Hướng đến giá trị đích thực

Nếu chỉ xét trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, mỗi năm cả nước có tới hàng trăm giải thưởng lớn nhỏ, với mức trị giá vật chất của giải thưởng từ vài chục triệu đến trên trăm triệu đồng. Tuy nhiên vấn đề không nằm ở chỗ tiền thưởng mà là giá trị đích thực được thể hiện thông qua uy tín của giải thưởng và được công chúng thừa nhận, ngưỡng mộ.

Sắp tới sẽ diễn ra lễ trao giải điện ảnh “Cánh diều vàng - 2010” tại TPHCM (13-3-2011), nhưng xem ra còn phải soát xét nhiều việc để bảo đảm sự thành công và sự trong sáng trong công tác tổ chức, tiêu chí chấm giải, sự quảng bá và trình chiếu các tác phẩm dự giải đến công chúng, thậm chí quảng bá ra nước ngoài để tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu phim hay, phim tốt của Việt Nam trong tương lai...

Riêng vụ việc “đạo” phim đã bị dư luận lên tiếng chỉ trích gay gắt thì hội đồng nghệ thuật, các cơ quan chức năng vừa nhập cuộc, thẩm định và đưa ra kết luận cuối cùng: loại bộ phim Giao lộ định mệnh ra khỏi danh sách dự giải “Cánh diều vàng”. Đây là một quyết định kịp thời và đúng đắn, thể hiện trách nhiệm của Ban tổ chức giải và của Hội đồng nghệ thuật để giữ vững kỷ cương và sự công minh của cuộc tranh tài, cũng như để khích lệ những tác phẩm điện ảnh có giá trị đích thực, mang lại hiệu quả xã hội tích cực. Việc làm này chính là sự thể hiện tâm thế của Hội Điện ảnh Việt Nam, của Ban tổ chức giải vì một nền điện ảnh dân tộc, đề cao tính sáng tạo để góp phần triển khai chiến lược chấn hưng điện ảnh nước nhà.

Ở nước ngoài, những phim đoạt giải thường là những tác phẩm thuộc loại đình đám hoặc bom tấn. Vì vậy khi được công bố, dư luận đồng tình ngay, hoặc chí ít cũng cảm thấy xứng đáng. Và, hầu hết những phim đoạt giải quốc gia ở nước ngoài đều xuất khẩu được, nếu không muốn nói luôn ăn khách ở khu vực hoặc thế giới. Nước ta cũng có một nền điện ảnh đáng tự hào, tuy cơ sở vật chất còn non kém, lạc hậu, nhưng bù lại có đội ngũ những nhà biên kịch, đạo diễn và diễn viên dễ nhập cuộc, có ý tưởng hay và luôn đổi mới. Như vậy, chuyện “đạo” phim đã gây bức xúc, phản ứng trong dư luận là điều dễ hiểu.

Cũng giống như một thời rộ lên chuyện “đạo” nhạc, “nhái” nhạc, “copy” nhạc nước ngoài và xâm phạm bản quyền trong nước lẫn nhau, nhưng khi hội nghề nghiệp đứng ra thẩm định và phân xử công tâm thì mọi chuyện được giải quyết khá tốt đẹp và bớt hẳn tình trạng lặp lại vết xe đổ. Rút kinh nghiệm cho mai sau là ở chỗ chúng ta dám dũng cảm nói thẳng sự thật. Nếu là loại phim làm lại thì công bố rõ, hoặc làm phỏng theo hay dựa theo kịch bản nào đó của một phim khác cũng nói công khai, minh bạch và như vậy mới trở thành chuyện bình thường.

Một vị đạo diễn đã ví von: “Bản chất kẻ làm hàng nhái là nhái, họ không nhái trước thì nhái sau”. Như vậy, lòng tự trọng và đạo đức của mỗi con người là yếu tố tối quan trọng trong hành xử nghề nghiệp cũng như đối nhân xử thế.

Trở lại giải Cánh diều vàng, nhìn chung cũng cần khẳng định đây là một giải có uy tín và ngày càng được dư luận xã hội quan tâm. Các nhà sản xuất điện ảnh cũng rất coi trọng giải thưởng này nên phim nào được đưa vào danh sách xét giải đều mang lại vinh dự cho nhà sản xuất và cả ê-kíp làm phim ấy, đến khi đoạt giải niềm tự hào còn nhân lên gấp bội. Nay vụ lùm xùm trước thềm lễ trao giải đã được giải quyết và phân định trắng đen thỏa đáng càng làm giá trị của một giải thưởng đang tiến đến hàng danh giá tăng thêm giá trị đích thực.

Xuân Thái

Tin cùng chuyên mục