Năm 2003 xuất khẩu rau quả của nước ta mới chỉ khoảng 151,5 triệu USD, đến năm 2013 đạt mốc 1,07 tỷ USD, thì năm 2018 đạt kỷ lục: 3,8 tỷ USD. Có được kết quả này là do chúng ta đã đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường lớn và xác định rõ những loại cây có thế mạnh để đầu tư. Nếu như năm 2004, chúng ta mới chỉ có 13 thị trường xuất khẩu rau quả có giá trị trên 1 triệu USD, thì đến năm 2018 chúng ta đã xuất sang 55 thị trường, trong đó có 13 thị trường xuất khẩu lớn có giá trị trên 25 triệu USD. Ngoài Trung Quốc là thị trường lớn nhất, nhiều loại rau quả nước ta đã xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Australia, Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất...
Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu rau quả cũng có nhiều điểm sáng tối đan xen. Tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức vào cuối tuần qua, Bộ NN-PTNT cho biết, mặt hàng rau quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 584 triệu USD, giảm tới 9,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc đã giảm nhập khẩu rau quả của Việt Nam khoảng 12,7% về giá trị so với cùng kỳ.
Hiện Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch đối với 8 loại trái cây tươi của Việt Nam (gồm: thanh long, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chuối, mít), kèm theo yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia… cũng yêu cầu nhiều điều kiện khắt khe, trong đó có yêu cầu trái cây tươi phải được xử lý hơi nước nóng và chiếu xạ, trước khi xuất khẩu. Những vấn đề này làm tăng giá thành sản phẩm và nguy cơ đánh mất thị trường nếu chúng ta không nỗ lực chuyển bộ.
Bộ NN-PTNT cho biết, sẽ xây dựng đề án, kế hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực. Mỗi tỉnh chọn một số loại cây ăn quả chủ lực nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn đầu tư cơ sở hạ tầng. Cùng với đó nhanh chóng liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu trái cây. Trước mắt, thực hiện liên kết, sản xuất 5 loại cây ăn quả chủ lực là “thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn”. Đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, đến năm 2020 đạt 30% - 35%; năm 2025 đạt khoảng 50% - 55% và năm 2030 đạt 100% tại các vùng sản xuất tập trung; từ đó giảm dần việc tiêu thụ sản phẩm thông qua thương lái. Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ tích cực đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu; chỉ đạo các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh hoạt động kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng tiêu thụ rau quả.
Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm để có mức giá cả cạnh tranh tại các thị trường truyền thống, từ đó, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi đầu tư vào chế biến, đây là giải pháp giúp ổn định hàng hóa, có quanh năm và bán được giá trị hàng hóa cao hơn. Các doanh nghiệp cũng đề xuất ngành chức năng tiếp tục tiếp tục đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, ký kết các hiệp định kiểm dịch thực vật đối với các nước, các thị trường lớn có khả năng nhập khẩu rau quả Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp về chế biến sâu các sản phẩm rau quả, gia tăng giá trị sản xuất, đồng thời tránh các hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm tươi sống. Tiến hành xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền cho các loại trái cây đặc sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, có chính sách tích tụ ruộng đất xây dựng vùng sản xuất rau quả tập trung, chuyên canh lớn; xây dựng cơ chế thành lập doanh nghiệp cổ phần kinh doanh nông nghiệp, trong đó nông dân đóng góp đất đai, sức lao động; doanh nghiệp đóng góp vốn, vật tư, quy trình sản xuất...
Thuận lợi, khó khăn và giải pháp nêu trên nếu được quyết liệt tổ chức thực hiện kịp thời, thì ngành rau quả mới có thể phát triển bền vững, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4,5 tỷ USD vào năm 2020 như mục tiêu đề ra.