Trải qua 16 năm, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã hội tụ đủ các mô hình mà các nhà nghiên cứu kinh tế đã vạch ra. Đã có 4 khu kinh tế mở ra tại đây, mà trọng yếu là khu kinh tế Dung Quất, với nhà máy lọc dầu vừa khánh thành, nhằm phát triển chiến lược công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nặng. Đã có 3 cảng biển nước sâu được thiết lập là Dung Quất, Chân Mây và Nhơn Hội, hứa hẹn thu hút đầu tư của Trung ương và các nhà đầu tư về hạ tầng dịch vụ cảng biển, đóng tàu, vận tải biển.
Ba địa phương liền kề có 7 di sản văn hóa là Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cũng đã quy hoạch, kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án khu du lịch biển và khai thác bất động sản du lịch. Các tour du lịch văn hóa di sản, lễ hội… Từ chỗ chỉ thu hút đầu tư vài chục triệu USD trong những năm 90, nay toàn vùng đã có hàng trăm dự án với nguồn vốn hàng chục tỷ USD, tăng gần 1.000 lần.
Tuy nhiên, nhìn vào bối cảnh các tỉnh thành hiện nay, dễ dàng nhận ra một điểm quan trọng: tính liên kết trong xây dựng thế phát triển chung cả vùng vẫn chưa có. Tại hội thảo xúc tiến đầu tư vào miền Trung diễn ra mùa hè năm 2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã lên tiếng yêu cầu 5 tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm chú ý hơn về khả năng liên kết, để khai thác các thế mạnh riêng hiệu quả hơn và xâu chuỗi thành nội lực mạnh mẽ cho cả vùng.
Chỉ đơn cử kinh tế biển, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, hệ thống các cảng biển đã có sự bất cập về phân cấp vai trò, phạm vi nhiệm vụ. Với chiều dài bờ biển chưa đến 500km, vùng đã quy hoạch đến 3 cảng biển nước sâu và 5 cảng biển quy mô quốc tế.
Mỗi tỉnh thành trong vùng kinh tế đều có lợi thế riêng. Nếu có thể liên kết để lợi thế của mỗi tỉnh được phát huy, rõ ràng sức mạnh chung sẽ nhân lên. Đà Nẵng – Huế có thể cùng cộng hưởng về năng lực đào tạo nhân lực trình độ cao bởi 2 đô thị này hội tụ nhiều cơ sở đào tạo chất lượng. Huế - Quảng Nam có thể tìm tiếng nói chung về văn hóa di sản để khai thác kinh tế du lịch. Quảng Nam – Quảng Ngãi với 2 khu kinh tế công nghiệp mạnh, nếu đấu nối giữa Chu Lai – Dung Quất – Nhơn Hội (Bình Định) sẽ hình thành chuỗi cung ứng năng lực tốt, thỏa mãn các yêu cầu đầu tư quy mô. Vậy mà dù nhiều lần đàm phán liên kết, có cả sự góp sức xâu chuỗi của Trung ương, sức mạnh này của các địa phương vẫn chưa hề được thiết lập.
Bởi sự chia lẻ sức mạnh ấy, mỗi địa phương trong vùng chưa thể có được sức mạnh đột phá. Điểm lại những thế mạnh kinh tế của 5 tỉnh thành, ai cũng nhận thấy có sự trùng lắp trong định hướng.
Điển hình, Đà Nẵng đang từ định hướng công nghiệp với mô hình kinh tế cảng biển, thời gian gần đây đổi sang thế mạnh du lịch, vô hình chung đẩy một loạt các dự án đầu tư về kho vận, sản xuất công nghiệp xuất khẩu mời gọi từ lâu vào thế “lửng lơ”. Lợi thế nhìn thấy rất rõ của thành phố này là khai thác dịch vụ hậu cần cảng biển, thương mại dịch vụ xuất khẩu, giao thương Bắc - Nam… đến nay vẫn chưa được đầu tư mạnh. Ông Phạm Kiều Đa, nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp Đà Nẵng tâm sự, Đà Nẵng chưa khai thác tốt khả năng phát triển các dịch vụ sau cảng biển như logistics, sản xuất bao bì chất lượng cao nên cơ hội khai thác kinh tế cảng biển bị hạn chế. Đến nay, với vị trí điểm cuối hành lang kinh tế Đông Tây, thành phố này phải chăng cần xem lại định hướng đó, mới mong tạo đột phá vững chắc thay vì trùng lắp về hướng phát triển du lịch với Huế và Quảng Nam.
Các tỉnh thành trong vùng như Quảng Ngãi, Quảng Nam rõ ràng cũng vấp phải thực trạng này, khi nhìn nhận đồng đều các lợi thế, tiềm năng có sẵn mà chưa phân lọc chính xác hướng đầu tư cho mình. Với tổng dân số chưa vượt quá 7 triệu người, trong đó chủ yếu là dân vùng nông thôn, thu nhập còn hạn chế, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung rõ ràng không có những lợi thế về thị trường tiêu dùng, đầu tư tài chính… Hướng nhìn về khai thác kinh tế biển, từ giao thương qua cảng biển đến du lịch vùng là lựa chọn thiết thực với vùng kinh tế này. Tìm hướng đột phá kinh tế cho các tỉnh thành tại đây, tất yếu phải tính đến lựa chọn đó!
THANH NGUYÊN