Hương sắc Khmer trong lòng dân tộc

Trong dịp về chúc Tết Chôl Chnam Thmây đồng bào Khmer các tỉnh Tây Nam bộ (6-4-2010), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định đồng bào Khmer Nam bộ là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Đồng bào Khmer Nam bộ hiện có khoảng 1,3 triệu người, đứng thứ 2 ở khu vực Nam bộ (sau người Kinh), được phân bố trong 13 tỉnh thành Nam bộ nhưng bà con Khmer sống tập trung đông nhất ở 3 tỉnh Trà Vinh (khoảng 30% dân số), Sóc Trăng (khoảng 29% dân số), Kiên Giang (khoảng 13% dân số). Hầu hết đồng bào Khmer theo hệ phái Phật giáo Nam tông. Chùa Khmer có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục… của người Khmer Nam bộ. Toàn vùng có 439 chùa, sư sãi khoảng 9.000 vị.

Đồng bào Khmer có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời với các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, có nhiều đóng góp công sức, xương máu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Toàn vùng hiện có 92 mẹ Việt Nam anh hùng, 11 Anh hùng LLVTND, 2.863 liệt sĩ, 1.029 thương binh và hàng chục ngàn gia đình Khmer có công với nước.

Hiển hiện trong mỗi phum sóc, mỗi ngôi chùa Khmer là một nền tảng văn hóa đầy bản sắc, độc đáo, đóng góp không nhỏ vào sự đa dạng, phong phú, đặc sắc của văn hóa ĐBSCL nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung. Bản sắc đó vẫn tồn tại và không ngừng chảy qua những chứng tích trên sách lá buông (sa tra), trên giấy xếp (Kơ răng) hoặc trên những tấm da thô. Và trong kiến trúc mỗi ngôi chùa, những họa tiết hoa văn vô cùng khéo léo; trong lời đối đáp Aday tình tứ; trong điệu múa dân gian Lămvong hoặc Rô băm, Du kê vừa say đắm lòng người vừa nồng ấm nhân văn… 

Đảng - Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về kinh tế - văn hóa - xã hội (Chương trình 134 và 135…) với mục tiêu nhất quán: Không ngừng nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào Khmer.

Cùng với những chính sách chung, Ban Bí thư TƯ Đảng đã ra chỉ thị số 68-CT/TW (18-4-1991) về công tác dân tộc ở vùng đồng bào Khmer, trong đó xác định 3 vấn đề lớn:

Một, phải đặc biệt quan tâm chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, giúp đồng bào Khmer hội nhập với sự phát triển chung của khu vực và cả nước.

Hai, tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào; bảo vệ chùa chiền, sư sãi, phong tục tập quán của đồng bào Khmer; tạo điều kiện cho các sinh hoạt của Phật giáo Nam tông được diễn ra thuận lợi; bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa, những giá trị truyền thống tốt đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ba, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc chống phá cách mạng.

Với nhiều nguồn vốn, thời gian qua, các tỉnh ĐBSCL đã đầu tư trên 2.000 tỷ đồng cho đồng bào các dân tộc xóa đói giảm nghèo, bình quân mỗi năm đầu tư 200 tỷ đồng. Chương trình 135, giai đoạn 1 đầu tư cho 207 xã đặc biệt khó khăn và 44 trung tâm cụm xã. Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư 181 xã và 162 ấp. Bằng sự nỗ lực của mình và góp sức của cả cộng đồng nhiều gia đình, nhiều khu dân cư có đông bà con Khmer sinh sống đã đủ điều kiện ra khỏi các hộ, các xã đặc biệt khó khăn. Với Chương trình 134, trên 90.000 hộ nghèo là người Khmer được hỗ trợ nhà ở, chiếm 38,65% số hộ Khmer. 5.235 hộ được hỗ trợ đất ở, 26.000 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt... Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội đất nước, bà con Khmer Nam bộ đang nỗ lực hết mình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

ANH TÚ

Tin cùng chuyên mục