Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình xác định tầm nhìn đến 2030 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chương trình này hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực tiến ra thế giới, với một số chỉ số cơ bản cụ thể. Các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 của chương trình là: 80% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% số hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% số hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Trong 2 thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, số lượng người kết nối internet khắp thế giới đã tăng từ 350 triệu lên hơn 4 tỷ. Cũng trong khoảng thời gian đó, số lượng người sử dụng điện thoại di động tăng từ 750 triệu lên trên 5 tỷ người. Cùng với xu hướng vạn vật đều kết nối mạng, hơn 90% số dữ liệu của nhân loại được tạo ra trong vòng 2 năm trở lại đây. Tốc độ số hóa và cách tân công nghệ mở ra triển vọng mới, mô hình kinh doanh mới, tạo giá trị mới. Chuyển đổi số giúp tăng mạnh năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế mới. Theo ước tính, chỉ riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự đoán năm 2021, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp khoảng 25%-60% GDP; chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động 15%-21% và làm thay đổi 85% công việc trong khu vực. Cũng như các quốc gia khác, chuyển đổi số giúp Chính phủ Việt Nam hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn, hạn chế tham nhũng, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng về thu nhập, đào tạo và tiếp cận dịch vụ xã hội.
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, quá trình đổi mới đã giúp đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, Việt Nam vẫn là nước có mức thu nhập trung bình, mức độ cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Năng suất lao động của người Việt Nam còn rất thấp, ngay cả so với các nước trong khu vực. Với hiện trạng và bối cảnh thế giới như trên, chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển.
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn; là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp chúng ta dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Đặc biệt, cần phải đặt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, bởi mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số chính là để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất và nâng cao vai trò, tính hiệu quả, minh bạch trong quản lý, điều hành của Nhà nước.