Hội nhập sâu cần nỗ lực lớn

Đóng góp ý kiến cho các văn kiện Đại hội Đảng XII với chủ đề: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, những vấn đề đặt ra cho giai đoạn tới”, nhiều đại biểu tham dự Đại hội cho rằng, hội nhập giai đoạn tới của Việt Nam sẽ ngày càng sâu hơn, đòi hỏi sự chủ động tích cực hơn, không chỉ từ phía các bộ, ngành, địa phương, mà còn từ chính người dân và doanh nghiệp.

Chủ trương đúng đắn

Theo nhận định của các đại biểu, thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia hầu hết các tổ chức, định chế quốc tế và khu vực chủ yếu trên thế giới. Đó là gia nhập ASEAN, WTO... Việc Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (ngày 31-12-2015) sẽ đóng góp thiết thực cho việc tạo môi trường hòa bình, ổn định cải thiện môi trường luật pháp trong nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiền đề giúp Việt Nam tham gia các khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương khác. Đến nay, Việt Nam đã tham gia thiết lập 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam cũng đã hoàn tất đàm phán để ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một hiệp định được kỳ vọng sẽ trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện, có chất lượng cao và là khuôn mẫu cho các hiệp định thế kỷ 21. Việc tham gia vào TPP sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình hội nhập kinh tế khu vực đem lại.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế về cơ bản đã đạt được những kết quả tích cực và dài hạn trong những lĩnh vực. Đó là tác động mạnh đến sự tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường trong một số lĩnh vực cụ thể như: công nghiệp, thương mại, các ngành dịch vụ; thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại (tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị và hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn); thúc đẩy thương mại, tăng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và mở rộng quan hệ hợp tác phát triển (ODA). “Hội nhập góp phần “lan tỏa” tích cực trong nền kinh tế, nhất là tạo thêm việc làm. Các ngành có tốc độ tăng việc làm cao nhất cũng là những ngành mở cửa nhanh hơn hoặc những ngành áp dụng công nghệ mới để cạnh tranh, tạo tài sản sản xuất và hạ tầng như công nghệ chế tạo, xây dựng, tài chính - ngân hàng, khoa học công nghệ...” - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhận xét.

Chủ động hơn nữa

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Các quốc gia tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và WTO, tham gia các FTA thế hệ mới... nên hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.

Do vậy, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong giai đoạn mới đòi hỏi chúng ta phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tận dụng các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, vuợt qua các khó khăn thách thức, giảm thiểu các tác động tiêu cực của quá trình hội nhập. Các bộ, ngành và địa phương cần chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch toàn diện và cụ thể thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW (năm 2013 về hội nhập quốc tế) trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước có nhiều thay đổi lớn. Bên cạnh đó là gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Điều này nhằm bảo đảm tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu chính trị ngoại giao và mục tiêu chiến lược trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, đánh giá và dự báo các vấn đề mới, xu thế vận động của hội nhập, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết FTA ở cấp độ cao hơn để có điều chỉnh chính sách và biện pháp phù hợp; hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành thị trường đủ năng lực, hoạt động hiệu quả để bảo vệ trị trường trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, gắn với bảo vệ môi trường.

Nâng cao hiệu quả hội nhập

“Đưa hội nhập đi vào chiều sâu là để tạo dựng các mối quan hệ ổn định, lâu dài hơn với các đối tác, gia tăng tính ổn định, bền vững của môi trường chính trị, an ninh; đưa đất nước ta lên vị trí cao hơn ở khu vực và trên thế giới” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh. Để thực hiện mục tiêu này, đồng chí Phạm Bình Minh đề nghị cần thực hiện triệt để phương châm “triển khai đồng bộ” các định hướng đối ngoại được Đại hội XII của Đảng thông qua, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế. Trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Một vấn đề trọng tâm khác là nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, theo đó cần tăng cường công tác phổ biến các cam kết quốc tế ta đã ký kết, đã nội luật hóa và các quy định trong quá trình triển khai; làm cho mỗi tổ chức, mỗi người dân hiểu rõ thách thức, cơ hội mà họ có được từ hội nhập quốc tế để tham gia một cách chủ động và tích cực. “Cần biến quá trình hội nhập từ các hoạt động chủ yếu do các cơ quan nhà nước tiến hành thành quá trình tham gia chủ động và tích cực của từng địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh kỳ vọng.

HÀ MY - HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục