Ông là người giữ nhiều câu chuyện cảm động liên quan đến những ngôi mộ liệt sĩ ở TPHCM và nặng lòng với nỗi khó khăn, mòn mỏi tìm mộ của các gia đình liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước. Hơn 20 năm gắn bó với công việc giữ mộ liệt sĩ và chỉ còn vài năm nữa về hưu nhưng ông không ngại ngần bảo rằng: “Nếu được chọn lại nghề, tôi vẫn chọn công việc này…”.
Nơi bình yên
Gần đến ngày giỗ của các liệt sĩ (27-7), không khí tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều đoàn khách ở TP hoặc từ những tỉnh xa tìm về đây thắp nén nhang tưởng nhớ người thân, đồng đội. Bên những ngôi mộ được quét vôi sạch sẽ trong khuôn viên cỏ xanh, những khóm hoa tươi, những nén nhang được thắp lên tỏa hương thơm ấm áp. Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM, một công trình nghệ thuật lịch sử có một không hai, ngày một đẹp hơn, khang trang hơn.
Góp sức vào thành quả đền ơn đáp nghĩa đầy tự hào này của Đảng bộ và nhân dân TPHCM có một
phần công lao của tập thể Ban Quản trang Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM, trong đó người có thâm niên nhất là ông Trần Xuân Hòa, Trưởng ban quản trang. Hơn hai mươi năm làm nghề quản trang, ông đã dành trọn tâm huyết chỉnh trang ngôi nhà chung của các liệt sĩ và chăm sóc từng ngôi mộ nhỏ.
Để nghĩa trang khang trang và phủ đầy màu xanh ngút ngàn, ông cùng tập thể ban quản trang đã dày công trồng từng thảm cỏ quanh mộ chí, nhân giống cây cảnh, quy tập thêm nhiều cây quý từ khắp nơi. Nhờ những thảm cỏ xanh được chăm bón tốt quanh năm, mộ chí ở đây không bị xói mòn, làm mát mắt người thân khi viếng thăm mộ con em mình.
Đã làm được nhiều việc cho những người nằm xuống, trong đó có đồng đội của mình, nhưng ông vẫn day dứt khi còn hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ vô danh đợi chờ người thân đến nhận diện và đưa về quê nhà. Họ không cô đơn, lạnh lẽo vì ông và những người giữ mộ sớm hôm nhang khói, chăm sóc mộ chí, nhưng chắc chắn vong linh các anh buồn tủi lắm. Ông mong mỏi có ngày các anh được gặp lại người thân, được trả lại tên.
Hiện tại cứ nhìn những nấm mộ được quy tập về ngày một nhiều và được gọi bằng cái tên chung - mộ vô danh - lòng ông cảm thấy xốn xang, có lỗi với người đã khuất. Vì thế, bất cứ gia đình, đồng đội nào đến Nghĩa trang liệt sĩ TP hoặc các nghĩa trang thuộc TP tìm mộ liệt sĩ, ông và anh chị em trong ban quản trang đều nhiệt tình giúp đỡ bằng mọi cách.
Trong hàng ngàn câu chuyện đi tìm mộ liệt sĩ của các gia đình, ông vẫn nhớ như in người mẹ già lặn lội từ vùng đất nghèo Quảng Trị vào TPHCM thắp nén nhang cho con cách đây gần chục năm. Ngồi bên mộ con trai, người mẹ già ấy cứ khóc ròng và nói: “Được nhìn thấy mộ con ở nơi trang nghiêm này, chừ mệ chết cũng yên lòng…”. Thời đó, nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ thân nhân thăm viếng mộ liệt sĩ, nên người mẹ nghèo đó phải dành dụm mãi mới đủ tiền mua vé xe vào TPHCM thắp nhang cho con.
Ước nguyện chưa tròn
Như bao người làm chính sách có công nặng nợ với những người lính đã hy sinh, ông luôn day dứt trước những hoàn cảnh, nỗi đau của các gia đình chưa tìm thấy mộ chí của con em. Những khuôn mặt khắc khổ, những đôi mắt đẫm lệ của những ông bố, bà mẹ, anh em thân thuộc trong những chuyến đi tìm mộ liệt sĩ chưa toại nguyện; những nhọc nhăn, tốn kém, khổ đau của họ, luôn trong tâm trí ông.
Có những gia đình năm nào cũng lặn lội từ ngoài Bắc vào Nam, đến TPHCM và các nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh, thành khác để xem có mộ chí nào mới được quy tập hay không. Họ cứ nuôi hy vọng rồi thất vọng… Từng là người lính Trường Sơn vào sống ra chết nên ông cảm thông, sẻ chia nỗi đau mất mát kéo dài gần 40 năm của bao gia đình.
Ông tâm sự: “Nhiều đêm, tôi thao thức không ngủ được, đã van vái các liệt sĩ hãy về báo mộng cho tôi biết thông tin - danh tính của các anh, hài cốt các anh ở đâu, nơi ngôi mộ vô danh nào để chỉ dẫn cho gia đình, giúp sớm giải tỏa nỗi buồn, làm tròn đạo lý với người đã khuất”.
Những năm gần đây, nhiều gia đình đã nhờ đến các nhà ngoại cảm với hy vọng đạt kết quả nhanh hơn. Vì thế cũng xảy ra không ít câu chuyện buồn về tranh chấp mộ chí và ông phải đứng ra phân xử. Nhờ phương pháp hiện đại giám định ADN, việc xác định danh tính liệt sĩ có cơ sở khoa học-chính xác, hiệu quả hơn nên theo ông nhà nước nên sớm thực hiện đề án “Trả lại tên cho các anh” - những liệt sĩ vô danh bằng phương pháp này. Ông còn một ước nguyện nữa, đó là hiện nay vẫn còn hàng trăm ngàn gia đình chưa tìm được hài cốt và hàng trăm ngàn mộ liệt sĩ vô danh chưa được xác định danh tính.
Vì thế, để bớt đi nhọc nhằn, khổ cực cho các gia đình đi tìm mộ, Bộ Quốc phòng cần sớm giải mã ký hiệu trên các giấy báo tử như KN, KB, TK, NB… thuộc đơn vị nào, địa bàn nào để họ tìm đúng nơi liệt sĩ hy sinh, thay vì phải lặn lội, mất công sức tìm kiếm khắp các chiến trường miền Nam.
Chiến tranh đi qua, ông trở về nguyên vẹn và cảm thấy mình hạnh phúc hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống ở tuổi thanh xuân hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Sau giải phóng, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội và đến năm 1990, chính thức chuyển về Sở LĐTB-XH TPHCM làm công việc giữ mộ từ đó đến nay.
Hơn 20 năm làm công việc chăm lo phần mộ cho những người lính đã hy sinh, ông luôn tận tâm, tận lực. Mong muốn duy nhất của ông là các liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang TP sẽ cảm thấy bình yên nơi chín suối và gia đình các anh mãn nguyện khi đến viếng thăm mộ chí con em mình.
Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM nay đã trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân TP trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Không chỉ xứng danh nghĩa trang liệt sĩ khang trang, đẹp nhất cả nước mà nghĩa trang còn có quy mô lớn nhất khi quy tập trên 14.000 mộ chí.
Để có được công trình nghệ thuật giàu ý nghĩa lịch sử và đậm tính nhân văn này, ông Hòa đã cùng tập thể ban quản trang, đội ngũ nhân viên để tâm vào công việc, chỉnh trang từng mộ chí, chăm sóc từng chậu cây cảnh, từng luống hoa, thảm cỏ để chúng luôn tươi xanh, đẹp mắt. Nhiều công ty du lịch tổ chức tuyến du lịch truyền thống đã chọn đưa khách ghé thăm nghĩa trang hoặc trước chuyến đi du lịch đều ghé qua đây thắp nhang cho các liệt sĩ.
Nghĩa trang liệt sĩ TP giờ cũng trở thành môi trường giáo dục lý tưởng, truyền thống cho học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên TP khi đến tham quan, dã ngoại. Nơi đây, những câu chuyện sống động về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng bất khuất được khơi gợi từ những nấm mộ tập thể, với những chiến tích lừng lẫy như trận đánh năm Mậu Thân ở Sân bay Tân Sơn Nhất đã làm 181 chiến sĩ hy sinh anh dũng…
Khánh Bình