Hôm nay 25-11, tại Vĩnh Long, Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC - Vĩnh Long 2013) chính thức khai mạc. Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL không ngừng đẩy mạnh liên kết cùng phát triển thông qua MDEC được tổ chức hàng năm. Với chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”, mục đích của MDEC - Vĩnh Long 2013 là nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng xanh. Với ĐBSCL, kinh tế xanh sẽ mang lại các lợi ích thiết thực trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường thông qua việc triển khai các công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, thân thiện với môi trường, gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
MDEC là hoạt động liên kết mở, nhằm tăng tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng; hợp tác và liên kết giữa vùng với các bộ, ngành; hợp tác và liên kết giữa vùng với các địa phương ở trong nước; liên kết giữa vùng với các tổ chức quốc tế và các nước, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, phát huy tiềm năng, kinh tế to lớn của vùng ĐBSCL.
Đến nay, trải qua 6 lần tổ chức, với 6 chủ đề khác nhau, MDEC đã diễn ra rất thành công, tạo được dấu ấn và thế mạnh riêng so với các chương trình hội nghị, hội thảo khác về các vấn đề của ĐBSCL. MDEC đã không chỉ là “diễn đàn” để bàn thảo, mà quan trọng hơn là biến các sáng kiến, đề xuất đã được Chính phủ phê duyệt thành quyết tâm chính trị của cả vùng và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu của cả nước. Do đó, phát triển kinh tế xanh là cách để đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng chính là mục tiêu chung mà vùng ĐBSCL cần hướng đến. Cùng với việc đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến đầu tư, thực hiện công tác an sinh xã hội, MDEC - Vĩnh Long 2013 tập trung bàn những giải pháp thích hợp để khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế của vùng; đồng thời chú trọng việc tìm hiểu cơ chế, chính sách kinh tế của các nước có nền kinh tế phát triển mạnh trên thế giới, nghiên cứu, tập hợp những sáng kiến, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế, chính sách phù hợp để từng bước ứng dụng vào nền kinh tế, sản xuất và đời sống của nhân dân vùng ĐBSCL.
Để triển khai ý tưởng đó, tại MDEC - Vĩnh Long 2013 sẽ diễn ra triển lãm, hội chợ “Tuần lễ môi trường xanh - công nghệ xanh - phát triển bền vững kinh tế xanh”; hội thảo về liên kết phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh; hội thảo phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh vùng ĐBSCL nhằm từng bước nhân rộng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp công nghệ cao; giới thiệu về chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực như: lúa gạo, trái cây, cá tra, tôm, mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết; chương trình an sinh xã hội vùng ĐBSCL kết hợp khai mạc Diễn đàn Hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư năm 2013; hội nghị trao đổi giữa UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TPHCM…
Từ các hoạt động trên, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ, lãnh đạo TPHCM và các doanh nghiệp sẽ thấy rõ hơn những vướng mắc, khó khăn chung, nhằm tìm ra những giải pháp tháo gỡ, hợp tác, liên kết vùng, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các địa phương. Từ các hoạt động đó, Ban Chỉ đạo MDEC - Vĩnh Long 2013 sẽ đưa ra Tuyên bố chung; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan trung ương những vấn đề bức thiết nhất, nhằm bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho vùng ĐBSCL phát triển bền vững.
TRẦN MINH TRƯỜNG