Với tổng chiều dài 77,8km, cao tốc này được chia làm 2 dự án thành phần, trong đó thành phần 1 từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) đến thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) dài 46,8km; thành phần 2 từ Phú Mỹ đến TP Vũng Tàu dài 31km.
Theo báo cáo của Tổng công ty Tư vấn giao thông vận tải (TEDI), tổng kinh phí đầu tư dự án khoảng 25.743 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng công trình là 23.614 tỷ đồng; đầu tư tuyến nối, đường đô thị 2.129 tỷ đồng.
Phương án 1 là đầu tư toàn tuyến, trong đó Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, Trung ương và Đồng Nai đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, kêu gọi đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng.
Phương án 2 là Bà Rịa-Vũng Tàu cùng Đồng Nai sẽ đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng giải phóng mặt bằng; kêu gọi đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng và Trung ương hỗ trợ hơn 5.000 tỷ đồng để xây dựng đường cao tốc; còn lại tuyến nối đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng do Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện.
Phương án 3 là tách đầu tư dự án theo từng phần, trong đó dự án thành phần 1 Trung ương và Đồng Nai sẽ đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, còn lại kêu gọi đầu tư hơn 7.800 tỷ đồng xây dựng cơ bản. Với dự án thành phần 2 có mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư công của Trung ương hoặc Bà Rịa-Vũng Tàu xin phép chuyển toàn bộ dự án thành phần 2 thành đường cao tốc đô thị thuộc hệ thống giao thông địa phương, khi đó đầu tư theo phương án nào sẽ do tỉnh sắp xếp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các sở ban ngành nghiên cứu làm báo cáo tiền khả thi dự án, trong đó nghiên cứu kỹ phần đầu tư đoạn qua tỉnh Đồng Nai để trình Thủ tướng quyết định.