Hôn nhân... không biên giới!

Không cần giấy tờ, không cần báo cáo với chính quyền xã, chỉ cần yêu nhau và ba mẹ đồng ý, cô dâu hay chú rể bước qua biên giới là lấy người nước ngoài dễ như đi chơi. Yêu nhau tự nhiên như cây mọc giữa rừng, lấy nhau cũng tự nhiên như nước chảy dưới suối. Họ giải thích như thể là tình hữu nghị Việt – Lào thắm thiết, bền chặt đã có từ lâu là vậy.

  • Đêm bên dòng Sê-pôn

Xã Thuận là vùng biên giới thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Sông Sê-pôn là ranh giới với nước bạn Lào, đối diện phía bên kia là các bản Cheng, bản May, bản K’Tup và bản Mỹ Yên (Lào).

Đôi bờ con sông chủ yếu là đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống. Họ tương đồng về văn hóa, cùng ngôn ngữ nên gần gũi với nhau. Ngày làm rẫy, đêm về lội qua sông chơi đã là… ra nước ngoài.

Được chọn làm khu vực trung tâm cho sự phát triển cả vùng nên Nhà nước đầu tư ở xã Thuận nhiều cơ sở hạ tầng. Đêm bên dòng Sê-pôn không lặng yên chút nào. Núi rừng lung linh ánh đèn màu từ các quán cà phê và có cả âm thanh của những đĩa nhạc đang “hot”. Hàng quán ăn uống cũng thức đêm thâu. Xã Thuận trở thành “điểm hẹn” hấp dẫn cho các bạn trẻ Vân Kiều, Pa Cô của hai nước Việt  - Lào tụ tập vui chơi.

Ông Hồ Văn Láo, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận dùng xe máy chở tôi đi một vòng để biết không khí đêm biên giới không heo hút như ai tưởng. Ông bảo, tầm khoảng 22; 23g, các bạn trẻ càng đến đây chơi nhiều hơn, bởi đó là giờ cao điểm của trai gái đi sim.

Sim là một phong tục tìm bạn đời của người Vân Kiều, Pa Cô. Nam nữ khi đến tuổi yêu nhau, ban đêm thường không ở nhà mình mà đến chơi và ngủ ở nhà công cộng, có khi họ tách từng đôi lang thang giữa rừng hoặc đưa nhau lên chòi canh rẫy thâu đêm suốt sáng. Những đêm sim lãng mạn như thế, họ hát cho nhau những làn điệu dân ca, vừa hát vừa kể rất trữ tình. Họ chỉ nói chuyện tình cảm đơn thuần, “chuyện ấy” là điều cấm kỵ tuyệt đối, ai vi phạm sẽ bị “giàng” phạt rất nặng, thậm chí đuổi ra khỏi bản. Bởi vậy, tình yêu của họ trong sáng, chân thành.

Phong tục sim bây giờ có thay đổi. Không có nhà sim công cộng nữa, nam nữ tụ tập nhau ở các hàng quán, bờ sông, bên vệ đường hay đơn giản là dưới sàn nhà của cô gái nào đó. Cũng không còn hát giao duyên trữ tình như ngày xưa. Khi ưng ý nhau, từng đôi bạn nam nữ tách khỏi nhóm, cầm thêm cái chăn, ăn ngủ trong rừng suốt đêm, sáng về. Ngày xưa con gái giữ mình kỹ lắm bởi luật tục ràng buộc chặt chẽ, bây giờ thì ai biết gì trong rừng đêm bởi cũng đã có trường hợp mang thai trước hôn nhân.

Ba mẹ không cấm đoán gì bởi đó là phong tục. Người miền xuôi nghe nói phong tục này nên tò mò lắm, nhiều người tìm lên chơi nhưng các cô gái Vân Kiều, Pa Cô không tin tưởng đâu, chỉ kết bạn với “người của mình”.

  • Yêu nhau thì lấy!

Yêu nhau rồi tất dẫn đến chuyện lấy nhau. Chỉ cần ba mẹ hai bên đồng ý và làm lễ kết hôn theo phong tục là đôi trai gái thành vợ chồng.

Theo quy định, UBND cấp xã thực hiện việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước làng giềng. Nhưng anh Hồ Văn Dung, cán bộ tư pháp xã Thuận nói mộc mạc và chân thực rằng: “Biết vậy nhưng hắn không đến đăng ký thì mình cũng chịu”.
Tôi hỏi việc kết hôn giữa người Việt và người Lào ở xã Thuận có nhiều không. Anh Dung nói “nhiều nhưng không biết chính xác là bao nhiêu”. Riêng những người anh quen biết, anh đếm được 17 phụ nữ trong xã lấy chồng và 7 nam giới lấy vợ là người Lào. Anh cũng thật thà nói: “Họ yêu nhau thì họ lấy, không đến xã làm thủ tục thì xã cũng không cắt đứt tình cảm của họ được”.

Anh Dung cũng nói những xã trên này tương tự như xã Thuận. Nhưng hiện tượng kết hôn này chỉ với người Lào thôi. Anh Dung giải thích thêm, khi có người Việt lấy chồng hoặc vợ là người Lào, cán bộ tư pháp xã đến hướng dẫn làm thủ tục kết hôn, người Việt thì đồng ý nhưng do bà con bên Lào không cần giấy tờ, họ không muốn làm nên cuối cùng biết đăng ký kết hôn với ai.

Năm 2005, Hồ Thị Phương, 20 tuổi, người của xã Thuận sang lấy chồng bên bản Mỹ Yên của Lào. Mới đây có xung đột, cô phải về nước trắng tay, bỏ lại con cái và tài sản có được. Do không đăng ký kết hôn, pháp luật của đôi bên cũng không bảo vệ được quyền lợi cho những người thiệt thòi.
Về xuôi, tôi đem câu chuyện này hỏi ông Hoàng Để, Trưởng phòng Nghiệp vụ của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị. Ông Để nói rằng, theo quy định, cấp xã hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký kết hôn, tiếp nhận rồi gửi Sở Tư pháp thẩm định. “Nhưng cho đến nay, chưa thấy xã nào trình sở hồ sơ kết hôn của công dân hai bên biên giới và rõ ràng hôn nhân đó không được pháp luật thừa nhận”, ông nói.

Trần Anh Dũng

Tin cùng chuyên mục