Hồ Chí Minh - người đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn có thể học tập nhiều điều từ sự nghiệp làm báo - làm cách mạng của Bác; vẫn còn cảm nhận hơi ấm của tình người và ánh sáng của những tinh hoa văn hóa tỏa ra từ khối lượng đồ sộ những tác phẩm, bài nói, bài viết của Người...

Trong rất nhiều điều Bác Hồ mong muốn các cán bộ cách mạng phải rèn luyện, có điều Bác mong muốn mỗi người phải học viết, học nói. Đối với Bác, tiếng Việt là của cải lâu dài và vô cùng quý báu của dân tộc. “Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm nó phát triển ngày càng rộng khắp”. Học viết, không chỉ giới hạn trong đội ngũ cán bộ tuyên truyền, trong đội ngũ những người cầm bút mà cũng là điều cần thiết đối với mọi người, từ các em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường...

Trong sự đa dạng và phong phú của những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh, có thể rút ra những nét chung nổi bật nhất của phong cách diễn đạt mà Người đã thể hiện một phong cách mẫu mực cho cả hiện tại và tương lai.

Đối với nhà báo Hồ Chí Minh, trước hết cần xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết, từ đó mới có thể tìm cách nói, cách viết cho phù hợp nhất mỗi chủ đề với đối tượng để đạt được mục đích đề ra. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, trong bài Cách viết, trong bài nói tại Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ hai, bài nói tại Hội nghị tuyên truyền miền núi, cũng như trong toàn bộ các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta đều thấy rất rõ điều đó. Người nhấn mạnh 4 vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau: Nói, viết cái gì? Nói, viết như thế nào? Chủ đề, đối tượng, mục đích quyết định cách thể hiện. Cách thể hiện tốt làm cho nội dung nói, viết đúng với chủ đề, đúng đối tượng và đạt được mục đích của việc nói và viết.

Bác Hồ đã nói và viết rất nhiều chủ đề khác nhau của cách mạng Việt Nam, của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế... trong chủ đề bao trùm là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người nói và viết cho rất nhiều đối tượng khác nhau, từ những tên thực dân đế quốc đến nhân dân các nước thuộc địa; nhân dân và Đảng Cộng sản các nước anh em; những người có lương tri tiến bộ trên khắp thế giới... và nhiều nhất là cho đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam với dân tộc, tôn giáo, trình độ khác nhau. Với mỗi đối tượng cụ thể, trong những văn cảnh cụ thể, Bác Hồ đều tìm ra những cách nói, cách viết phù hợp nhất. Nếu đối tượng là người phương Tây, Bác có cách viết rất “Tây”, sâu xa châm biếm, hài hước, ý nhị... Với nhân dân Việt Nam, Bác lại nói và viết rất giản dị, mộc mạc nhiều khi có vần, có đối như ca dao tục ngữ nên người đọc rất dễ hiểu, dễ thuộc.

Học viết theo phong cách Bác Hồ, những người làm báo cách mạng Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để phục vụ tốt hơn cho bạn đọc và đất nước.

HOÀNG VIỆT 

Tin cùng chuyên mục