* Trên mặt tôi xuất hiện nhiều mụn nhỏ, có mụn có mủ. Đặc biệt bệnh chỉ xảy ra ở mặt, cổ, còn các phần được che chắn bởi quần áo thì không bị. Tôi đi khám bệnh thì bác sĩ cho biết là tôi bị “dị ứng với mỹ phẩm”. Tôi rất ngạc nhiên vì bản thân tôi không dùng mỹ phẩm để trang điểm khi đi làm. Vậy tôi bị bệnh gì và cách chữa trị?
Huỳnh Thị N (Q.12 TPHCM)
- BS Lý Hữu Đức: Chị bị bệnh viêm da dị ứng, nhưng không phải dị ứng với mỹ phẩm mà với hóa chất dùng bảo quản hồ sơ bệnh án hoặc thuốc trừ mối mọt thường được xịt định kỳ để chống mối mọt cho các tủ đựng hồ sơ bệnh án. Hóa chất này thuộc dạng bay hơi, rất độc hại và thường gây dị ứng ở da mặt khi tiếp xúc qua không khí (hít phải hơi của thuốc tiếp xúc với da mặt,da tay)... Nếu trong những ngày nghỉ cuối tuần mà triệu chứng ngứa hay đỏ giảm đi thì điều này càng khẳng định nguyên nhân gây bệnh. Chị cần đến khám tại bác sĩ chuyên khoa da liễu Bệnh viện Da Liễu. Nếu có liên quan đến nghề nghiệp (bệnh da nghề nghiệp), bạn cần chuyển đổi công tác càng sớm càng tốt.
* Tôi nghe nói uống thuốc bị sốc rất nguy hiểm, có thể chết nếu bị phản ứng nặng. Bác sĩ có thể cho biết cách nhận biết sốc như thế nào và hướng dẫn sơ cấp cứu?
Bùi Thanh Tâm (phường 17, Gò Vấp TPHCM)
- BS LÊ THIỆN ANH TUẤN: Sốc do dùng thuốc còn gọi là sốc phản vệ. Sốc được định nghĩa là biểu hiện trạng thái thiếu máu, thiếu oxy ở các mô tế bào của những tổ chức cơ quan trong cơ thể. Một số biểu hiện của sốc: nạn nhân cảm giác mệt, vật vã, lo lắng, nôn nao, khát nước, vẻ mặt lờ đờ, chân tay lạnh run, toát mồ hôi, da tái nhợt, thở nhanh và thở yếu, hơi thở nông, mạch nhanh và yếu, huyết áp hạ. Tất cả những tình trạng sốc đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân và đòi hỏi phải xử trí cấp cứu. Xử lý nạn nhân bị sốc thuốc: giải quyết tình trạng nguy cập đến tính mạng nạn nhân, như hồi sức tim phổi; đặt nạn nhân nghỉ ngơi nơi thoáng mát, tư thế nằm đầu thấp, kê chân cao hơn đầu khoảng 30cm để máu dồn về não. Động viên an ủi tinh thần cho nạn nhân. Tuyệt đối không cho nạn nhân đang bị sốc ăn, uống.
Trường hợp phải di chuyển nạn nhân ở xa nơi cấp cứu, có thể cho họ uống một muỗng canh nước mỗi 15 phút nếu quá khát. Giữ ấm cho nạn nhân bằng cách phủ mền, hay đắp áo quần. Theo dõi sát diễn biến xảy ra đối với nạn nhân như mạch, nhịp thở, tình trạng nước tiểu... Gọi xe cấp cứu chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện, để được xử lý cấp cứu như truyền máu, truyền dịch...
* Gia đình tôi làm nghề thủ công, có thuê một số thợ làm việc. Thỉnh thoảng do sơ suất trong khi làm việc, xảy ra tai nạn nhỏ, có khi gãy tay… BS có thể cho biết cần chuẩn bị những dụng cụ và thuốc gì để sơ cứu khi có tai nạn xảy ra?
Phương Dung (Nhà Bè - TPHCM)
- BS Thái Hòa: Những thứ cần cho một tủ thuốc gia đình gồm có:
Một số dụng cụ y tế: băng vải cuộn, băng thun, băng dính, băng cá nhân, gạc rời vô khuẩn, gạc lót bông vô khuẩn, gạc tẩm vasselin đắp bỏng, bông, kéo đầu tu, kẹp (pince) để kẹp gạc, dao con, kim băng, que đè lưỡi, nhiệt kế, túi chườm (nóng, lạnh), đèn pin, dây buộc ga rô cỡ 3cmx 50cm, cồn 70o và cồn iod để rửa và sát trùng ngoài da, oxy già để rửa vết thương, dầu mù u thoa vết bỏng.
Một số thuốc thông thường: Paracetamol (acetaminophen), có tác dụng giảm đau hạ nhiệt: dạng thuốc viên, nước, gói, viên đạn (nhét hậu môn); ORS (Oresol), có tác dụng giúp bổ sung một số chất điện giải khi bị mất nước như tiêu chảy, nôn ói: dạng gói (hòa 1 gói / lít nước), viên (hòa 1v/200 ml nước); Smecta, giúp bao lớp niêm mạc bao tử và ruột; sử dụng trong các trường hợp viêm bao tử, viêm đại tràng tiêu chảy, tiêu chảy cấp (không dùng cho trẻ em bị tiêu chảy do nhiễm độc). Lưu ý: Một số dụng cụ và vật liệu cần phải được vô trùng, đóng gói kỹ. Thuốc để trong tủ luôn đảm bảo hạn dùng, nên kiểm tra thường xuyên để thay khi thuốc quá hạn sử dụng. Tủ thuốc để vị trí tránh xa tầm tay trẻ em n