Ngày 6-8 vừa qua, tại tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra Hội nghị Liên kết hợp tác thương mại giữa TPHCM và tỉnh Đồng Tháp. Gần 100 doanh nghiệp (DN) và đại diện các sở, ngành chức năng của 2 địa phương cùng tham dự. Đây là dịp để 2 bên cùng nhìn lại những kết quả đạt được, những khó khăn, thuận lợi sau hơn 1 năm triển khai Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và tỉnh Đồng Tháp.
Nhiều dự án hợp tác, đầu tư đi vào hoạt động
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, trong quá trình phát triển, TPHCM nhận thức sâu sắc quan điểm hợp tác toàn diện giữa thành phố và các địa phương trong cả nước là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển. Việc ký kết hợp tác thương mại vào ngày 12-12-2011, được tổ chức tại TPHCM là một phần trong các nội dung thỏa thuận hợp tác giữa TPHCM và tỉnh Đồng Tháp, cũng như giữa TPHCM và các tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam bộ đã có tác động tích cực trong việc kết nối để DN của các địa phương liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội trên từng địa phương, góp phần thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Tính đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện chương trình đã có 28 DN của TPHCM trực tiếp đầu tư vào các ngành tại tỉnh Đồng Tháp như: lương thực, thủy hải sản, giày da... Nhiều mặt hàng và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp như trái cây, rau củ quả, nem, bánh phồng tôm, bún gạo… đã tiếp cận các hệ thống phân phối lớn của TPHCM như Co.opMart, Big C, Maximark… Nếu chỉ tính riêng hệ thống Co.opMart, hiện Co.opMart đang liên kết khai thác nguồn hàng với hơn 10 DN, cơ sở sản xuất và hộ nông dân đối với các mặt hàng như trái cây, thực phẩm chế biến.
Bên cạnh đó, nhiều DN trong lĩnh vực bán lẻ của TPHCM đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể như Saigon Co.op đang xây dựng một siêu thị Co.opMart tại TP Cao Lãnh, dự kiến cuối năm 2013 sẽ khai trương. Đồng thời, Sagon Co.op cũng đã chọn được mặt bằng và đang hoàn tất thủ tục đầu tư một siêu thị khác tại thị xã Sa Đéc. Công ty Thương mại và Tư vấn đầu tư Việt Nam cũng đang đàm phán với địa phương để chọn địa điểm triển khai dự án xây dựng chuỗi trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh; Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Công ty TNHH MTV Thương mại Thời trang Việt Nam (Vinatex) cũng đang triển khai các bước cần thiết để đầu tư chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại Đồng Tháp.
Ký kết thêm các dự án mới
Phát biểu tại hội nghị, bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, Đồng Tháp có rất nhiều lợi thế trong việc cung ứng mặt hàng nông sản thiết yếu, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản nổi tiếng cho thị trường TP. Từ nội dung của các chương trình hợp tác giữa TPHCM và Đồng Tháp nói chung và triển khai các dự án hợp tác của Saigon Co.op và các đối tác, sản lượng hàng hoá từ Đồng Tháp được tiêu thụ tại hệ thống Co.opmart đã tăng trưởng mạnh ở mức 30%, trong đó sản lượng hàng hoá đạt hơn 500.000 tấn/năm, doanh thu đạt hơn 800 tỷ đồng/năm.
Để khai thác tốt tiềm năng, Saigon Co.op tiếp tục nâng tầm các dự án hợp tác ngày càng lớn mạnh, đồng thời không ngừng tìm kiếm các đối tác mới để đa dạng hoá nguồn hàng. Theo bà Hạnh Thu, tại hội nghị này, Saigon Co.op đã ký kết chiến lược với các công ty như Công ty CPTP Bích Chi trong việc cung ứng các sản phẩm được chế biến từ gạo lức; Công ty Sa Giang trong cung ứng bánh phồng tôm... Saigon Co.op cũng đang thẩm định lại các dự án liên kết 2 nhóm mặt hàng đặc sản là gạo Nút và khô cá lóc của 2 HTX An Thành và Tràm Chim.
Ông Trần Thành Nam, Phó Tổng giám đốc Satra cũng cho biết, đối với các tỉnh ĐBSCL thì Đồng Tháp là tỉnh được Satra chọn để đầu tư nhiều nhất. Hiện Satra đã đầu tư trên 100 tỷ đồng cho 2 nhà máy bóc vỏ lúa và lau bóng gạo. Dịp này, Satra cùng lãnh đạo của 15 DN thành viên tiếp tục ký kết với các đối tác tại Đồng Tháp để sản xuất và cung ứng hàng hóa cho tổng công ty. Ngược lại, Satra sẽ cung cấp các loại màng nhà kính, màng phủ nông nghiệp, màng lót hồ nuôi tôm, màng lót ruộng muối từ Công ty Bao bì Sài Gòn cho các DN và các nông ngư dân trên địa bàn của tỉnh Đồng Tháp.
Tại hội nghị lần này, Ngân hàng Sacombank cũng thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Công thương Đồng Tháp về việc cam kết đồng hành và tài trợ cho các chương trình đào tạo tiểu thương, ban quản lý chợ và Chương trình hỗ trợ cho vay ưu đãi vốn lưu động kinh doanh hàng hóa Tết Giáp Ngọ 2014 cho tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
THÚY HẢI - UYỂN CHI
Để chương trình hợp tác đạt hiệu quả cao, theo tôi, các ngành chức năng cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN kết nối giao thương, hình thành và phát triển chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất và phân phối hàng hóa. Đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ mặt bằng, thủ tục để các doanh nghiệp TPHCM có điều kiện đầu tư, hoàn thành nhanh dự án đưa vào khai thác sử dụng để có điều kiện khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ giải quyết đầu ra sản phẩm nông nghiệp. HẢI HÀ (ghi)
Liên kết, hợp tác với TPHCM luôn là chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo và DN Đồng Tháp. Chúng tôi xem đó cũng là một phương cách bổ sung cho nguồn nội lực, cho tư duy điều hành kinh tế của tỉnh, nói rộng ra là phương cách để giúp Đồng Tháp không còn “khuất nẻo”. UYỂN CHI (ghi) |