
Chung kết cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” sẽ diễn ra từ 11-12 đến 21-12-2007 tại Festival hoa Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trong số 52 thí sinh đua sắc đua tài, nhiều cô gái các dân tộc thiểu số vượt trội và có khả năng đoạt giải cao.

Thí sinh dân tộc Hoa trong phần thi trang phục các dân tộc
Sau bức màn sân khấu cuộc thi ở vòng sơ kết, bán kết, nhiều thành viên của Ban tổ chức đã không cầm được những giọt nước mắt hạnh phúc khi cô gái 19 tuổi Đinh Thị Hoa Mơ, dân tộc Chứt (còn gọi là dân tộc Rục hay Arem) - một tộc người chỉ còn rất ít (khoảng 4.000 người), đang có nguy cơ “tuyệt chủng” vì kinh tế khó khăn, cư trú chủ yếu tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình - được vào vòng chung kết.
Hoa Mơ hiện là sinh viên Trường Cao đẳng dạy nghề Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc). Mơ cũng như một số cô gái dân tộc thiểu số khác, lúc đầu thật khó khăn khi tiếp xúc, thuyết phục cô đi dự thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam”. Cô chỉ nói gọn một câu: “Thôi, thấy sao kỳ cục lắm”.
Đạo diễn Bùi Quốc Bảo cho biết cũng như Hoa Mơ, nhiều gia đình từ chối cho con em mình “khoe người” trên sân khấu nhưng khi hiểu được ý nghĩa tôn vinh người phụ nữ Việt Nam tài, đức và xinh đẹp, nhằm mục đích giao lưu và giới thiệu văn hóa dân tộc thì họ đã xuôi lòng.
Ở miệt rừng núi, vùng sâu vùng xa, các cô ít biết trình diễn trên sân khấu là gì, mặc đồ tắm trước đông người lại càng khó chịu, không ưa. Những đạo diễn chuyên nghiệp người Kinh và người dân tộc vào cuộc, giúp các cô gái quen dần và khi đã nhập vai thì thật ngạc nhiên, các em “mạnh mẽ” như Tây Nguyên hùng vĩ và thanh thoát, xinh đẹp như những bông hoa rừng. Đó là Dagout Brin (dân tộc K’Ho), Ka Hoa (Mạ), Kpă H’Min (Ja Rai), Châu Nữ Bích Liên (Chăm), Phan Thị Thanh Phương (Châu Ro), Bùi Thị Thu Ngọc (Mường), Đàm Thị Mỹ Trang (Tày) v.v...

Các thí sinh trong phần thi trang phục áo tắm. Ảnh: THÙY DƯƠNG
Vào vòng chung kết, thí sinh Trương Thị May (dân tộc Khmer, sinh viên dự bị ĐH, 19 tuổi, cao 1,70m) là một cô gái ăn chay từ nhỏ, thông minh, thích nghe nhạc, đọc sách, tỏ ra rất tự tin sẽ đoạt giải cao.
Nông Thị Thơ (dân tộc Nùng) rất cố gắng và có triển vọng, hay Lâm Bảo Trân (dân tộc Hoa, sinh viên Cao đẳng Sân khấu điện ảnh) 23 tuổi, cao 1,71m, thể hiện kiến thức và năng khiếu một cách thuyết phục.
Nét đẹp chung nhất có thể cảm nhận được qua cuộc thi này là tất cả thi sinh đều thể hiện rõ niềm vui được giao lưu, học hỏi, bày tỏ tình đoàn kết giữa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Sau bức màn nhung ở khu vực phía Bắc, các thành viên Ban tổ chức đã phải trèo đèo, vượt suối để có được 17 gương mặt đại diện 12 dân tộc vào chung kết ở Đà Lạt, đa số là những thí sinh người dân tộc thiểu số ở những vùng xa xôi của tỉnh Sơn La, Hà Giang, Bắc Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Ninh Bình như: Lò Thị Hà (dân tộc Thái), Vương Thị Hoa (La Chí), Trịnh Thị Hương (Dao Thanh Phán), Nguyễn Thị Hương (Giấy), Lò Thị Ken (Lô Lô)…
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng có 17 thí sinh thuộc 10 dân tộc thiểu số hiện diện, trong đó có H’Djuih Ê Ban (dân tộc Ê-đê), Hầu Thị Hải (Sán chỉ), Doãn Thị Thanh Hoa (K’tu), Ka Hương (Mạ), Kra Jan Jut Jui (K’ho), Hồ Thị Giang Lễ (Ba Na), Siu Ngơi (Gia Rai), H’Nghick Dơng Jki (M’nông, H’Thông (Lào)...
Nguyên Chương
Khi được hỏi về cảm nghĩ khi tham dự cuộc thi, các thí sinh đều bày tỏ mong muốn xây dựng nhịp cầu nối văn hóa và tạo tình đoàn kết giữa các dân tộc, giới thiệu nền văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Hoạt động này cũng chính là điểm nhấn quan trọng của Festival hoa Đà Lạt 2007, là cơ hội để cảm nhận tài ứng xử, năng khiếu qua những làn điệu hát múa, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, cưỡi ngựa, leo núi… của thiếu nữ các dân tộc thiểu số. |