Hội nhập kinh tế quốc tế tại TPHCM - Phát triển dưới tiềm năng, tái cấu trúc chậm

Hội nhập kinh tế quốc tế tại TPHCM - Phát triển dưới tiềm năng, tái cấu trúc chậm

Hội nhập kinh tế quốc tế với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. TPHCM với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước đã tích cực trong công tác hội nhập. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TPHCM, kể từ khi Việt Nam là thành viên của WTO, bên cạnh một số kết quả đạt được, kinh tế TP đang phát triển dưới mức tiềm năng, chất lượng tăng trưởng còn thấp, tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế diễn ra tương đối chậm.

Tham gia 16 FTA

Theo số liệu của Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA song phương và đa phương. Trong đó, 10 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi; 2 FTA đã hoàn tất quá trình đàm phán nhưng chưa được thực thi, bao gồm FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA, hoàn tất đàm phán vào ngày 1-12-2015) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, kết thúc đàm phán vào ngày 5-10-2015 và ký kết vào ngày 4-2-2016).

Sản xuất bao bì tại Công ty Liksin. Ảnh: Cao Thăng

Các FTA Việt Nam vẫn đang đàm phán bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP (ASEAN+6) bao gồm ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký FTA là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand; FTA ASEAN - Hồng  Công; FTA Việt Nam - Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA, gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) và FTA giữa Việt Nam với Israel.

Theo nhận định của các chuyên gia, với việc tham gia ngày càng nhiều các FTA, Việt Nam đã trở thành một trong 3 quốc gia trong khu vực có mức độ hội nhập sâu, rộng với tốc độ rất nhanh, thể hiện rõ qua việc thực hiện mạnh mẽ các cam kết về mở cửa thị trường. Đây là điều kiện để Việt Nam phát huy các lợi thế sẵn có, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.

Riêng TPHCM cũng đã xây dựng nhiều giải pháp ứng phó trong tiến trình hội nhập, trong đó giải pháp trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chú trọng cấp cơ sở và đi vào thực chất với đo lường kết quả từ các doanh nghiệp (DN)... TPHCM cũng đánh giá lại ngành nông nghiệp và chăn nuôi trong mối tương quan với các địa phương; thoái vốn dần trong các DN nhà nước, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển. Đối với từng sở, ngành, UBND TPHCM yêu cầu xây dựng các chiến lược ứng phó thật cụ thể, chi tiết. Hiện Sở Công thương đang phối hợp Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM làm việc với các hội, hiệp hội DN, các DN để xác định nhu cầu thông tin về các FTA đã ký kết hoặc đang đàm phán và các vấn đề hội nhập quốc tế khác để hỗ trợ thích hợp. Nếu tính riêng giai đoạn Việt Nam gia nhập WTO, từ 2007-2014, xuất khẩu của TPHCM vẫn giữ xu hướng tăng bình quân 8%/năm. Nhóm hàng công nghiệp xuất khẩu chiếm tỷ trọng 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu thị trường đã có chuyển biến tích cực, giảm dần phụ thuộc vào một số thị trường như châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Hàng hóa của TPHCM đã xuất khẩu đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cải cách thể chế chưa tương thích với tốc độ mở cửa

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế làm bộc lộ những yếu kém của nền kinh tế và sức cạnh tranh của các DN. Báo cáo của UBND TPHCM về kết quả quá trình hội nhập kinh tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO chỉ rõ, môi trường thể chế còn nhiều bất cập so với các địa phương khác trong nước. TPHCM ở vị trí cạnh tranh tốt, tuy nhiên khi so sánh với các tỉnh, thành khác trong khu vực và với các tiêu chuẩn quốc tế, vị thế cạnh tranh của TPHCM vẫn ở mức thấp.

Nhìn lại quá trình cải cách hành chính để thích ứng với hội nhập từ Trung ương đến các địa phương, đặc biệt là tại TPHCM, đã bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó chi phí quản lý chuyên ngành đang trở thành lực cản kéo giảm sự phát triển của các DN. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã dẫn và phân tích số liệu của Hải quan TPHCM cho thấy, 6 tháng cuối năm 2015, số tờ khai nhập khẩu phải kiểm dịch là 28.135 tờ, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) 66.178 tờ, kiểm tra chất lượng 203.901 tờ, xin giấy phép và các loại giấy tương tự 117.029 tờ. Như vậy, số lượng cho cả năm tạm tính là gấp đôi so với số tờ trên, gồm 56.270 tờ kiểm dịch, 132.356 tờ ATTP, 407.802 tờ kiểm tra chất lượng và 234.058 tờ giấy phép. Khảo sát tại một DN trong 2 năm 2015 và 2016, mức chi phí kiểm tra chuyên ngành cho 1 tờ khai kiểm định là 200.000 đồng, kiểm tra chất lượng và ATTP là 2 triệu đồng. Như vậy, tổng chi phí cho thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu tại Hải quan TPHCM năm 2015 tính tròn là 1.091,5 tỷ đồng. Đó là chưa tính phí cấp giấy phép và các loại giấy tương tự.

Về chi phí thời gian, chỉ tính thời gian tối thiểu để hoàn thành thủ tục quản lý chuyên ngành cho một lô hàng là 2 ngày thì năm 2015, riêng hàng nhập khẩu tại TPHCM, các DN đã mất 3.321.944 ngày. Chưa kể đối với hàng hóa nhóm 2 thì phải làm thủ tục hợp quy với chi phí lớn hơn nhiều so với chi phí kiểm tra.

Bên cạnh gánh nặng quản lý chuyên ngành thì thời gian thực hiện các thủ tục xuất khẩu đang là trở ngại, gây khó khăn, bức xúc cho DN. Đây cũng chính là lực cản cơ bản đối với việc cải thiện chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới”. Trong 2 năm gần đây, chỉ số này liên tục bị giảm bậc do những bất cập trong quản lý chuyên ngành.  Thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn tới 147 giờ và nhập khẩu là 177 giờ, dài hơn rất nhiều so với số giờ tương ứng tại Singapore là 16 giờ và 36 giờ; Thái Lan là 62 giờ và 54 giờ.

Để kết thúc bài viết, chúng tôi trích dẫn ý kiến của một DN: Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn vào kinh tế thế giới, nếu các thủ tục không thực sự thông thoáng, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh thì nhiều nguy cơ bị thua ngay trên sân nhà!

 

 Báo cáo các vấn đề kinh tế nổi bật của TPHCM dưới tác động của hội nhập kinh tế do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM tổ chức thực hiện, phân tích dữ liệu của 102.335 DN (trong đó có 3.114 DN hàng đầu) đang hoạt động trên địa bàn TPHCM trong 2 năm 2011-2012 cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của các DN có lợi nhuận trong năm 2012 đạt 123,5 ngàn tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2011, nhưng trong năm 2012 có đến 10.200 DN không có lợi nhuận và 56.000 DN bị thua lỗ. Tổng số thua lỗ năm 2012 lên đến 49,4 ngàn tỷ đồng so với năm 2011. Kết quả đồng nghĩa, mức độ sàng lọc, cạnh tranh trong hội nhập rất dữ dội. Chỉ những DN thực sự mạnh mới có thể phát triển hiệu quả và bền vững.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục