Ngày 12-11, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 25 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar ở thủ đô Nay Pyi Taw, mở đầu cho loạt các Hội nghị Cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác diễn ra trong ngày 12 và 13-11. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 25.
Nhất trí thời điểm thành lập Cộng đồng ASEAN
Lãnh đạo các nước ASEAN đã tham dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 25, tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và định hướng ASEAN sau 2015, thúc đẩy quan hệ với các đối tác cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Các nhà lãnh đạo nhất trí vào thời điểm quan trọng chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và giai đoạn phát triển tiếp theo, hơn lúc nào hết, ASEAN cần duy trì đoàn kết, thống nhất, chủ động và tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm và tiếng nói chung trong những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực. Về Lộ trình xây dựng Cộng đồng, các nhà lãnh đạo đánh giá cao kết quả đạt được với tỷ lệ triển khai trên 80% và nhất trí sẽ tiếp tục quyết tâm và nỗ lực thực hiện đúng hạn và hiệu quả các biện pháp còn lại trong lộ trình.
Các nhà lãnh đạo đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như tình hình bán đảo Triều Tiên, gia tăng bạo lực và khủng bố tàn ác tại Iraq và Syria, dịch bệnh Ebola... Trước tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, lãnh đạo các nước tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông; nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982, đẩy mạnh thương lượng thực chất ASEAN - Trung Quốc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ, ASEAN cần chủ động và có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của DOC, trước hết là Điều 5 của tuyên bố này, thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982. Đồng thời, ASEAN cần triển khai mạnh mẽ những nội dung đã thống nhất, đặc biệt là việc ASEAN - Trung Quốc cần sớm cụ thể hóa các biện pháp và xây dựng cơ chế nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ DOC, nhất là Điều 5 của tuyên bố; đi vào đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được COC có tính ràng buộc, cũng như sớm triển khai các biện pháp “thu hoạch sớm” song song với tiến trình đàm phán về COC.
Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 25, cùng với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 với các thành tố chính của tầm nhìn làm cơ sở xây dựng định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn 2016 - 2025; Tuyên bố ASEAN về tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN và nâng cao hiệu quả phối hợp các cơ quan ASEAN và Tuyên bố ASEAN về biến đổi khí hậu.
Lãnh đạo các nước ASEAN dự phiên họp toàn thể.
Tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các đối tác
Chiều 12-11, tiếp tục diễn ra các hội nghị cấp cao ASEAN với từng đối tác gồm Ấn Độ, Nhật Bản, LHQ và Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ đối tác ASEAN - Australia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và có các bài phát biểu quan trọng tại các hội nghị. Các nước đối tác khẳng định ủng hộ ASEAN hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và bước vào giai đoạn phát triển cao hơn sau năm 2015, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm và tăng cường đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Chiều cùng ngày, tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp chính thức với Thủ tướng Liên bang Nga Dmitri Medvedev và Thủ tướng Australia Tony Abbott trao đổi những biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.
Tại cuộc gặp Thủ tướng LB Nga Dmitri Medvedev, hai thủ tướng đã trao đổi sâu rộng về các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, năng lượng, khoa học, công nghệ. Hai thủ tướng nhất trí đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD trong thời gian tới. Thủ tướng Medvedev cho biết Nga sẵn sàng tạo điều kiện thuật lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nga, nhất là hàng nông thủy sản. Thủ tướng Medvedev cũng đánh giá Việt Nam là một điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với du khách Nga, dự kiến trong năm 2014 sẽ có 400.000 lượt khách du lịch Nga đến Việt Nam.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Australia Tony Abbott, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Australia tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Australia; đánh giá cao việc Australia duy trì Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam và mong muốn Australia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Medvedev chia sẻ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và luôn mong muốn tình hình biển Đông ổn định. Trong khi đó, Thủ tướng Tony Abbott khẳng định ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ASEAN và Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại biển Đông.
| |
Việt Anh (tổng hợp)