Trải qua bao mùa dãi dầu mưa nắng như canh tác, thử nghiệm, nghiên cứu..., hạt gạo “sạch” đúng nghĩa, chính thức đến tay người nội trợ với các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, HACCP.
Trên con đường liên xã trải nhựa thông thoáng, nhà cửa khang trang, lợp ngói đỏ au ẩn hiện dưới những hàng cây trái xanh rì. Hình ảnh của một vùng nông thôn mới đang hình thành. Bà con đang xuôi ngược tấp nập, vội vã tấp xe vào lề đường mặc áo mưa.
Tôi tranh thủ hỏi chuyện hai phụ nữ chở nhau trên chiếc xe máy dừng lại gần bên, bà cho biết là hôm nay nhờ con gái chở đến trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến xã Mỹ Lộc để lãnh tiền bán lúa. Bà hân hoan cho biết thêm đây là mô hình canh tác lúa sạch đầu tiên và rất hiệu quả tại huyện Tam Bình. “Làm lúa sạch có khác với cách canh tác lúa truyền thống từ nào giờ” - Nghe tôi thắc mắc hỏi, bà cười ngất, trả lời: “Việc này, anh nên gặp Ban Quản trị HTX, họ trả lời rõ ràng hơn”.
Trụ sở HTX Nông nghiệp Tân Tiến (HTX sản xuất gạo sạch xã Mỹ Lộc) hôm nay khá nhộn nhịp, trên gương mặt ai cũng lộ rõ nét tươi vui. Bà con nông dân nói cười vui vẻ, họ trao đổi nhau về những điều vừa mới biết, vừa mới làm và cũng vừa đạt kết quả quá hay, quá bất ngờ. Mà cụ thể trong vụ lúa vừa mới gặt xong, họ nhận về thành quả lao động xứng đáng mà họ đã bỏ công sức hơn 3 tháng trời nhọc nhằn canh tác trên cánh đồng lúa sạch.
Vụ mùa nay đã thu hoạch, kết quả ngọt ngào hơn nhiều so với những vụ lúa truyền thống năm xưa. Bởi vậy ai cũng mừng vui vì sẽ bỏ túi một số tiền kha khá, có người được đến bảy tám chục triệu đồng. Số tiền bán lúa mà trước kia nằm mơ họ cũng không thấy được.
Hồi tưởng lại vụ hè thu năm 2016. Anh Cường, thường trực trong Ban quản trị HTX Nông nghiệp Tân Tiến xã Mỹ Lộc, vẫn không giấu được nỗi lo khi đó: “Lần đầu tiên triển khai cho nông dân cách canh tác lúa theo phương thức hoàn toàn mới, hầu hết bà con đều bỡ ngỡ, lạ lẫm bởi vì xưa nay họ làm ruộng và chăm sóc theo tập quán, thói quen lâu đời. Nay phải làm tập trung, được kiểm soát kỹ, rồi phải ghi chép cặn kẽ diễn biến phát triển của cây lúa, những điều mà bao đời nay nào có ai biết đến. Ngay cả với chúng tôi cũng đều thấy mới lạ. Nhất là nếu kết quả vụ mùa không như mong muốn, không đúng theo họp đồng đã ký với bên đầu tư, thì biết ăn nói ra sao đối với bà con nông dân và nhà đầu tư. Nhưng chúng tôi nghĩ về lợi ích lâu dài của người nông dân khi sẽ có thu nhập cao hơn cũng trên diện tích ruộng y như vậy, mà công sức bỏ ra lại nhẹ nhàng hơn. Đối với xã hội sẽ có hạt gạo ngon, không còn nỗi lo bị nhiễm phân bón, thuốc trừ sâu. Đây cũng là sự phát triển tất yếu của xã hội, cung cấp hạt gạo ngon đến với bữa cơm của mọi gia đình.”
Gặp anh Trần Sinh ở ấp 9, xã Mỹ Lộc từ trụ sở HTX bước ra với gương mặt tươi rói, trên tay cầm xấp tiền dầy cộm, chúng tôi mở lời hỏi thăm thì được biết, anh Sinh mới lãnh được gần 60 triệu đồng tiền bán vụ lúa “sạch” vừa qua trên phần ruộng 1,4ha sau khi đã trừ hết chi phí. Hỏi thêm, làm lúa “sạch” này có cực hơn trồng lúa truyền thống không thì anh Sinh phấn khởi trả lời: “Ban đầu chúng tôi lo lắm, vì canh tác theo kiểu mới này có ai mà biết, lỡ không đạt yêu cầu, phải đền tiền giống, phân bón thì chắc chết. Nhưng qua mấy lần hội họp, được các chuyên gia hướng dẫn, giải thích, thấy cũng đơn giản, dễ làm… nên yên tâm đăng ký vào HTX. Chúng tôi càng yên tâm hơn khi bắt đầu vào vụ thì đã có chuyên gia xuống tập huấn, hướng dẫn và kiểm tra ngay tại ruộng. Mới đầu ai cũng lớ ngớ vì từ nào giờ, nông dân tụi tui chỉ biết cầm cày, cầm cuốc, có cầm viết đâu mà phải ghi chép tỉ mỉ sự phát triển của cây lúa, rồi tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chí, yêu cầu của cán bộ. Rồi nào là chuyện phơi đất đủ kỳ hạn để khử độc, nguồn nước phải đảm bảo không bị ô nhiễm, không xịt thuốc trừ sâu và bón phân bừa bãi... mà chỉ sử dụng 100% phân bón hữu cơ chất lượng cao do nhà đầu tư cung cấp. Mới đầu thấy khó vậy, giờ trải qua 5 mùa vụ rồi, làm thấy... khỏe ru hà!”.
Bà Thoa đứng gần bên, được anh Sinh giới thiệu với chúng tôi, chính là người phụ nữ chúng tôi gặp lúc trời vừa đổ mưa, nét mặt tươi rói khi bà cũng đang cầm xấp tiền khá nặng tay. Bà Thoa khoe: “Tôi được hơn 50 triệu đồng tiền bán lúa thu hoạch trên diện tích hơn 10 công”. Rồi bà nói thêm: “Cách thu mua lúa giữa HTX Nông nghiệp Tân Tiến với Sài Gòn Co.op càng làm cho bà con nông dân chúng tôi tin tưởng. Đó là Sài gòn Co.op bao tiêu, lúa thu hoạch đến đâu, thu mua tại ruộng đến đó. Bà con nông dân không tốn chi phí vận chuyển đến điểm tập kết. Sau khi dứt điểm mỗi đợt thu mua, tiền được chuyển về thông qua HTX Tân Tiến kịp thời nhanh chóng, không hẹn lần hẹn lữa”.
2. Xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình là một trong những địa phương có mô hình sản xuất gạo sạch tiêu biểu. Đây là thành quả của sự liên kết chặt chẽ giữa HTX Nông nghiệp Tân Tiến và HTX Liên hiệp Saigon Co.op nhằm phát triển nguồn sản phẩm theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn cao. Trong đó, sự tham gia tư vấn đặc biệt của giáo sư Võ Tòng Xuân đã góp phần giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc của bà con nông dân trong kỹ thuật canh tác, tạo niềm tin cho bà con nông dân mạnh dạn tham gia HTX.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn giống lúa mới được Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cùng Trung tâm giống Nông lâm Ngư nghiệp tỉnh Kiên Giang phối hợp nghiên cứu và phát triển. Mô hình này được thực hiện từ vụ hè thu năm 2016 với diện tích 44,3ha, có 73 hộ nông dân tham gia. Tính đến nay, đã cung cấp cho hệ thống phân phối Saigon Co.op hơn 100 tấn gạo đạt tiêu chuẩn chứng nhận các loại, được Sài gòn Co.op đặt tên thương hiệu “Hương Xuân”.
Theo nhiều khách hàng thường đến mua gạo Hương Xuân tại hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết, đặc điểm nổi bật của sản phẩm gạo “Hương Xuân” chính là mùi hương tự nhiên của gạo, thơm cả trước và sau khi nấu. Hạt cơm dẻo vừa, nở mềm, khi ăn có độ ngọt, hòa quyện với mùi thơm đặc trưng vốn có trong từng hạt gạo, nhờ vậy góp phần tạo thêm sự ngon miệng khi ăn cùng với các món ăn khác, tăng thêm giá trị cho bữa ăn. Hiện tại, sản phẩm gạo Hương Xuân được Saigon Co.op phân phối độc quyền tại hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc, giá tham khảo khoảng 49.000 đồng/túi 2kg và 121.000 đồng/bao 5kg.
Tiễn chúng tôi ra về, anh Thành, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Tiến, bày tỏ: “Hướng phát triển sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình lúa sạch này vì đây là hướng đi đúng đắn và bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, chúng tôi sẽ kiện toàn hơn nữa từ khâu tổ chức sản xuất đến đảm bảo chất lượng, luôn tuân thủ các nguyên tắc đã đề ra trong canh tác, nhằm ngày càng nâng cao giá trị thương hiệu gạo ngon của HTX Nông nghiệp Tân Tiến”.