(SGGP)- Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ hai với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức, đã khai mạc ngày 11-11, tại TPHCM.
66 học giả trong nước và quốc tế, cùng các nhà nghiên cứu tên tuổi hiện nay về Biển Đông như Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia; Tiến sĩ Mark Valencia, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á và Trung tâm Woodrow Wilson của Mỹ; Giáo sư Ramses Amer, Đại học Stockholm, Thụy Điển; Giáo sư Stein Tonnesson, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Na Uy; Tiến sĩ Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore; bà Li Tianwei, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông, Hải Nam, Trung Quốc… đến tham dự hội thảo.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu khai mạc hội thảo nêu rõ: Trong suốt 1 năm qua, tình hình ở Biển Đông có nhiều chuyển biến quan trọng, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Việt Nam và quốc tế. Về cơ bản, tình thế hòa bình và ổn định vẫn được duy trì ở Biển Đông, nhưng không ít va chạm ở quy mô nhỏ đã xảy ra, phần nào làm cho bất đồng hiện có thêm phức tạp. Đáng lưu ý hơn là bên cạnh các tranh cãi vốn đã tồn tại về chủ quyền và lãnh thổ, đã xảy ra nhiều va chạm liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải và liên quan đến quản lý, khai thác tài nguyên biển.
Tuy nhiên, cũng có không ít nỗ lực ở các cấp độ khác nhau nhằm tăng cường trao đổi thông tin, đối thoại thẳng thắn và đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan nhằm tránh các căng thẳng mới xuất hiện, đồng thời bắt đầu tìm kiếm cơ chế giải quyết tranh chấp, khuôn khố pháp lý và giải pháp lâu dài cho mọi vấn đề.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần 2 diễn ra trong bối cảnh nhiều vấn đề an ninh quan trọng của khu vực, trong đó có tình hình ở Biển Đông, đã được đưa ra thảo luận công khai và thẳng thắn trong khuôn khổ các cuộc họp của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác; vấn đề Biển Đông cũng được đề cập trong các hội nghị của các quan chức an ninh quốc phòng của khu vực (Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN – ADMM và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng - ADMM+); cho thấy càng tăng cường đối thoại và trao đổi ý kiến, các bên càng nhận thức rõ hơn tư duy về lợi ích, cách tiếp cận và chính sách của nhau mặc dù bất đồng vẫn còn tồn tại và lập trường của các bên còn khác xa nhau trên nhiều vấn đề cơ bản, từ đó góp phần giảm nghi ngờ giữa các bên liên quan đến tranh chấp, trong khi hiểu biết và tin cậy được tăng cường.
Trong 2 ngày của hội thảo, các học giả và chuyên gia tập trung thảo luận sâu vào các chủ đề chính như tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh môi trường chiến lược đang thay đổi, cũng như những diễn biến ở Biển Đông gần đây và hệ lụy đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực, các vấn đề pháp lý quốc tế trong các tranh chấp ở Biển Đông. Cùng với đó, quá trình giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột ở Biển Đông - kinh nghiệm và triển vọng, các biện pháp xây dựng lòng tin và phương thức thúc đẩy hợp tác khu vực, hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành ở Biển Đông, cũng là những nội dung quan trọng sẽ được đề cập tại hội thảo.
Hội thảo lần này là sự tiếp nối của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất (diễn ra tại Hà Nội vào năm ngoái), sẽ kết thúc ngày 12-11.
Việt Anh