Hôm nay 19-6, Quốc hội (QH) sẽ bế mạc. Trong ngày làm việc cuối cùng, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viên chức.
Trước khi bế mạc, QH sẽ thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM. Về vấn đề này, ngày 18-6, ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng QH cho hay, quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH là thuyết phục QH thông qua chủ trương này. “Nếu chúng ta muốn đến năm 2020 xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp hóa thì phải chuẩn bị hạ tầng ngay từ bây giờ. Điều đó đòi hỏi ý thức và tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu QH khi bấm nút vấn đề này”, ông Đàn nêu quan điểm.
Một nội dung quan trọng khác trong phiên bế mạc hôm nay là QH sẽ thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về giáo dục đại học (GDĐH). “Đây là yêu cầu chung của các đại biểu QH. Nghị quyết cũng đặt vấn đề sửa đổi một số quy định, cơ chế, chính sách về GDĐH không còn phù hợp như đầu tư, xã hội hóa, phân bổ kinh phí, chế độ học phí... làm sao để phù hợp với nhu cầu nhân lực của xã hội, vừa khuyến khích các trường đầu tư nâng cao chất lượng”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết. Theo đó, các trường ĐH vừa qua bị “nhắc” nhiều sẽ có thể xử lý ngay lập tức, hoặc được gia hạn một thời gian để khắc phục. Ông Thi khẳng định, nghị quyết sẽ tác động đến chất lượng GDĐH trong thời gian tới.
Ngoài ra, QH cũng thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư; thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.
Chiều qua 18-6, QH thảo luận về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD). Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật quan trọng này có nhiều nội dung chưa đạt yêu cầu. Nhiều nội dung đưa vào luật quá thừa, nhưng lại rất thiếu những quy định cụ thể để NTD được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu, luật chưa thật sự bảo vệ được quyền lợi của NTD và cũng chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự thảo luật rất chú trọng việc giải quyết hậu quả, có đến 32/66 điều đề cập.
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, bảo vệ quyền lợi NTD là vấn đề bức thiết hiện nay, vì vậy luật phải đưa ra những quy định cụ thể, không thể chung chung trên trời. Luật không nên có những quy định bất khả thi, kiểu quy định “cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng”, không thể thực hiện được.
ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị luật phải quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi NTD. Luật chỉ tập trung quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà chưa đề cập cụ thể đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi thực tế có rất nhiều vụ việc cần phải có vai trò trách nhiệm của nhà nước.
Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cần quy định cụ thể hơn đối với trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương, của các bộ, của UBND các cấp trong việc bảo vệ lợi ích chung của NTD.
Cùng ngày, QH cũng thảo luận về dự thảo Luật Tố tụng hành chính.
Lâm Nguyên