Đằng sau những thành công của Hội thi Triển lãm Bò sữa TPHCM năm nay, người ta nhận thấy một dấu ấn đậm nét của cả một chương trình phát triển ngành bò sữa mà Công ty FrieslandCampina Việt Nam đeo đuổi trong suốt 15 năm qua.
Dấu ấn của những người tâm huyết
Phải sau gần 10 năm kể từ Hội thi Bò sữa lần thứ 2 được thực hiện (năm 2003), Hội thi Bò sữa lần thứ 3 mới được tái tổ chức với mục đích đề ra ban đầu là tạo môi trường gặp gỡ của 4 nhà: nông dân chăn nuôi bò sữa; nhà khoa học thuộc Viện, Trường Đại học; cơ quan quản lý; các doanh nghiệp thu mua sữa, cung cấp thức ăn chăn nuôi, vật tư chăn nuôi thú y... Chương trình được xây dựng với quy mô hoành tráng, nhiều hoạt động phong phú và bổ ích cho nông dân như: thi kiến thức và kỹ năng chăn nuôi bò giỏi, bò sữa tốt, mô hình chăn nuôi bò sữa bền vững, hội thảo định hướng phát triển bền vững cho ngành bò sữa. Không giấu được cảm xúc, ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, hồ hởi chia sẻ: “Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển mạnh hơn”.
Để có được những ngày hội thi như thế là nỗ lực lớn của rất nhiều “nhà” có liên quan, đặc biệt là FrieslandCampina Việt Nam (vẫn thường được nông dân quen gọi là Công ty Cô Gái Hà Lan), đơn vị tài trợ chính, và cũng là người hỗ trợ các trang thiết bị, các mô hình mẫu để cuộc thi kiến thức chăn nuôi bò sữa được trực quan sinh động, đúng thực tế hơn. Lý giải cho việc đồng hành tích cực với cuộc thi này, ông Lưu Văn Tân, Trưởng bộ phận Phát triển ngành sữa FrieslandCampina Việt Nam, bày tỏ: “Hội thi vừa là nơi để nông dân có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình và cũng là dịp để tôn vinh những hộ chăn nuôi tốt, sản xuất giỏi để có thể trở thành mô hình hạt nhân khuyến khích người chăn nuôi học hỏi theo. Quan trọng hơn, thông qua hội thi này, người nông dân có thể thấy được tính hiệu quả từ các mô hình tiêu biểu để từ đó sửa đổi tư duy cũ, học hỏi cái mới để phát triển nghề bò sữa bền vững hơn. Ý nghĩa của hội thi này rất gần gũi với nội dung phát triển ngành bò sữa mà công ty thực hiện trong suốt 15 năm qua nên FrieslandCampina Việt Nam sẵn lòng hỗ trợ hết mình để người nông dân có được những trải nghiệm quý báu đó”.
Phát triển bền vững là hướng đi đúng đắn
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tìm, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, ngành chăn nuôi bò sữa ở TPHCM đang phát triển được đàn bò trên 80.000 con, trở thành vùng nuôi bò sữa lớn nhất nước. Ông cho rằng, sở dĩ ngành bò sữa có kết quả tốt như vậy là do mô hình phát triển phù hợp. Trang trại chị Phạm Thị Lê, Tân Trung, Củ Chi, đoạt giải nhất mô hình chăn nuôi bò sữa bền vững, là một ví dụ. Chị đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để bò cho sữa đạt chuẩn; tạo hầm biogas thân thiện với môi trường; biết tạo nguồn thức ăn dồi dào cho bò bằng phương pháp ủ chua… Việc quản lý chuồng trại, các biện pháp đảm bảo vệ sinh được thực hiện rất nghiêm túc. Năng suất, chất lượng sữa và hiệu quả kinh tế của việc chăn nuôi ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy với 70 con bò, trang trại đã tạo nên một cơ ngơi đủ để chị Lê an tâm sống lâu dài với con bò sữa. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tìm đánh giá, với hướng phát triển từ gốc, bài bản như thế, trang trại này là ví dụ tốt cho hướng phát triển bền vững, là con đường đúng đắn, phù hợp cho nông dân học hỏi theo.
Được biết trang trại chị Lê nằm trong hệ thống các trang trại giao sữa cho FrieslandCampina Việt Nam, được các cán bộ kỹ thuật của Cô Gái Hà Lan thường xuyên hướng dẫn từ kỹ thuật đến phương pháp quản lý trang trại, trong khuôn khổ của Chương trình Phát triển ngành sữa mà Cô Gái Hà Lan đã triển khai thực hiện từ năm 1995.
| |
HẢI THỤY