Theo Kyodo, sau 2 ngày nhóm họp tại Yokohama (Nhật Bản), Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 ngày 14-11 đã bế mạc với việc thông qua tuyên bố chung Tầm nhìn Yokohama, trong đó cam kết thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực vì tự do thương mại và tăng trưởng kinh tế cân bằng.
Phát biểu sau khi thông qua Tuyên bố chung, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho biết APEC đã lần đầu tiên “Công thức hóa” một chiến lược phát triển mới vì mục tiêu tăng trưởng ổn định và cân bằng trong khu vực. Nhiều tuyên bố riêng rẽ đã được thông qua liên quan tới chiến lược tăng trưởng này, về một Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương và Các mục tiêu Bogor về tự do và mở rộng thương mại - đầu tư.
Lãnh đạo của 21 thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cam kết bắt đầu tiến trình hình thành khu vực mậu dịch tự do bao gồm 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - và các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. APEC đang đi tiên phong trong chiến lược phát triển tập thể, coi trọng tăng trưởng cân đối và bền vững.
Bùng nổ xu hướng khối tự do mậu dịch quy mô nhỏ
Tuy nhiên, do bất đồng giữa các nền kinh tế phát triển và các nước mới nổi lên nên các nước chưa thống nhất được với nhau về cách tiếp cận nhằm ngăn chặn khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hơn. Hãng Reuters nhận định, tình hình càng phức tạp khi một số quốc gia muốn tiến nhanh hơn, thông qua những khối tự do mậu dịch riêng rẽ. Chẳng hạn Mỹ muốn “chăm sóc” Khối Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một khu vực mậu dịch tự do với quy mô còn tương đối nhỏ, hiện mới chỉ bao gồm Brunei, Chile, New Zealand và Singapore, sắp tới sẽ có thêm Việt Nam.
Không muốn bị gạt ra bên lề, Trung Quốc cũng tỏ ý quan tâm đến TPP, cho dù Bắc Kinh muốn ưu tiên thương lượng với các nước ASEAN (trong đó có 7 quốc gia là thành viên APEC), cũng như với Nhật Bản và Hàn Quốc, để tiếp tục duy trì khuôn khổ thuần túy châu Á.
Cũng giống như G-20, Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm nay cũng không có những thỏa thuận quan trọng nào được thông qua. Các nhà lãnh đạo rời APEC và G-20 trong tâm trạng lo ngại một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ bùng nổ.
Tranh chấp lãnh thổ phủ bóng đen lên hội nghị
Những căng thẳng song phương khác cũng bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh APEC, mà trước hết là giữa nước chủ nhà Nhật Bản với Trung Quốc. Tuy Thủ tướng Naoto Kan và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gặp nhau bên lề Hội nghị Yokohama nhưng cuộc gặp này không giải tỏa được khủng hoảng ngoại giao trầm trọng giữa Tokyo và Bắc Kinh kéo dài suốt hai tháng qua, do bất đồng quanh vấn đề đảo Senkaku (Điếu Ngư) và Biển Hoa Đông. Quan hệ căng thẳng giữa hai nước đe dọa quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này.
Tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản với Nga trên quần đảo Kuril cũng nổi lên sau chuyến thăm quần đảo này của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Tuy Tổng thống Medvedev đã gặp Thủ tướng Naoto Kan bên lề Hội nghị APEC và Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cam kết cải thiện quan hệ song phương nhưng Nga vẫn khuyến cáo Nhật Bản “kiềm chế” trong vấn đề nhạy cảm này.
Việt Anh