(SGGPO).- Ngày 26-7, tại TPHCM, Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế "Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam". Hơn 30 chuyên gia đến từ các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học lớn của Mỹ, LB Nga, Ý, Thụy Sĩ, Ba Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo. Ngoài ra, còn có sự tham dự của đại diện một số cơ quan ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế tại TPHCM và các học giả, nhà nghiên cứu có uy tín của Việt Nam.
Từ ngày 2-5-2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.
Việt Nam khẳng định có chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và mong muốn giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Mặc dù từ ngày 15-7-2014, giàn khoan Hải Dương - 981 đã được di dời ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhưng hành động này đã tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ pháp lý quốc tế.
Hội thảo lần này được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học phân tích, thảo luận, thể hiện quan điểm làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý của sự kiện này dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế; đồng thời góp tiếng nói độc lập, khách quan của các nhà khoa học đến các bên tranh chấp với mong muốn các tranh chấp ở Biển Đông sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh bày tỏ mong muốn các đại biểu trong và ngoài nước phát biểu những ý kiến, nguyện vọng chính đáng đề đạt với Đảng và Nhà nước Việt Nam những nguyên tắc đấu tranh bảo đảm độc lập chủ quyền của Việt Nam chống hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Qua hội thảo sẽ đóng góp nhiều ý kiến cho Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình quốc tế còn nhiều phức tạp hiện nay.
Phát biểu đề dẫn, GS- TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Truờng Đại học Luật TPHCM, Trưởng Ban tổ chức hội thảo nêu rõ, một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng là mục đích tốt đẹp nhất mà cộng đồng quốc tế hướng tới và mong muốn đạt được. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều có nghĩa vụ hợp tác để bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế. Để đạt được mục đích này, các quốc gia phải tận tâm, thiện chí với nhau trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, trong đó bao gồm hợp tác về giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở pháp luật quốc tế. Trong lịch sử quan hệ quốc tế có nhiều cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển rất căng thẳng, phức tạp được các bên tranh chấp giải quyết một cách hòa bình. Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch và có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, Trung Quốc, các nước trong khu vực mà còn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Do vậy, duy trì môi trường ổn định, hợp tác phát triển ở Biển Đông là nghĩa vụ của các quốc gia và là yếu tố quan trọng để bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không quốc tế.
Tuy nhiên do quan điểm và yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia trong khu vực còn khác nhau nên Biển Đông vẫn chưa được bình yên; đặc biệt là những gì xảy ra sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Duơng – 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam càng thúc đẩy các bên liên quan hợp tác với nhau trên cơ sở pháp luật quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 để giải quyết các tranh chấp liên quan.
GS-TS Mai Hồng Quỳ bày tỏ tin tưởng với những phân tích độc lập, khách quan và khoa học, các học giả tham dự hội thảo sẽ làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý quốc tế của sự kiện này. Những kiến nghị tại hội thảo sẽ được ban tổ chức gửi đến cơ quan hữu quan của Việt Nam, các cơ quan và tổ chức quốc tế.
Hội thảo diễn ra trong một ngày, được chia thành 3 phiên tham luận, tập trung vào ba chủ đề: Luật quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981; Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị ngoại giao trong pháp luật quốc tế; Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý trong luật quốc tế.
* Chính trị ngoại giao là giải pháp quan trọng
Trong phiên làm việc buổi sáng, hội thảo đã diễn ra hai phiên thảo luận: "Luật quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giản khoan Hải Dương 981", "Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị ngoại giao trong luật quốc tế".
Theo Luật gia Veeramalla Anjaiah (Phó tổng biên tập báo Daily Jakarta Post, Indonesia), việc Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu khổng lồ có tên Hải Dương - 981 trong vùng biển của Việt Nam là một sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế, và trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các các bên ở Biển Đông 2002 (DOC). Ông cho rằng ASEAN cần nhanh chóng đoàn kết, thống nhất, đồng thuận để cùng Trung Quốc ký Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) nhằm góp phần ngăn ngừa và giải quyết hiệu quả các tranh chấp; đồng thời ASEAN cần vận động các quốc gia ngoài khối như Mỹ, Nhật Bản, Úc… ủng hộ trong tiến trình giải quyết hoà bình các tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.
Trình bày tham luận, TS.Trần Phú Vinh (Khoa Luật Quốc tế - Trường Đại học Luật TPHCM) giới thiệu tổng thể các biện pháp giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc. Theo đó Điều 33 của Hiến chương Liên Hợp quốc đã qui định các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình gồm các biện pháp chính trị ngoại giao và biện pháp pháp lý gồm: đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, toà án và trước tổ chức quốc tế bằng các hiệp định khu vực.
TS. Vinh khẳng định: “Áp dụng các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp thì bắt buộc phải có sự đồng ý của các quốc gia có liên quan. Nếu các biện pháp ngoại giao đã áp dụng không đạt hiệu quả thì các bên nên sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết”.
Liên hệ với vụ việc trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981, Việt Nam đã sử dụng các biện pháp ngoại giao nhưng Trung Quốc không đàm phán thiện chí với Việt Nam nên TS. Vinh cho rằng Việt Nam có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc hoặc yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ra kết luận với câu hỏi: Trung Quốc đặt giàn khoan, sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có phù hợp luật quốc tế hay không? Đây là một biện pháp Việt Nam nên sử dụng.
Về phần mình, GS. Changsin (Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc) cho rằng các tranh chấp lãnh thổ, biển ở Châu Á liên quan chủ yếu đến tài nguyên, xu hướng độc quyền tài nguyên và các tranh chấp này chứa đựng nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang. Đặc biệt, trong các tranh chấp đó, các bên liên quan là các cường quốc quân sự, kinh tế, chính trị như Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, các quốc gia tranh chấp lại thiếu kinh nghiệm giải quyết. Chính vì vậy, theo GS. Changsin , cần phải thiết lập hệ thống các nguyên tắc trên tinh thần thượng tôn pháp luật để giải quyết các ranh chấp bất đồng.
Với tham luận mang chủ đề "Kinh nghiệm của Indonesia trong việc giải quyết biên giới biển", GS. Hikmahanto Juwana (Khoa Luật - Đại học Indonesia) phân tích một số kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp biên giới trên biển của Indonesia với các nước Singapore, Malaysia và Australia. Ông cho rằng, Việt Nam cần phải tính tới sức mạnh tổng hợp của dư luận quốc tế trong việc ủng hộ các tuyên bố của Việt Nam. Trước hết, Việt Nam nên sử dụng các biện pháp chính trị ngoại giao sau đó mới tính tới việc đưa ra Toà án Công lý quốc tế. Việc sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp là trái luật pháp quốc tế, các bên thoả thuận áp dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp liên quan đến lãnh thổ biên giới là tốt nhất.
Chiều nay, hội thảo sẽ tiếp tục làm việc với phiên thảo luận 3 có chủ đề "Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp pháp lý trong luật quốc tế".
ÁI CHÂN - TƯỜNG HÂN