Ngành thủy sản nước ta có vị trí cao trong nghề cá thế giới: thứ 12 về khai thác thủy sản, thứ 3 về nuôi thủy sản và thứ 6 về giá trị xuất khẩu thủy sản. Tuy vậy, thủy sản Việt Nam vẫn là ngành sản xuất nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp, hiệu quả kém. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hỗ trợ ngư dân thiết thực, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng dân cư ven biển.
Năng lực sản xuất tăng nhanh
Năng lực sản xuất ngành thủy sản tăng khá nhanh trong vài thập niên qua trong cả 2 khu vực nuôi trồng và khai thác. Đối với hoạt động nuôi trồng, trong khi diện tích nuôi nước ngọt có xu hướng giảm, diện tích nuôi nước mặn và nước lợ lại tăng lên nhanh chóng. Nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã chuyển một phần diện tích lúa năng suất thấp, bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản với trồng lúa, tràm theo mô hình lúa - tôm, tràm - cá... Trong khi đó, các địa phương ven biển, đặc biệt là vùng duyên hải Nam Trung bộ đẩy mạnh đầu tư khai thác các bãi triều, đầm phá, đất ngập mặn ven biển và đào ao trên cát để mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ.
Khu vực khai thác thủy sản cũng phát triển khá nhanh. Số tàu thuyền đánh bắt hải sản có động cơ trên cả nước đạt 130.000 chiếc với tổng công suất 6,6 triệu CV, tăng 30.000 chiếc và 3,1 triệu CV so với năm 2001. Số lượng tàu khai thác xa bờ tăng theo từng năm: năm 2001 đạt 9.766 chiếc; năm 2012 tăng lên 27.988; trong đó khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung dẫn đầu với 15.694 tàu thuyền. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 289/QĐ-TTg triển khai một số chính sách hỗ trợ ngư dân về phí bảo hiểm thân tàu, bù giá xăng dầu, cho vay vốn đóng mới và thay máy mới tiêu hao ít nhiên liệu, càng tạo điều kiện tăng cường năng lực cho đội tàu đánh bắt xa bờ phát triển mạnh.
Có thể thấy, sản xuất thủy sản kể từ năm 1990 đến nay phát triển tương đối toàn diện trên tất cả lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu. Tính đến năm 2012, sản lượng ước đạt 5.447.400 tấn, gấp 2,87 lần so với năm 2005 và gấp 6,44 lần so với năm 1990. Tuy nhiên, trong giai đoạn này đã có sự dịch chuyển lớn giữa các ngành chuyên môn hóa. Giai đoạn 1990 - 2007, sản lượng khu vực khai thác thủy sản lấn át sản lượng trong khu vực nuôi trồng, nhưng từ năm 2008 đến nay, sản lượng khu vực nuôi trồng đã vượt sản lượng khai thác thủy sản.
Định hướng đầu tư phù hợp
Nghiên cứu tổng thể cho thấy giá trị sản xuất ngành thủy sản nước ta chưa tương xứng, chưa phát huy hết lợi thế của mình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do phần lớn tàu thuyền khai thác hải sản hiện nay có quy mô và công suất nhỏ, công nghệ khai thác lạc hậu nên năng lực đánh bắt chưa cao. Xem xét kỹ hơn sự tăng trưởng ngành thủy sản thời gian qua, vốn và lao động vẫn là yếu tố chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng của ngành, trong khi năng suất và các yếu tố tổng hợp đóng góp ở mức thấp. Đây là một trong những thách thức rất lớn cho việc hiện đại hóa ngành thủy sản Việt Nam.
Thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân và được triển khai rộng khắp từ trung ương đến địa phương. Hầu hết cơ chế, chính sách đều nhắm đến các vấn đề chính trong khâu tổ chức sản xuất ngành thủy sản, đặc biệt là giải quyết đầu vào cho hoạt động sản xuất, như: hỗ trợ tín dụng để cải hoán và đóng mới tàu cá ngư dân; hỗ trợ chi phí xăng, dầu trong quá trình khai thác hải sản xa bờ; hỗ trợ phát triển và duy trì cung ứng dịch vụ viễn thông; quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng khu neo đậu tàu thuyền, khu tránh trú bão. Tuy nhiên, nhiều chính sách vẫn còn vướng mắc khi triển khai, như việc vay vốn cải hoán tàu thuyền nhưng không hỗ trợ ngư cụ khai thác, hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân đánh bắt vùng biển xa khi giá xăng dầu tăng, tình trạng ngư dân không sử dụng thiết bị Nhà nước đầu tư vì không phù hợp... Bên cạnh đó, chính sách đầu ra, khâu tiêu thụ sản phẩm lại chưa chú trọng nên ngư dân vẫn chủ yếu dựa vào các đầu nậu để tiêu thụ sản phẩm, bị o ép khiến đời sống ngư dân chưa được cải thiện căn cơ, còn gặp nhiều khó khăn.
Để chính sách hỗ trợ của Nhà trước đối với ngư dân hiệu quả hơn, cần thiết phải thiết kế hệ thống chính sách trong chuỗi các khâu từ hạ tầng sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, như: (i) Phải có cơ chế đặc thù cho ngư dân vay vốn để mua sắm, cải hoán tàu thuyền và trang bị ngư cụ khai thác; lãi vay và thời hạn cho vay phải phù hợp với ngành nghề biển. (ii) Nhanh chóng tổ chức nghiên cứu về nguồn lợi ngư trường các vùng biển xa làm cơ sở cho việc định hướng khai thác hiệu quả hơn. Điều này sẽ làm giảm đáng kể các chi phí không cần thiết cho ngư dân. (iii) Đẩy nhanh đầu tư các cơ sở hạ tầng nghề cá theo quy hoạch đã được phê duyệt. Những trường hợp không hợp lý cần mạnh dạn điều chỉnh cho sát thực tiễn sản xuất, tập quán của ngư dân. Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong quá trình khai thác và tiêu thụ sản phẩm.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Thực tế lực lượng lao động ngành thủy sản nước ta có trình độ rất thấp, chủ yếu hành nghề theo kinh nghiệm thực tiễn. Do vậy, cần thiết rà soát đội ngũ lao động để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng những kỹ năng và công nghệ mới phục vụ hoạt động khai thác, nuôi trồng hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất. Sự tăng trưởng của ngành trong thời gian qua chủ yếu dựa vào nguồn lực vốn và lao động. Mức đóng góp của trình độ quản lý và công nghệ rất khiêm tốn. Do vậy nếu không đẩy nhanh chất lượng lao động, sự tăng trưởng của ngành và mục tiêu nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân trong dài hạn sẽ gặp thách thức rất lớn.
Mặt khác, ngành thủy sản nước ta hiện nay vẫn chưa có cơ chế khuyến khích học sinh sinh viên, đặc biệt con em ngư dân, tham gia theo đuổi ngành nghề này, số lượng người được đào tạo ngày càng giảm dần. Ngay cả những trường có bề dày về kinh nghiệm đào tạo nhân lực cho ngành thủy sản ở trình độ cao cũng không có người theo học như Đại học Thủy sản (nay là Đại học Nha Trang) hay Trường Cao đẳng Thủy sản Bắc Ninh. Vì thế rất cần thiết quy hoạch và nâng cấp các trường đào tạo chuyên về thủy sản một cách bài bản và hệ thống. Những chính sách ưu đãi, khuyến khích đối tượng theo học cần được quan tâm đúng mức từ phía Nhà nước để họ yên tâm cơ hội chọn lựa nghề nghiệp.
| |
-----------
Bài tiếp: Tháo gỡ cơ chế, thúc đẩy đầu tư
TS PHẠM HỒNG MẠNH
Trường Đại học Nha Trang
>> Phát huy vị thế ngành kinh tế chủ lực