Hướng về dân

Khó khăn của nền kinh tế đang tác động trực tiếp đến bộ phận người lao động nghèo, người hưởng lương ngân sách, đối tượng chính sách... Do vậy, trong những ngày tháng tư lịch sử này, nhiều địa phương, đơn vị chào mừng kỷ niệm 37 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước bằng những việc làm nhiều ý nghĩa - hướng về dân.
Hướng về dân

Khó khăn của nền kinh tế đang tác động trực tiếp đến bộ phận người lao động nghèo, người hưởng lương ngân sách, đối tượng chính sách... Do vậy, trong những ngày tháng tư lịch sử này, nhiều địa phương, đơn vị chào mừng kỷ niệm 37 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước bằng những việc làm nhiều ý nghĩa - hướng về dân.

  • Về với dân

Sáng 25-4, đi xuyên qua con hẻm chật chội, không lúc nào có ánh sáng mặt trời do bị những căn nhà tạm bợ hai bên hẻm lấn chiếm hết khoảng không, ông Trần Vĩnh Tuyến, Chủ tịch UBND quận 1 cùng đoàn đại biểu Quận ủy – UBND – MTTQ quận 1, TPHCM, ghé sạp 3/12 Yersin (gần chợ Cầu Ông Lãnh, quận 1), thăm bà Nguyễn Thị Năm (88 tuổi). Không có con cháu, bà Năm bán trầu cau và sinh sống luôn ở cái sạp chỉ rộng chừng 2m². Những khi trái gió trở trời, đau bệnh, bà chỉ biết “giao phó” cho…  hàng xóm láng giềng.

Đón nhận tấm lòng, sự quan tâm của lãnh đạo quận, bà Năm rơm rớm nước mắt và xúc động cho biết, từ năm 2008 bà được Hội Chữ thập đỏ phường chăm lo bữa trưa. Ngoài tiền trợ cấp diện người già (360.000 đồng/tháng), vào các dịp lễ, tết, bà luôn được cán bộ quan tâm thăm hỏi. Năm nay, đặc biệt hơn, vào dịp lễ 30-4, bà lại được đón đoàn khách quý tới thăm.

Rời địa chỉ trên, đoàn lãnh đạo quận 1 ghé nhà riêng, thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Trọng Hùng đồng thời ân cần thăm hỏi gia cảnh bà Phạm Thị Cho (mẹ liệt sĩ Nguyễn Trọng Hùng, 75 tuổi, ngụ 114/33 Đề Thám). Tuổi cao, sức yếu, bà Cho không còn lao động được. Trong khi đó, hai người con (1 trai, 1 gái) bị bệnh tâm thần, chỉ ăn nằm một chỗ, thiếu người chăm sóc, khiến người mẹ già lúc nào cũng canh cánh âu lo. Gia đình luôn mong mỏi có thể xin cho người con út Nguyễn Thị Phương Thảo (39 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, quận 6) được dạy học ở quận 1, gần nhà, để tiện chăm sóc hai anh chị bị bệnh cùng người mẹ già.

Hiểu được hoàn cảnh và nguyện vọng của gia đình, ngay trong buổi trò chuyện, Chủ tịch UBND quận 1 đã chỉ đạo Phòng Giáo dục sớm có biện pháp giúp gia đình. Trước sự sẻ chia, quan tâm giúp đỡ gia đình một cách thiết thực của lãnh đạo quận, mẹ liệt sĩ Phạm Thị Cho cùng con gái lau vội giọt nước mắt hạnh phúc. Còn mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mão (98 tuổi, ngụ 119/15 Trần Hưng Đạo) do mắt đã mờ hẳn nên chỉ còn biết rờ nắn bàn tay từng đứa con trong đoàn đến thăm.

Chủ tịch UBND quận 1 Trần Vĩnh Tuyến thăm gia đình bà Phạm Thị Cho.

Chủ tịch UBND quận 1 Trần Vĩnh Tuyến thăm gia đình bà Phạm Thị Cho.

Ông Tuyến trầm tư: Những chuyến đi như thế này cũng là dịp được gần gũi, làm thêm điều gì đó cụ thể, thiết thực cho dân, dù nhỏ. Năm nay, quận 1 tổ chức thường xuyên các hoạt động chăm lo cho gia đình chính sách, người già neo đơn, hộ nghèo thật sâu sát, đúng đối tượng và thiết thực. Riêng dịp 30-4 và 1-5, các cán bộ chủ chốt của quận, lãnh đạo phường tới từng nhà, thăm 300 hộ nghèo, người cao tuổi neo đơn, gia đình chính sách, người có công cách mạng.

Ngoài giá trị mỗi phần quà 500.000 đồng được trích từ quỹ vì người nghèo, từng chuyến đi, các lãnh đạo chủ chốt lại chủ động bỏ tiền túi để phần quà thêm đầy đặn, tặng các hộ gia đình. Lan tỏa từ sự chăm lo ý nghĩa, nhiều mạnh thường quân cũng gửi gắm thêm các món quà, vừa tiền mặt vừa hiện vật chuyển đến những mảnh đời còn khó khăn.

  • Mang nước sạch đến bà con nghèo

Trong khi đó, ông Phan Ngọc Minh, Bí thư Quận ủy quận 6 cho hay: Dự án Nâng cấp đô thị (thành phần số 4) qua địa bàn quận 6 đã có đến 1.178 hộ dân bị giải tỏa (450 hộ giải tỏa một phần, 728 hộ giải tỏa trắng). Trong số đó, 153 hộ tái định cư ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh. Để động viên tinh thần, chia sẻ khó khăn cùng người dân, dịp lễ 30-4 này, lãnh đạo quận đã đến thăm động viên, ngoài tiền thưởng cho bà con thực hiện tốt chính sách di dời, quận còn tặng thêm quà để bà con vui lễ.

Với tinh thần tuổi trẻ xung kích, Đoàn TNCS Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn mừng kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất bằng việc làm hết sức thiết thực: Thực hiện dự án lắp đặt đồng hồ nước cho tất cả hộ dân trên các tuyến đường đã có hệ thống cấp nước tại phường 10, quận Tân Bình. Theo kế hoạch, hơn 400 hộ dân trong khu vực sẽ được lắp đặt đồng hồ nước. Trước mắt, từ nay đến tháng 5-2012, ít nhất 200 hộ dân sẽ được lắp đặt đồng hồ nước.

Đáng ghi nhận là lực lượng đoàn viên thanh niên đã tổ chức điểm tiếp nhận hồ sơ dịch vụ cấp nước cho bà con tại UBND phường 10, quận Tân Bình, bà con không phải đến đơn vị cấp nước để làm thủ tục. Dịp này, Đoàn TNCS Sawaco cũng tổ chức thi công phát triển mạng lưới đường ống nước D50 cho 4 hẻm có đông người Hoa, người Khmer sinh sống trên địa bàn phường 10, quận Tân Bình, bao gồm: hẻm 21/11; 21;16; 21/24; 23/58 đường Bùi Thế Mỹ.

Theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM, TP hiện còn 69.139 hộ nghèo (với hơn 381.000 nhân khẩu), chiếm 3,79% tổng hộ dân TP; giảm hơn 83.000 hộ nghèo so với đầu giai đoạn (2009-2015). Trong đó, còn 31 hộ nghèo (106 nhân khẩu) theo chuẩn quốc gia (dưới 6 triệu đồng/người/năm).

Trong tình hình tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, giá cả tiếp tục tăng cao, đời sống người nghèo gặp nhiều khó khăn, TP cùng các quận, huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ chăm lo cho người nghèo, thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giúp các hộ nghèo từng bước vượt qua khó khăn trong cuộc sống… Quỹ xóa đói giảm nghèo đang cho hơn 34.600 hộ nghèo và 225 cơ sở sản xuất kinh doanh thu nhận hơn 2.200 lao động nghèo với tổng số vốn hơn 200 tỷ đồng; ngân hàng chính sách cho hơn 55.400 hộ nghèo vay 793 tỷ đồng. Gần 95.800 người nghèo được cấp bảo hiểm y tế…

Đường Loan – Mai Anh

Tin cùng chuyên mục