Huyền thoại mẹ

TPHCM hiện có 142 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, nhưng đều ở tuổi trên dưới 90. Cuộc đời giản dị, đức tính cần cù nhân hậu, tinh thần yêu nước mãnh liệt và ý chí kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của các Mẹ VNAH là thông điệp được viết bằng máu gửi lại thế hệ trẻ hôm nay…
Huyền thoại mẹ

TPHCM hiện có 142 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, nhưng đều ở tuổi trên dưới 90. Cuộc đời giản dị, đức tính cần cù nhân hậu, tinh thần yêu nước mãnh liệt và ý chí kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của các Mẹ VNAH là thông điệp được viết bằng máu gửi lại thế hệ trẻ hôm nay…

Con dũng cảm, mẹ anh hùng!

Tháng bảy này ở các vùng “địa chỉ đỏ” có nhiều đoàn tìm về thăm Mẹ VNAH. Mẹ Nguyễn Thị Đáo, 96 tuổi, nhà ở ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi có 3 người con trai cùng hy sinh năm 1968. Ngày ấy cùng lúc nhận 3 tin dữ, mẹ không còn biết trời đất gì nữa. Đã hơn 40 năm, đêm nào mẹ cũng khóc nhớ con… Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ngồi, hơn 90 tuổi, có chồng và 3 con là liệt sĩ, trong đó hai con mất tích trong chiến tranh đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt khiến lòng mẹ không lúc nào yên.

Chị Nguyễn Thị Nhiện, Chủ tịch Hội LHPN huyện Củ Chi, cho biết: “Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện Củ Chi có gần 770 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH, đến nay chỉ 48 mẹ còn sống, mỗi năm, các Mẹ VNAH cứ dần khuất bóng để lại trong lòng mọi người niềm tiếc thương khôn nguôi…”. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Chanh, ở xã Phước Hiệp, 93 tuổi, cũng có 3 người con hy sinh. Mẹ đang nằm bệnh viện nên khi thấy chúng tôi đến thăm, mẹ cứ níu chúng tôi ở lại vì lo không biết có còn gặp lại mẹ nữa không…

Đoàn viên thanh niên quận Bình Tân TPHCM thăm Mẹ VNAH Phan Thị Chép, 88 tuổi.

Đoàn viên thanh niên quận Bình Tân TPHCM thăm Mẹ VNAH Phan Thị Chép, 88 tuổi.

Mẹ VNAH, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành ở ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi tuy đã mất mấy năm nay nhưng mẹ luôn bất tử trong lòng mọi người! Mẹ có tới 8 người con trai và 2 cháu nội, ngoại lần lượt hy sinh cho Tổ quốc. Cứ người con đi trước hy sinh, mẹ lại động viên người con tiếp theo lên đường chiến đấu.

Con hy sinh hết, mẹ lại động viên cháu nội, cháu ngoại lên đường chiến đấu để rồi lần lượt cả 10 người, cả con lẫn cháu đều đi mãi không về khiến mẹ như hóa đá. Nhưng mẹ vẫn tiếp tục nuôi giấu cán bộ, cùng du kích đào địa đạo đánh giặc chống càn, quyết bám đất giữ làng. Giờ đây tên mẹ Nguyễn Thị Rành được đặt cho một con đường lớn, một trạm y tế và một nhà lưu niệm ở vùng Củ Chi đất thép thành đồng.

Mẹ VNAH Phan Thị Chép, 88 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân có chồng và con trai là liệt sĩ. Mẹ kể: Chồng mẹ hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1952, khi đó mẹ mới 28 tuổi. Mất chồng nhưng mẹ còn đứa con trai duy nhất an ủi. Mẹ ở vậy tần tảo nuôi con khôn lớn. Khi con vừa 16 tuổi, cứ nằng nặc đòi mẹ cho đi bộ đội để trả thù cho cha. Trước khi đi bộ đội, anh dặn: “Mẹ cứ yên tâm đợi con về. Con không chết được đâu, mẹ đừng lo!”. Nào ngờ, lần tiễn con ấy lại là lần cuối cùng.

Hai năm sau, mẹ nghe tin con trai hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi! Trước nỗi đau không gì bù đắp nổi, mẹ nghẹn ngào: “Con trai mẹ hy sinh trong một trận đánh ác liệt, đến nay vẫn không tìm thấy hài cốt, nhớ con mẹ đành thắp hương nói chuyện với con bên nấm mộ rỗng có ghi tên con…”. Nhìn những giọt nước mắt hiếm hoi lăn dài trên gương mặt đau  khổ của mẹ, chúng tôi không thể cầm lòng.

Mẹ - những tượng đài bất tử

Mẹ VNAH Phạm Thị Cam, 85 tuổi, là Mẹ VNAH duy nhất tại quận Tân Bình. Năm nay sức khỏe của mẹ đã yếu nhiều nhưng nhắc tới chồng con, mẹ vẫn nhớ như in: “Chồng mẹ là bộ đội tham gia hai cuộc kháng chiến, thương tích đầy mình. Mẹ chỉ có một người con trai duy nhất để nương nhờ tuổi già, vậy mà lớn lên nó viết đơn bằng máu tình nguyện đi bộ đội. Chỉ vài năm sau, con trai hy sinh ngoài chiến trường. Rồi chồng mẹ cũng qua đời để mẹ sống nỗi cô đơn tột cùng. May có đứa con nuôi và sự quan tâm của chính quyền các cấp nên mẹ cũng nguôi ngoai nỗi đau…”.

Còn Mẹ VNAH Võ Thị Xe, 82 tuổi, ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh tiếp đón chúng tôi như thể đón những đứa con xa trở về. Nhà mẹ có tới 3 liệt sĩ gồm chồng và 2 con trai. Mẹ nghẹn ngào nhớ lại: “Chồng mẹ là bộ đội hoạt động trong Đội An ninh T4, hai con trai mới 14, 15 tuổi đã tiếp bước cha lên đường. Ở nhà, mẹ vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ, vừa tiếp tế lương thực cho chồng con. Rồi 3 năm liên tiếp, mẹ nhận giấy báo tử của chồng, con”.

Người con trai lớn của mẹ hy sinh năm 1970 tại Bến Tre khi mới 21 tuổi. Người con trai thứ hai hy sinh tại chiến trường Củ Chi năm 1972 khi vừa tròn 20 tuổi. Nỗi đau chưa nguôi thì người chồng thân yêu cũng hy sinh năm 1973. Tin dữ dồn dập tới khiến mẹ như người mất hồn. Sợ địch phát hiện, mẹ phải giả đò đi chăn vịt ngoài đồng vắng để khóc cho vơi bớt nỗi đau… Nhưng rồi mẹ đã đứng dậy thay chồng con tiếp tục hoạt động cách mạng và trở thành nữ biệt động xuất sắc trong Đội An ninh T4…

Thật khó có thể kể hết tên tuổi và sự hy sinh lớn lao thầm lặng của các Mẹ VNAH. 37 năm sau ngày đất nước thống nhất, có nhiều mẹ đã ra đi theo các anh hùng liệt sĩ, có những mẹ vẫn còn sống đến hôm nay. Và trong những ngày này, trên khắp các nẻo đường, từ thành thị đến thôn quê, từng đoàn người, từ lãnh đạo Đảng, chính quyền, các cơ quan đoàn thể Trung ương, địa phương đến những người lính hôm xưa lẫn hôm nay và cả những người dân thường, không ai bảo ai đều đang trở về thăm các mẹ với một tình yêu thương và kính trọng vô bờ. Bởi các mẹ đã trở thành những huyền thoại, những tượng đài bất tử trong lòng dân tộc Việt Nam.

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục