Hội nghị lãnh đạo cấp cao APEC: Thắt chặt an ninh

Hội nghị lãnh đạo cấp cao APEC: Thắt chặt an ninh

Sáng nay, 5-9, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC đã tề tựu về Sydney (Australia), chuẩn bị tham dự Hội nghị lãnh đạo cấp cao APEC diễn ra từ ngày 8 đến 9-9, bàn thảo các biện pháp tăng cường hợp tác trong khu vực. An ninh cao độ là vấn đề gây nhiều chú ý tại Hội nghị APEC lần này.

Nguy cơ khủng bố rình rập tổng thống Bush

Hội nghị lãnh đạo cấp cao APEC: Thắt chặt an ninh ảnh 1

Lực lượng an ninh Australia bảo vệ khách sạn nơi Tổng thống Bush lưu lại tại Sydney

Trong các nguyên thủ tham dự Hội nghị APEC, nhân vật được báo giới săn đón nhất là “ngôi sao truyền thông” George W. Bush, tổng thống Mỹ. Tối qua, ông Bush đến sân bay Sydney bằng chuyên cơ Boeing 747 trị giá 400 triệu USD. Nối đuôi máy bay khổng lồ của ông là 2 chiếc Boeing chở đoàn tùy tùng và báo chí. Đến Australia, ông Bush phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối của hàng chục ngàn người.

Chuyến công du Australia lần này của ông Bush với đoàn tùy tùng hơn 700 người, gồm 250 nhân viên chính phủ, hơn 450 nhân viên an ninh và đặc vụ. Đây là đoàn tùy tùng khổng lồ nhất trong các đoàn của 21 nhà lãnh đạo tham dự hội nghị. Công tác đảm bảo an toàn cho ông Bush được tăng cường tối đa vì nguy cơ khủng bố luôn rình rập. Theo tiết lộ của Ria Novosti, Tổng thống Bush sẽ nghỉ tại khách sạn hạng sang Intercontinental với giá 3.700 USD/đêm. Trước khi đến Sydney, Tổng thống Bush đã xin lỗi người dân Sydney về những bất tiện do hội nghị gây ra.

Đông thứ hai là đoàn của Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, với hơn 250 người. Thứ ba là đoàn của Tổng thống Nga Putin. Tiếp theo là đoàn của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Nhiều kế hoạch biểu tình

Trong 6 năm qua, Chính phủ Australia đã chi 138 triệu USD để chuẩn bị về mặt an ninh cho Hội nghị APEC. Đây cũng là hội nghị lớn nhất trong năm được tổ chức tại quốc gia này. Công tác an ninh được triển khai kỹ càng với hàng rào dài 5km bằng bê tông, lưới thép đã cản trở việc đi lại của nhiều người dân Sydney. Muốn vượt qua bức tường này, các nhóm biểu tình phải có thời gian và cảnh sát cũng đủ thời gian để khống chế những kẻ “vượt rào”. Các nhà hoạt động xã hội phản đối Hội nghị APEC đã được thông báo về biên giới vùng cấm địa trong thời gian diễn ra hội nghị và được khuyến cáo về các mức phạt nếu vi phạm. Tuy nhiên, họ cũng đã lập nhiều kế hoạch biểu tình từ Tòa thị chính Sydney đến Nhà hát Opera vào thời gian cao điểm của hội nghị.

Việc tăng cường an ninh đã làm nhiều người dân Sydney “phiền lòng” vì tiếng chuyên cơ tuần tiễu liên tục trên trời trong khi bến cảng Sydney đầy quân đội bảo vệ nghiêm ngặt và cảnh sát hải quân đặc biệt đến đóng tại cảng.

Một phần hệ thống đường sắt ở Sydney đã bị đóng cửa cùng nhiều tuyến đường bộ, gây cản trở việc đi lại của người dân. Cả việc đi mua sắm cũng gặp nhiều phiền toái khi các nhân viên an ninh lắp đặt nhiều camera và hệ thống cảnh báo sự cố tại các ngân hàng, siêu thị, nhiều cửa hàng kinh doanh khác....

NGỌC PHƯƠNG
(theo Ria Novosti, The Australian)

Tin cùng chuyên mục