° Gần đây tôi hay đi tiểu lắt nhắt. Mỗi lần tiểu cảm giác hơi khó khăn, thỉnh thoảng thấy nước tiểu bị vàng đậm, có khi trắng đục. Xin bác sĩ cho biết tôi có bị bệnh thận không? Tôi cần phải làm gì?
TRẦN THÀNH NAM (Trảng Bom – Đồng Nai)
- BS LÊ THIỆN ANH TUẤN: Với những biểu hiện trên, có thể bạn bị nhiễm trùng đường tiểu. Nhiễm trùng đường tiểu là nước tiểu có sự hiện diện của vi trùng với số lượng cao (trên 1 triệu con trong 1ml), chúng tồn tại lâu trong nước tiểu nên làm tổn thương niêm mạc đường tiểu, gây sung huyết, phù nề…
Cơ quan dễ bị viêm nhiễm là bàng quang (bọng đái), khi có bệnh sẽ làm rối loạn tiểu tiện. Nhiều trường hợp phát hiện có vi trùng trong nước tiểu, nhưng không gây tổn thương niêm mạc của đường tiểu và không có triệu chứng gì đặc biệt thì không xem là bệnh nhiễm trùng đường tiểu.
Dựa vào các xét nghiệm về nước tiểu để xác định nhiễm trùng đường tiểu: xét nghiệm vi trùng để xác định số lượng và định loại vi khuẩn gây bệnh; các xét nghiệm về tế bào trong nước tiểu.
Có thể xác định bị nhiễm trùng đường tiểu dựa vào một số biểu hiện đặc trưng về rối loạn trong quá trình tiểu tiện hàng ngày, khi xuất hiện những triệu chứng: tiểu buốt, nóng rát do bàng quan bị viêm; tiểu nhiều lần, vì bọng đái bị kích thích; nước tiểu đục, nước tiểu có màu trắng đục vì có nhiều tế bào hoại tử, xác vi khuẩn, mủ...
Ngoài ra có thể dựa vào biểu hiện đau ở vùng thắt lưng, hoặc vùng bọng đái do sỏi. Khi nghi ngờ bị nhiễm trùng đường tiểu, bạn cần phải đi khám bệnh, không nên tự ý dùng kháng sinh vì có một số kháng sinh gây độc cho thận mà bạn không thể lường trước được. Tình trạng vi trùng lờn thuốc có thể xảy ra nếu bạn điều trị không đúng cách và sử dụng thuốc không đúng liều lượng. Cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng thuốc, liều lượng và thời gian uống thuốc.
° Con tôi 7 tuổi, cháu thường mắc chứng bệnh đái dầm. Đề nghị bác sĩ chỉ cho cách phòng tránh bệnh này?
MINH TRANG (Củ Chi – TPHCM)
- BS THÁI HÒA: Đái dầm là hiện tượng không giữ được nước tiểu về ban đêm ở trẻ sau 5 tuổi, đây là biểu hiện không do ý muốn, không ý thức, xảy ra lúc ngủ, là một biểu hiện của mất cân bằng về tâm lý, tình cảm của trẻ.
Cũng cần xác định rằng đái tự nhiên không ý thức ở trẻ em 4 - 5 tuổi là hiện tượng bình thường, và không phải là bệnh. Nhưng những trẻ trên 5 tuổi mà còn hiện tượng trên thì cần phải xem xét, có thể là hiện tượng đái dầm do tâm sinh lý, cũng có thể là hiện tượng của đái không ý thức tác động bởi các nguyên nhân khác như: hiện tượng động kinh về đêm, do dị tật đường tiểu hoặc rối loạn thần kinh, một số bệnh về thận, bệnh đái tháo đường…
Điều cần thực hiện: động viên trẻ có ý thức, hoặc chủ động cho đi đái trước khi ngủ. Nên hạn chế cho trẻ uống nước trong khoảng 3- 4 giờ trước khi ngủ. Dạy cho trẻ điều khiển được tốc độ nhanh, chậm, ngắt đái trong những lần trẻ đi đái, để tạo thói quen cho trẻ có ý thức kiểm soát được cơ vòng bọng đái.
Nên đánh thức trẻ dậy đi đái sau 3 giờ ngủ đêm. Cần tập “xi” đái cho trẻ khi còn nhỏ để tạo phản xạ đi đái của trẻ. Cha mẹ không nên có thái độ chế nhạo, bực tức hoặc nóng nảy khi thấy trẻ tự nhiên “xì” ra trên nệm trong đêm, nhất là tránh đe dọa hay trừng phạt trẻ.
Làm như vậy, vô tình càng gây tác động đến tâm sinh lý, ảnh hưởng không tốt về tinh thần. Thực tế đã có nhiều người chủ động đánh con thật đau một cách bất ngờ khiến trẻ giật mình khóc thét, với suy nghĩ là trẻ sẽ sợ để lần sau không đái dầm nữa, nhưng rút cuộc không cải thiện được gì.
Không nên dùng các phương tiện phòng chống như quấn nhiều tã lót ban đêm. Không được bắt buộc trẻ phải giảm uống nước.