Đã từ lâu tinh thần tương thân, tương ái, ý thức tìm về tổ quán của các dòng tộc, tinh thần tự hào huyết thống và phát huy truyền thống riêng biệt của mỗi dòng họ làm nên những giá trị cốt lõi kết tinh thành các giá trị vô hình trong văn hóa dòng họ của mỗi họ nói riêng và văn hóa dòng họ Việt Nam nói chung.
Tự hào hai chữ “cội nguồn”
Ngay từ sáng sớm chủ nhật ngày 11-12-2011, hàng dòng người đã đổ về Dinh Thống Nhất để tham dự ngày hội “Hướng về nguồn cội”, một chương trình giao lưu văn hóa đặc sắc do DonaCoop, Công ty Hưng Gia Việt phối hợp tổ chức với sự tham dự của hơn 500 khách mời đại diện khoảng 100 họ tộc tại khu vực phía Nam, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ (ảnh). Đó là các dòng họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê, họ Bùi, họ Phan, họ Mạc, họ Hồ, họ Vũ-Võ, họ Phạm, họ Trịnh, họ Trương, họ Lương...
Nhìn các cô, các chú, các bác tóc đã điểm bạc, bước đi đã có phần chậm rãi, đôi người đi lại còn rất khó khăn phải có con cháu theo dìu, thế nhưng trên gương mặt của mỗi người vẫn thể hiện nét vui tươi hứng khởi khi đến tham dự chương trình gặp mặt giao lưu “Hướng về nguồn cội” đầy ý nghĩa này.
Chương trình được sự hỗ trợ của Trung tâm Unessco Nghiên cứu văn hóa các dòng họ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh.
Gia đình – họ tộc là cầu nối thiêng liêng, mãnh liệt in sâu trong lòng mọi người. Từ xa xưa, ông cha ta rất chú ý xây đắp truyền thống các dòng họ, tôn vinh công lao tổ tiên, dạy dỗ con cháu tiếp bước theo truyền thống cha ông: con hơn cha là nhà có phúc. Đã có những dòng họ sản sinh ra những người con kiệt xuất được vinh danh qua các giai đoạn lịch sử nhất định.
Giáo sư Mạc Đường, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Unessco Nghiên cứu về văn hóa dòng họ khẳng định: “Là con cháu có trách nhiệm phải biết dòng họ, tổ tiên mình là ai, ai đã đem lại cuộc sống cho mình hôm nay, đó chính là đạo đức của con người”.
Xây dựng điểm đến văn hóa, lịch sử và tâm linh tại Đồng Nai
Với ý nghĩa thiêng liêng của văn hóa dòng họ, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học hỏi, giao lưu văn hóa và tâm linh tạo nên sự gắn kết của các thế hệ con cháu, các họ tộc tại khu vực phía Nam, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Đồng Nai, DonaCoop đã quy hoạch và xây dựng các công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử và tâm linh tại dự án An Viên Vĩnh Hằng, mô hình công viên nghĩa trang xanh đầu tiên tại Đồng Nai, bao gồm Liệt tổ tri ân điện, Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ Đông Nam Bộ, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh và đặc biệt là lần đầu tiên sẽ có khu Đền thờ trăm họ với sự quy tụ của hàng trăm Nhà thờ họ dành riêng cho các dòng họ đang sinh sống tại khu vực miền Nam cũng như các dòng họ từ miền Trung, miền Bắc di cư vào Nam từ bao đời nay, góp phần hiện thực hóa ý thức hệ về gia phả và dòng tộc.
Ông Bùi Thanh Trúc-Tổng Giám đốc DonaCoop tâm huyết chia sẻ: “Đây là những công trình kiến trúc văn hóa có ý nghĩa rất đặc biệt nhằm tôn vinh những giá trị cao đẹp của gia đình và truyền thống dân tộc. Thông qua đó chúng tôi, những thế hệ con cháu xin bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến các thế hệ cha ông đi trước đã cống hiến, hy sinh và gìn giữ những giá trị tinh thần bất diệt và là tấm gương sáng, là bài học cho các thế hệ con cháu mãi noi theo”.
An Viên Vĩnh Hằng là dự án Công viên Nghĩa trang được quy hoạch theo mô hình công viên kết hợp với nghĩa trang có quy mô 116 ha tọa lạc tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. An Viên Vĩnh Hằng được đánh giá là công viên nghĩa trang hiện đại bậc nhất Việt Nam, hội tụ đủ các yếu tố quy hoạch hiện đại, đồng bộ, vị trí và địa hình đẹp tạo nên một vị thế phong thủy vào loại bậc nhất, thân thiện với môi trường sinh thái, mang sắc thái tâm linh đặc trưng của người Việt và dịch vụ phong phú, đa dạng chất lượng cao. Vượt lên trên giá trị về mặt cảnh quan và quy hoạch, An Viên Vĩnh Hằng còn được kỳ vọng gìn giữ nếp văn hóa Việt, xây dựng phát huy truyền thống mỗi gia đình, mang lại giá trị nhân văn sâu sắc. Dự án An viên Vĩnh Hằng sẽ được khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 8-1-2012, cung cấp hơn 60.000 vị trí địa táng và 30.000 chỗ lưu tro cốt cho khu vực Đông Nam Bộ. |
Ngô Sơn