Lại chuyện tài sản “công” thành “tư”

Hợp tác-thua lỗ- bán tháo!

Hợp tác-thua lỗ- bán tháo!

Dãy nhà mặt tiền 3 tầng lầu với tổng diện tích 2.000m2 từ số 187A - 187H - 193 - 203 Trần Hưng Đạo, quận 1, là tài sản của nhà nước. Nhưng sau một vòng kinh doanh, nó đang biến thành tài sản tư với giá rẻ bèo. Năm 1999, khu đất trên được bán cho tư nhân với giá 587.000 USD (hơn 8 tỷ đồng), trong khi năm 1992 khu đất ấy được định giá là 1,2 triệu USD. Cách nào để “của hời” rơi vào tay tư nhân?

  • 5 năm, lỗ… 33 tỷ!
Hợp tác-thua lỗ- bán tháo! ảnh 1

Khách sạn Vạn Xuân (193- 203 Trần Hưng Đạo) giờ đã trở thành tòa nhà Vạn Thịnh Phát dùng cho thuê

Khu nhà đất trên là tài sản cố định của Công ty dịch vụ Thương mại TPHCM (CTDVTM TP) - trực thuộc Tổng Công ty thương mại Sài Gòn. Năm 1992, CTDVTM TP ký hợp đồng hợp tác với Công ty tư doanh Vạn Thịnh Phát (nay là CTTNHH) để góp vốn sửa chữa, cải tạo, kinh doanh khách sạn Vạn Xuân. Bên CTDVTM TP góp vốn bằng quyền sử dụng khu nhà nói trên với mức giá thống nhất là 1,2 triệu USD, bên CT Vạn Thịnh Phát góp vốn là 1,8 triệu USD. Trong 8 tháng - thời hạn ấn định để xây dựng, sửa chữa - phía bên Vạn Thịnh Phát phải bồi thường cho CTDVTM TP là 2.000USD/tháng, nếu thời gian kéo dài thì phải trả 12.000USD/tháng.

Thế nhưng đến năm 1995 việc thi công  mới hoàn thành. Trong quá trình sửa chữa, CT Vạn Thịnh Phát đã chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho CT.TNHH Minh Xương. Công ty này đã xin giảm tiền bồi thường sửa chữa từ 12.000USD xuống còn 2.000USD/tháng thì lập tức được giám đốc CTDVTM TP lúc đó là ông Đoàn Thế Minh “hào phóng” ký duyệt.

Đã thế, từ khi khai trương năm 1995 đến năm 1999, khách sạn Vạn Xuân đã kinh doanh thua lỗ kéo dài, ước tính trên 33 tỷ đồng. Nguyên nhân, theo báo cáo của Thanh tra TP, lúc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với CT Vạn Thịnh Phát quy định công ty phải hùn vốn 1,8 triệu USD nhưng thực tế tổng vốn điều lệ của công ty chỉ khoảng… 72.000USD!

Sau đó Vạn Thịnh Phát chuyển phần hùn của mình cho Công ty Minh Xương thì tổng vốn điều lệ của Công ty Minh Xương còn ít hơn, chỉ khoảng 24.000USD. Vì thế, các công ty này phải vay vốn đầu tư đến 43 tỷ đồng, dẫn đến số lãi phải trả quá lớn, làm tăng số lỗ của khách sạn. Ngoài ra trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng khách sạn còn một số vấn đề sai phạm khác như: tự ý chỉ định thầu xây dựng mà không qua đấu thầu; sử dụng hóa đơn không hợp lệ, hóa đơn giả, chi không có hóa đơn…

  • Áp giá của 10 năm trước !

Vì hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ, hai công ty đã ký hợp đồng thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh. Công ty DVTM TP ký tờ trình đề xuất Tổng Công ty thương mại Sài Gòn cho chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho Công ty Vạn Thịnh Phát với giá góp vốn ban đầu là 1,2 triệu USD. Nhưng tổng giám đốc không đồng ý với mức giá này vì đó là giá của  thời điểm 1992, nên đề xuất tổ chức đấu giá theo đúng quy định tại Điểm 2 Điều 18 Nghị định 59/CP ngày 3-10-1996 của Chính phủ.

Tổ chức đấu giá là đúng quy định của pháp luật và làm lợi cho nhà nước. Nhưng rồi chẳng hiểu vì sao đến tháng 12-1999, thành phố lại ký công văn cho phép bán chỉ định phần hùn của CT DVTM TP với giá chỉ có… 578.332USD (tương đương 8,2 tỷ đồng), chưa bằng một nửa giá mà CT DVTM TP đề xuất trước đây. Đã thế, đơn vị được mua là chính công ty đối tác đã cùng làm ăn thua lỗ trước đó. Mức giá áp để bán chỉ định lại là mức giá của hội đồng định giá tài sản liên doanh đã định từ năm 1991. Có nghĩa là, tài sản được chuyển nhượng vào năm 2000 mà lại áp mức giá từ trước đó chục năm!

  • Vì sao “của hời” rơi vào tay tư nhân?

Việc bán giá thấp, thậm chí chưa bằng nửa mức giá mà CT DVTM TP đề nghị bán và không tổ chức đấu giá theo quy định, làm thiệt hại tài sản nhà nước hàng chục tỷ đồng đã được Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đề nghị tạm ngưng. Ngày 22-2-2000, UBND TP đồng ý chuyển nhượng với mức giá trên. Sau đó, ngày 21-3-2000, UBND TP đã ký văn bản chỉ đạo tạm thời ngưng thực hiện các văn bản chuyển nhượng trước đó. Thế nhưng, trong thời gian này, ngày 8-3, hợp đồng chuyển nhượng đã được ký xong và dù ngày 17- 3 mới chuyển tiền thanh toán lần thứ nhất nhưng trước đó 2 ngày (ngày 15-3), CT DVTM TP đã bàn giao khách sạn Vạn Xuân cho Công ty Vạn Thịnh Phát rồi.

Sau khi Thanh tra TP vào cuộc làm rõ, UBNDTP đã cách chức giám đốc CT DVTM TP đối với ông Đoàn Thế Minh. Tuy nhiên, đến năm 2003, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng hợp đồng chuyển nhượng phần hùn đã được ký kết và thực hiện một cách hợp pháp, dù định giá bán tài sản quá thấp (căn cứ vào bản định giá trước đó hàng chục năm) và không tiến hành đấu giá theo đúng thủ tục lúc bấy giờ. Và chính văn bản này đã làm cơ sở pháp lý để “hợp pháp hóa” khối tài sản công thành tài sản tư với giá rẻ bèo! .

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục