Trong cuộc gặp mặt đầu xuân giữa các nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả sân khấu với những người làm truyền hình tại trụ sở Hội Sân khấu TPHCM, NSND Phạm Thị Thành đã rất vui thông báo chương trình diễn tết của các sân khấu cải lương đã được đông đảo khán giả Hà Nội hưởng ứng nồng nhiệt. Vé các suất diễn đều được mua hết. Nhiều người muốn xem ngay cũng phải chờ.
Đặc biệt, vở cải lương Vua Thánh triều Lê đã “cháy vé”. Giới chuyên môn Hà Nội đánh giá cao sáng tạo và tay nghề của nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, đủ lực nối gót, kế thừa các đạo diễn thế hệ trước. Thật ra khi vở cải lương lịch sử Cung phi điểm bích của Hoàng Công Khanh công diễn tại TPHCM, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai đã được chú ý. Giới cải lương thành phố đã biết đến đạo diễn tài ba này. Và những ấn tượng của những ngày đẹp đó vẫn chưa phai trong giới đạo diễn.
Còn tại TPHCM, Tết Giáp Ngọ 2014, các sân khấu xã hội hóa hay còn gọi là ngoài công lập cũng đã mang lại cho khán giả mộ điệu kịch nói nhiều cảm xúc mới. Tết này, kịch vẫn đầy đủ, tiếng cười đã lành mạnh hơn nhiều so với những mùa xuân trước khi mà kịch tết chỉ “cười”. “Tấu” lấn át “diễn”, “cười” lấn át “hài”. Năm 2013, tiếng cười lan sang cả lãnh vực kịch ma, kinh dị, trong sợ hãi cũng “cười”… Người xem cũng với thái độ vui là chính, sẵn sàng móc hầu bao mua vé. Sân khấu thị trường đã lấn át sân khấu nghệ thuật.
Năm nay, sân khấu đã có thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Sân khấu tiêu khiển, giải trí vẫn có chỗ đứng và sức hút khán giả. Tiếng cười vẫn rộn ràng pha một chút màu sắc kinh dị, ma quái. Không chỉ có vậy, cái mới ở đây là sân khấu đã phần nào gắn với đời sống, không tránh né hiện thực. Đời sống xã hội với những vấn đề nóng đã được đưa lên sàn diễn. Cái hiện thực trên sân khấu đã được thể hiện không khác, không xa lạ với cái hiện thực của đời sống. Sân khấu không tách rời đời sống và trở nên chân thực hơn.
Chân thực của cuộc sống, của xã hội và của sân khấu đã hòa quyện với nhau trong một số tác phẩm mà một nhà báo đã khen là những khoảng lặng giữa rừng cười, giữa rừng hài kịch. Đó là vở Cõng mẹ đi chợ (Nhà hát Thế giới Trẻ), Tình gần (IDECAF), Ảo và thật (Nhà hát kịch - Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần), Yêu giờ chót (Sân khấu kịch Hồng Vân)…
Người viết xin được nói thêm vẫn còn những “khoảng lặng” khác đưa khán giả vào thế giới của chiêm nghiệm, suy tư như vở Sông dài của Hà Triều - Hoa Phượng được dựng thành kịch tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Riêng sân khấu này tuy ra đời sau nhưng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc qua các vở diễn về đề tài gia đình, về tâm lý được mổ xẻ khám phá ở nhiều khía cạnh. Tiếng cười của sân khấu này có vai trò làm nhẹ đi cái không khí căng thẳng đầy kịch tính của tình huống. Sức hút khán giả của các nhà hát công lập, trong đó có Nhà hát cải lương Hà Nội, đã gợi mở cho chúng ta đôi điều suy nghĩ khá thú vị nếu đối chiếu với những thành công tương tự của các sân khấu ngoài công lập ở TPHCM.
Thú vị ở chỗ có sự đảo chiều: Kịch nói vẫn đắc địa ở Hà Nội thì nay lại phát triển năng động trên các sân khấu ngoài công lập TPHCM. Cải lương vốn đắc địa ở TPHCM lại rất được khán giả Hà Nội yêu thích. Chuyện vào Nam - ra Bắc của 2 loại hình sân khấu cải lương và kịch nói đều có nguyên nhân sâu xa từ cơ chế bao cấp đến đổi mới chấp nhận cơ chế thị trường. Mỗi cơ chế đều vận động theo quy luật riêng của nó. Nếu người làm sân khấu mang cái này phủ định cái kia thì chắc chắn sẽ không có những kết quả như mùa xuân này ở hai đầu đất nước.
Những người làm sân khấu phía Bắc đã quen với cơ chế bao cấp, được hưởng thành quả của bao cấp, còn những người làm sân khấu phía Nam lại không xa lạ với thị trường nên tạo dựng được cho mình một đức tính năng động, thích nghi nhanh trước những đổi thay. Họ cũng chính là người đã làm nên nghệ thuật cải lương rồi làm sân khấu cải lương trong thị trường của xã hội cũ. Thị trường luôn có hai mặt tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Hạn chế những tác hại của thị trường là nhờ vào định hướng XHCN. Thực hiện định hướng mà nhà nước tài trợ cho các đoàn nghệ thuật công lập dựng thành công những vở diễn lớn mà sân khấu thị trường không làm hoặc không thể làm được.
Trong khi đó cũng thực hiện định hướng tư tưởng và nghệ thuật cho các sân khấu ngoài công lập (tư nhân) để họ không chạy theo thị hiếu thấp của người xem, chạy theo giá cả của thị trường, làm thương mại nghệ thuật. Do vậy mà giữa “rừng” cười (thị trường) vẫn có những vở diễn nghiêm túc trong diễn xuất, chỉn chu trong cấu trúc và dàn dựng (nghệ thuật). Khán giả của ngày hôm nay đã thay đổi nhiều. Cách thưởng thức, thái độ thưởng thức của họ không còn dễ dãi, sẵn sàng chấp nhận sân khấu giải trí đơn thuần. Họ đang đòi hỏi những người làm sân khấu phải mang lại những điều mới mẻ về nội dung, độc đáo về hình thức thể hiện. Sân khấu chúng ta đã đáp ứng phần nào những đòi hỏi rất chính đáng ấy nhưng như vậy chưa đủ. Chúng ta vẫn chưa có những tác phẩm hay, những tác phẩm ngang tầm với cuộc sống, xứng với đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác và biểu diễn.
TPHCM có một lực lượng sáng tạo hùng hậu gồm nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên, tác giả được đào tạo từ nhà trường nghệ thuật và được nhà nước tạo điều kiện để hoạt động. Tuy nhiên có tâm và có tài vẫn chưa đủ để làm nên tác phẩm lớn. Cần thiết người nghệ sĩ phải có cái tầm cao nữa. Kết hợp được 3 yếu tố tâm, tài, tầm mới đủ điều kiện sáng tạo nên tác phẩm tầm cỡ như người làm lẫn người xem vẫn khát khao, mong ước, vươn tới. Sân khấu muốn cất cánh phải xác định đường bay là định hướng nghệ thuật và tư tưởng, phải có đường băng để cất cánh là cơ sở hạ tầng, là phương tiện vật chất, là đầu tư, tài trợ của nhà nước.
NSƯT, Đạo diễn TRẦN MINH NGỌC