Hỏi - Đáp

* Con tôi bị ong chích ở má. Tôi bôi vôi và đắp muối cho cháu vẫn không đỡ. Bác sĩ cho biết xử trí thế nào khi bị ong chích? TRẦN NAM TRUNG (Tân Chánh – TPHCM)

- BS LÊ THIỆN ANH TUẤN: Nọc của nhiều loại ong rất độc, khi xâm nhập vào cơ thể người gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng (y học gọi là phản ứng mẫn cảm), có thể gây sốc (choáng), làm phù nề thanh khí quản, gây co thắt phế quản phổi, khó thở, nhiều trường hợp nặng có thể chết do ngạt thở nếu không được sơ cấp cứu kịp thời. Có nhiều loại ong khác nhau. Ong mật chích thường ít nguy hiểm nhưng bị chích nhiều cũng trở lên nặng. Một số loại ong nguy hiểm thường gặp là ong vàng, ong bò vẽ, ong bắp cày…

Sau khi bi ong chích: Lấy ngòi và túi độc bằng cách bình tĩnh và thận trọng dùng một vật nhọn như mũi dao, đầu kim… để khều ngòi chích ra. Tuyệt đối không được nặn bằng tay để lấy ngòi, túi độc - làm như vậy sẽ tạo điều kiện cho nọc độc lan tỏa và thấm sâu hơn vào cơ thể. Khi lấy được túi độc ra, nếu nghi ngờ nạn nhân có khả năng dị ứng nặng, nên gọi xe cấp cứu đến hỗ trợ, sau đó mới thực hiện những bước sơ cứu tiếp theo. Rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà bông hoặc dung dịch sát trùng, sau đó đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15 – 20 phút để làm giảm đau (không nên đắp nước đá trực tiếp).

Dùng dung dịch calamin (thường bôi lên vết bỏng làm dịu đau) hoặc bôi hồ bột Natri lên vết thương, có tác dụng trung hòa và thấm hút nọc độc. Đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều làm tăng di chuyển nọc độc. Phần bị chích nên để ở vị trí thấp hơn tim nạn nhân. - Băng phủ che kín phần vết thương. Nếu bị chích ở tay hoặc chân thì bó nẹp tay hoặc chân để tránh sự lay động rồi chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

* Tôi 53 tuổi, trước đây hút thuốc khá nhiều. Vừa rồi đi khám, bác sĩ khuyên tôi cai thuốc lá vì tôi bị thiếu máu cơ tim. Sau khi cai thuốc được một tháng, tôi ăn uống rất ngon miệng và tăng 8 kg. Bác sĩ cho biết có cách nào để hạn chế sự tăng cân sau cai thuốc? NGUYỄN HOÀNG TUẤN (Trảng Bom – Đồng Nai)

- BS THÁI HIỆP:
Cơ thể giữ được cân nặng ổn định là nhờ trạng thái cân bằng giữa năng lượng do thức ăn cung cấp và năng lượng tiêu hao cho lao động và các hoạt động khác của cơ thể. Cân nặng cơ thể tăng lên có thể do chế độ ăn dư thừa vượt quá nhu cầu, hoặc do nếp sống và cách làm việc ít tiêu hao năng lượng.

Để hạn chế việc tăng cân, cần thực hiện: Kiểm soát trong ăn uống. Tạo thói quen ăn uống theo đúng chế độ. Liên tục giám sát tập quán ăn uống tích cực, sau khi cai hay đang cai thuốc lá người ta cảm thấy buồn rồi muốn ăn thứ gì đó để “lấp chỗ trống”, điều này dễ dẫn đến tình trạng hay ăn vặt, đây là điều cần tránh... Hạn chế ăn các chất béo. Lưu ý, không chỉ ăn nhiều mỡ, thịt mà ăn nhiều chất bột, đư­ờng, đồ ngọt đều có thể gây béo. Phải xây dựng nếp sống năng động, tăng cường hoạt động thể lực. Sau khi cai thuốc lá, việc tăng cân và thừa cân có thể xảy ra với một số trường hợp, nhưng việc phòng tránh thừa cân không phải là vấn đề lo ngại hoặc khó thực hiện. Cần có chế độ kiểm soát trong ăn uống hợp lý, kết hợp vận động thể lực thường xuyên, bên cạnh sự theo dõi chỉ số BMI để có cách điều chỉnh thể trọng.

Tin cùng chuyên mục