Hướng mở cho cửa ngõ Tây Bắc TPHCM

Cửa ngõ Tây Bắc TPHCM là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối TPHCM với nhiều tỉnh thành như Long An, Tây Ninh, Bình Dương và nước bạn Campuchia, cũng là con đường quan trọng để người dân nhiều quận, huyện ngoại thành đi vào trung tâm TP. Thời gian qua, cửa ngõ này thường xuyên quá tải, ùn ứ. Mới đây, cơ quan chức năng đã đưa ra một loạt giải pháp để “giải cứu” con đường độc đạo này.
Hướng mở cho cửa ngõ Tây Bắc TPHCM

Cửa ngõ Tây Bắc TPHCM là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối TPHCM với nhiều tỉnh thành như Long An, Tây Ninh, Bình Dương và nước bạn Campuchia, cũng là con đường quan trọng để người dân nhiều quận, huyện ngoại thành đi vào trung tâm TP. Thời gian qua, cửa ngõ này thường xuyên quá tải, ùn ứ. Mới đây, cơ quan chức năng đã đưa ra một loạt giải pháp để “giải cứu” con đường độc đạo này.

Con đường “độc đạo”

Theo định hướng quy hoạch phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050, TP sẽ mở rộng theo 4  hướng. Ban đầu, phát triển về hướng Tây Bắc chỉ là hướng phụ, nhưng hiện nay, sau khi quy hoạch hướng Đông và Nam gần như hoàn chỉnh và do hướng Tây Bắc có vị trí thuận lợi, dễ dàng tiếp cận với các tỉnh lân cận nên việc quy hoạch và xây dựng khu đô thị vệ tinh Tây Bắc đang được chính quyền TP quan tâm. Tuy nhiên, giao thông đang là bài toán nan giải. Khu đô thị vệ tinh Tây Bắc có diện tích hơn 9.000ha với sức chứa 320.000 dân, thuộc địa bàn các huyện Củ Chi và Hóc Môn, cách trung tâm TPHCM khoảng 30km. Khu đô thị vệ tinh này không chỉ giúp TP giãn dân mà còn là một cực tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, có một thực tế là việc phát triển khu đô thị Tây Bắc chưa được hiện thực hóa, nguyên nhân chính là do hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm TP đến khu đô thị mới chưa được thông thoáng, chỉ 30km nhưng thời gian di chuyển phải mất 2 tiếng, điều này ít nhiều làm nản lòng các nhà đầu tư.

Đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM thường ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm
Ảnh: THÀNH TÂM

Hiện chỉ có duy nhất đường Trường Chinh nối từ trung tâm TP đến khu đô thị Tây Bắc cũng như kết nối với tỉnh Tây Ninh, một số huyện của Long An, Bình Dương và nước bạn Campuchia. Sau khi TP làm 2 cây cầu vượt ở Lăng Cha Cả và nút giao Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa vào năm 2013, thời gian đầu tình hình được cải thiện rõ rệt, nhưng sau đó tình trạng ùn tắc xuất hiện trở lại. Do con đường có tính “độc đạo” nên chỉ cần xảy ra một sự cố là giao thông dễ dàng tê liệt. Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, cho rằng chính quyền TP đã rất nỗ lực khi nâng cấp mở rộng đường Trường Chinh nhưng lưu lượng giao thông từ hướng Tây Bắc vào trung tâm TP và chiều ngược lại quá cao nên việc nâng cấp con đường không theo kịp sự phát triển là điều dễ hiểu. Ngoài ra, “mũi tàu” Trường Chinh - Cộng Hòa bị tình trạng “thắt cổ chai”, tình trạng tắc nghẽn càng trở nên trầm trọng hơn.

Sẽ mở thêm đường, thêm hầm chui

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, hàng loạt dự án đang được triển khai nhằm mở rộng, kết nối giao thông tại các cửa ngõ TP với nội đô, trong đó có cửa ngõ Tây Bắc. Cụ thể, TP đã phê duyệt dự án hầm chui An Sương với số vốn 514 tỷ đồng, kỳ vọng sẽ giải quyết ùn tắc ở khu vực nút giao An Sương; đồng thời, nâng cao năng lực lưu thông trên trục quốc lộ 1A, quốc lộ 22, đường Trường Chinh… qua khu vực nút giao này. Dự án gồm hầm chui đôi theo hướng Trường Chinh - quốc lộ 22, mỗi hướng một hầm rộng 9m (2 làn xe), tổng chiều dài 2 hầm khoảng 850m. Công trình do Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2018. Theo kế hoạch, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (giai đoạn 1) đến năm 2019, giai đoạn 1 của tuyến metro này sẽ đưa vào vận hành. Đây là một trong những dự án giao thông được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải cho cửa ngõ Tây Bắc, tạo thông thoáng đi vào các quận nội thành.

Nhiều cửa hiệu buôn bán ven khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất (dọc đường Trường Chinh) đang được giải tỏa để tạo thông thoáng cho đường Trường Chinh.

Đặc biệt những ngày gần đây, nhiều cửa hiệu bán chim cảnh, cây kiểng dọc đường Trường Chinh (dọc theo tường rào sân bay Tân Sơn Nhất, đoạn từ “mũi tàu” Cộng Hòa đến đường Phạm Văn Bạch) đang được giải tỏa, người dân kỳ vọng sẽ tạo thêm thông thoáng cho trục đường này trong thời gian tới. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thông tin tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ cho biết, bộ sẽ giao trên 20ha tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để phục vụ phát triển kinh tế và sẽ tiếp tục giao 20ha nữa trong thời gian tới.

Tại cuộc họp với các thành viên tổ công tác liên ngành nâng cao chất lượng dịch vụ tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TIA), đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết đã làm việc với Sư đoàn 370, đề nghị được bàn giao hệ thống đường kết nối sân bay (từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch) tạo một trục đường chạy song song với Cộng Hòa, nhằm giảm áp lực cho khu vực Lăng Cha Cả và đường Cộng Hòa. Sở đang củng cố các vấn đề pháp lý nhằm tham mưu UBND TP báo cáo Bộ Quốc phòng, xin chủ trương để TP quản lý phần đường này. Bên cạnh đó, theo ý kiến nhiều chuyên gia, dự án đầu tư mở rộng đường Tân Sơn, Phạm Văn Bạch (nối vào đường Trường Chinh) để vào Trung tâm hội nghị Tân Sơn Nhất cũng đang triển khai, nếu tuyến đường này được đấu nối vào đường Trường Sơn để thông ra đường Phạm Văn Đồng, chắc chắn sẽ giải tỏa một lượng lớn phương tiện giao thông trên đường Cộng Hòa. Tại “mũi tàu” Cộng Hòa - Trường Chinh, trong giai đoạn trước mắt, nếu đầu tư tại đây một cầu vượt bằng thép tạo sự liên thông tại nút giao thông này cũng sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc đáng kể. Trước đó, việc phân luồng tại giao lộ Ấp Bắc - Cộng Hòa và Tân Kỳ Tân Quý - Cộng Hòa vào giờ cao điểm cũng đã phát huy tác dụng, giúp giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.

Về lâu dài, theo chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa, chính quyền TP cần phải quy hoạch lại các cơ sở dịch vụ, trung tâm thương mại một cách có hệ thống hơn bằng cách dàn trải tại nhiều khu dân cư khác nhau hoặc hạn chế xây dựng nhiều khu thương mại, cơ sở dịch vụ tập trung tại một khu vực. Nếu như các khu vực Củ Chi, Bình Tân, Tân Phú có các rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, bệnh viện chất lượng cao sẽ giảm thiểu việc người dân đổ vào khu vực Tân Bình hoặc trung tâm TP vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần. Biện pháp di dời Khu công nghiệp Tân Bình cũng được các chuyên gia đề cập.

Đỗ Trà Giang

Tin cùng chuyên mục